Aa

Điều hành tỷ giá: Nên linh hoạt hơn

Thứ Hai, 19/11/2018 - 17:12

Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế nước ta đã rất lớn, chính sách tỷ giá luôn là một biến số rất quan trọng tác động đến cán cân thương mại nói riêng và các cân đối vĩ mô khác nói chung. Liệu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang xảy ra có là thời điểm hợp lý để tạo ra sự linh hoạt của biên độ tỷ giá theo sự biến động trên thế giới nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu? Điều này cần được cân nhắc trong mối tương quan với các yếu tố nội tại khác của nền kinh tế như thế nào?

Điểm được trong chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam trong nhiều năm qua là tránh sốc, tạo sự yên tâm nơi dân chúng về đồng tiền quốc gia, đảm bảo ổn định tiền tệ - một nhân tố trụ cột của ổn định vĩ mô. Đây là thành tích đáng ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tuy nhiên, việc định giá đồng tiền trong nước thường xuyên cao hơn đồng tiền của các đối tác thương mại trong một thời gian dài đã và đang gây nhiều bất lợi cho nền kinh tế. Hơn thế, việc NHNN không phải là đầu mối duy nhất đưa ra các thông điệp chính sách tiền tệ đang là cái cớ để một số nước cho rằng NHNN trong vai trò là ngân hàng trung ương không độc lập và chính sách tiền tệ bị chi phối. Hậu quả là Việt Nam phải gánh chịu những chính sách không có lợi.

Do vậy, có hai vấn đề cần được xem xét. Thứ nhất, NHNN nên tận dụng các cơ hội để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, giảm bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Thứ hai, NHNN nên là đầu mối duy nhất đưa ra các thông điệp về chính sách tiền tệ.

Bất lợi nhãn tiền

Tính bình quân đơn giản, tiền đồng vào ngày 1/11/2018 đã tăng giá 4% so với các loại ngoại tệ được các ngân hàng thương mại niêm yết giá (không bao gồm đô la Mỹ) kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu leo thang (đầu qúy 2-2018). So với đô la Mỹ, tiền đồng đã giảm giá 2,4%; nhưng so với nhân dân tệ của Trung Quốc, tiền đồng đã tăng giá đến 7,6%.

Con số thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào trọng số thương mại với mỗi quốc gia và mỗi loại tiền tệ, nhưng tính một cách đơn giản với giả định các yếu tố khác không đổi, hàng hóa của Việt Nam đắt hơn một cách tương đối khoảng 4% so với hàng hóa của các đối tác thương mại chính (tính bình quân). Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 ước tính hơn 400 tỉ đô la Mỹ (không bao gồm phần với Mỹ), thì mức độ đắt hơn của hàng Việt Nam so với hàng hóa của các nước khác có thể lên đến 16 tỉ đô la Mỹ (gấp hơn năm lần thặng dư thương mại năm 2017).

Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều ước tính vào năm 2018 là trên 100 tỉ đô la Mỹ. Giả sử trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc tính bằng đồng tiền hai nước, thì với tỷ giá vào đầu tháng 11-2018, xuất khẩu của Việt Nam đổi ra tiền đồng sẽ thấp hơn 7,6% so với thời điểm đầu quí 2-2018 và hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt Nam khi quy về nhân dân tệ thì doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng thêm 7,6%.

Những tính toán nêu trên cho thấy hàng Việt Nam đang ở vị trí bất lợi so với hàng hóa của các đối tác thương mại chính hay nói chính xác hơn là các đối thủ cạnh tranh của mình trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Lý do đơn giản là tỷ giá hay tiền đồng bị định giá cao.

Với tỷ giá nêu trên, hiểu một cách đơn giản thì phần lợi nhuận hay thu nhập của Việt Nam bị giảm hàng chục tỉ đô la Mỹ.

Bất lợi thường trực

Cán cân thương mại của Việt Nam giai đoạn 1998-2017 được thể hiện trong hình 1. Thâm hụt là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Nếu chỉ riêng xuất nhập khẩu hàng hóa thì Việt Nam có một vài năm xuất siêu, nhưng nếu bao gồm cả xuất nhập khẩu dịch vụ thì Việt Nam luôn luôn thâm hụt. Mức độ thâm hụt được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng mọi thứ vẫn rất bấp bênh.

Hình 2 thể hiện sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu so với GDP kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực của một số nước. Việt Nam thường xuyên có mức thâm hụt cao nhất trong nhóm này, trong khi nhiều nước có cán cân thương mại luôn dương. Đặc biệt, Trung Quốc đã có thặng dư từ năm 1990 và số thặng dư ngày càng tăng. Việt Nam đã và đang phải nhập rất nhiều thứ từ Trung Quốc, đối nghịch với các nước khác trong khu vực.

Có nhiều nguyên nhân làm Việt Nam thường xuyên bị thâm hụt thương mại, nhưng đồng tiền bị định giá cao là một trong những nguyên nhân quan trọng. Việc định giá đồng tiền thấp từ đầu thập niên 1990 đã đem lại một lợi thế vô cùng lớn cho Trung Quốc trong làm ăn buôn bán với các nước khác. Điều tương tự cũng đã xảy ra đối với Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đáng tiếc, Việt Nam đã theo chính sách ngược lại.

Không chỉ không dứt khoát ngay từ ban đầu mà trong hai thập niên qua, Việt Nam thường xuyên trong tình trạng lạm phát cao và điều chỉnh tỷ giá nhỏ giọt làm cho sự bất lợi này luôn dai dẳng và ngày càng gia tăng.

Hướng tiếp cận chính sách

Đồng ý rằng việc điều hành tỷ giá liên quan đến nhiều vấn đề và chịu nhiều ràng buộc. Trong đó, làm sao để tránh bị các nước khác (nhất là Mỹ) liệt vào quốc gia bóp méo đồng tiền là một ưu tiên quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần nhận thức một cách rõ ràng rằng nếu đồng tiền mạnh hay được định giá cao thì sẽ rất bất lợi cho các hoạt động kinh tế. Do vậy, hai vấn đề sau đây cần được xem xét một cách thấu đáo:

Thứ nhất, cần linh hoạt hơn trong việc điều hành tỷ giá để giảm thiểu bất lợi cho các hoạt động kinh tế trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam không thể đột ngột điều chỉnh tỷ giá vì như vậy sẽ là cái cớ cho các nước khác cáo buộc Việt Nam không tuân theo các nguyên lý thị trường. Do vậy, cách tốt nhất là tạo ra sự linh hoạt của biên độ tỷ giá theo sự biến động trên thế giới.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang xảy ra là một thời điểm hợp lý. Mức điều chỉnh hợp lý có lẽ tương đương với bình quân của các đối tác thương mại chính. Cụ thể, ở mức hiện tại thì biên độ hợp lý có lẽ là trên dưới 5% thay vì 3%. Nếu nước lên thì thuyền lên và ngược lại.

Thứ hai, NHNN nên là cơ quan duy nhất đưa ra các thông điệp về chính sách tiền tệ. Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc danh sách theo dõi của một số nước về việc nhà nước bóp méo thị trường (trong đó các chính sách liên quan đến tài chính và tiền tệ thường nhạy cảm nhất) và từ đó họ sẽ đưa ra các chính sách bất lợi cho Việt Nam. Trong đó, ngân hàng trung ương không độc lập là một cái cớ rõ ràng. Do vậy, để tránh bất lợi này, tốt nhất thì NHNN nên là nơi duy nhất đưa ra các thông điệp về chính sách tiền tệ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top