Aa

Định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 về sắp xếp, xử lý tài sản công

Thứ Sáu, 17/05/2019 - 06:01

Trên cơ sở các vướng mắc do bộ, ngành, địa phương đề xuất, Bộ Tài chính đã đưa ra những định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/NĐ-CP.

Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Thông tư số 37/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Theo báo cáo đánh giá, qua hơn 1 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167 còn tồn tại nhiều vấn đề.

Do đó, trên cơ sở các vướng mắc do Bộ, ngành, địa phương đề xuất, Bộ Tài chính đã định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167 về 6 nội dung chính.

Thứ nhất, quy định rõ hơn về phạm vi áp dụng.

Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 167 đã quy định loại trừ “a) Nhà, đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa” không thực hiện sắp xếp lại là chưa phù hợp, vì các cơ sở nhà, đất là tài sản của các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nên cần bỏ quy định trên.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho hay: "Trên thực tế, ngoài “nhà, đất không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị doanh nghiệp” nêu tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 167, thì còn có nhiều loại nhà, đất cần loại ra khỏi phạm vi áp dụng do việc quản lý, sử dụng đã được điều chỉnh cụ thể tại các pháp luật khác.

"Do đó, cần có quy định loại trừ ra khỏi phạm vi phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 167", ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản.

Thứ hai, cần quy định rõ về đối tượng là doanh nghiệp thực hiện sắp xếp nhà, đất gồm công ty mẹ và công ty thành viên mà công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung một số quy định về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Cụ thể hơn, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá trị tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất làm căn cứ để xác định thẩm quyền quyết định bán nhà, đất.

Tiếp đó, sửa đổi thẩm quyền bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý có nguyên giá nhà, đất dưới 500 tỷ đồng theo hướng: Phân cấp cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định bán nhà, đất thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Thứ tư, bổ sung quy định về trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và việc hạch toán, thanh toán các chi phí có lien quan khi thực hiện các quyết định xử lý nhà, đất theo các hình thức: Thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý.

Thứ năm, bổ sung quy định về thẩm quyền xử lý nhà, đất theo hình thức thu hồi, điều chuyển, bán nhà, đát của tổ chức chính trị - xã hội và việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất tại tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ sáu, về quy định xử lý chuyển tiếp, ông Thịnh cho biết, cần quy định cụ thể trường hợp chuyển tiếp đối với phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư 37 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 167.

Đồng thời, quy định xử lý chuyển tiếp tại Nghị định số 167 như nhà, đất của công ty cổ phần trước đây không thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg, Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg nhưng nay thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167 mà công ty cổ phần đang thực hiện dở dang việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, Bộ đã xây dựng dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; trong thời gian tới Bộ sẽ tổng hợp, nghiên cứu hoàn thiện báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành nhằm đảm bảo việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công hiệu quả, chặt chẽ, công khai, minh bạch và tránh thất thoát tài sản công./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top