Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bí thư cấp ủy, chủ tịch các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ nêu trên với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết.
Tại văn bản này, Thủ tướng chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.
Trước đó, ngày 9/9, NHNN cũng có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và chi nhánh NHNN tại 35 tỉnh, thành phố về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Danh sách các địa phương được nêu trong công văn gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.
NHNN yêu cầu các TCTD chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Những biện pháp này bao gồm: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, TCTD cần tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão này.
NHNN cũng yêu cầu các chi nhánh NHNN tại 35 địa phương trên đầu mối chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương triển khai hỗ trợ khách hàng để góp phần khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Cụ thể, các chi nhánh cần phối hợp với sở, ban, ngành trên địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các giải pháp để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3, cũng như báo cáo về NHNN.
Chi nhánh NHNN tại các tỉnh trên cần đánh giá thiệt hại vốn vay của khách hàng và kết quả bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng trên địa bàn trước ngày 20/9/2024.
Đồng thời, định kỳ trước ngày 10 hàng tháng, báo cáo kết quả triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng trên địa bàn.
Theo số liệu của NHNN, đến 7/9, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 7,75%. Mức này bằng một nửa so với chỉ tiêu đặt ra đầu năm của ngành ngân hàng. Hiện lãi suất vay của những khoản mới trung bình 6,23%, giảm 0,86% so với cuối năm 2023.
Ngoài ngành ngân hàng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xác định thiệt hại, tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên mua, người thụ hưởng bị thiệt hại vì bão Yagi./.