Aa

Định hình thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm vịnh - đảo Khánh Hòa

Thứ Ba, 05/10/2021 - 06:15

Trong Đề án Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa, tỉnh này định vị hình ảnh các dòng sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó loại hình du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm vịnh - đảo trở thành sản phẩm có thương hiệu.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 3174/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa. Mục tiêu là phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Khánh Hòa đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng; thu hút thêm nhiều thị trường khách và thu hút đầu tư vào du lịch; đảm bảo tính bền vững và tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Tour lặn biển ngắm san hô là một sản phẩm du lịch độc đáo tại Nha Trang

Đồng thời, định hướng phát triển du lịch Khánh Hòa theo hướng đẳng cấp quốc tế; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển du lịch tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Khu Kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh) và các khu vực có tiềm năng; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo tồn hệ sinh thái biển; xây dựng các tổ hợp du lịch đẳng cấp, khác biệt, tạo kết nối tuyến du lịch đến các khu điểm du lịch trong tỉnh, vùng, cả nước và quốc tế.

Đề án cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025 định vị hình ảnh các các dòng sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó loại hình du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm vịnh - đảo trở thành sản phẩm có thương hiệu. Đồng thời, xây dựng chi tiết và tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu vực có tiềm năng, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và hệ thống cơ sở vật chất, trong đó tập trung các loại hình vui chơi giải trí, du lịch đêm, mua sắm, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe… tạo sự đa dạng, hấp dẫn cho du lịch Khánh Hòa và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến năm 2030, định vị rõ nét các dòng sản phẩm du lịch Khánh Hòa, trong đó, cùng với du lịch biển đảo thì các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm sẽ là những sản phẩm thương hiệu, thu hút mạnh mẽ du khách.

Du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ ở Khánh Hòa

Tỉnh cũng định hướng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao, đẳng cấp, đồng bộ (cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí - thể thao, phương tiện vận chuyển, các cơ sở dịch vụ du lịch khác) để hướng đến phục vụ nhu cầu của khách du lịch chi trả cao. Đồng thời, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch “xanh”, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và văn hóa truyền thống.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các địa bàn như vịnh Vân Phong. Đây là vùng có tiềm năng du lịch đặc biệt, đã từng thuộc danh mục điểm đến phát triển thành khu du lịch tổng hợp quốc gia.

Tuy nhiên, còn khó khăn về hạ tầng nên đến nay chưa có đầu tư thỏa đáng để phát triển nguồn tài nguyên du lịch. Tỉnh cũng ưu đãi đầu tư vào khai thác văn hóa bản địa, phát triển du lịch cộng đồng ở không gian vùng núi phía Tây; ưu tiên đầu tư hạ tầng khu du lịch Bắc Cam Ranh, dọc tuyến sông Cái… Tạo cơ chế thông thoáng, có chính sách khuyến khích đảm bảo an toàn về vốn cho người đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút được các nhà đầu tư.

Du lịch biển đảo là “đặc sản” của Nha Trang - Khánh Hòa

UBND tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Đề án cho các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, giao Sở Du lịch xây dựng kế hoạch hàng năm, các chương trình, đề án về xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực du lịch, hợp tác phát triển du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ, các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch theo từng giai đoạn phát triển trong Đề án. Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tham mưu UBND tỉnh quản lý các dự án đầu tư lĩnh vực du lịch; phối hợp Sở Du lịch đề xuất UBND tỉnh các chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực du lịch, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch, lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch phát triển của tỉnh.

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trước dịch Covid-19, ngành du lịch địa phương liên tục tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Trong năm 2019, tỉnh này đón tổng lượt khách lưu trú hơn 7 triệu lượt, tăng 13,3% so với cùng kỳ 2018; trong đó khách quốc tế đạt 3,56 triệu lượt, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn Khánh Hòa là hơn 1.140 cơ sở với khoảng 50.000 phòng, trong đó khách sạn từ 3 - 5 sao đạt tỷ lệ gần 45%. Các khu du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao tập trung nhiều tại Nha Trang, Bãi Dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top