Sáng nay, 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Đánh giá cao những thành tích của ngành tài chính đã đạt được, Thủ tướng cho rằng, tinh thần làm việc của lãnh đạo Bộ, đến các cơ quan trực thuộc đã có nhiều cố gắng, “rất lo lắng đến nhiệm vụ được giao”. “Hình ảnh đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng…, cùng các đồng chí Bí thư, Chủ tịch nhiều địa phương lăn lộn để tìm nguồn thu, đốc thu ở các địa phương, từng địa bàn, từng cơ sở, đã gây ấn tượng mạnh mẽ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.
Có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục thời gian tới.
Chính sách tài chính cần chủ động để khắc phục những khiếm khuyết của một nền kinh tế bước đầu vào kinh tế thị trường. Bộ Tài chính không chỉ là bộ quản lý tiền bạc, mà chính sách, công cụ tài chính phải thúc đẩy sự phát triển, chống tham nhũng, lãng phí.
Là kênh tham mưu quan trọng về tài chính quốc gia, ngành cần đề xuất các chính sách tài chính để thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 01 của Chính phủ. Nghiên cứu các chính sách kinh tế mà một số nước đã làm thành công để làm sao Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và bền vững hơn thông qua chính sách tài chính quốc gia. Đây là câu hỏi lớn mà Thủ tướng đặt ra cho các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành nghiên cứu cùng cơ quan chức năng để làm tốt.
Thủ tướng nêu tiếp thực trạng, chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đều bị mắc lỗi khi được thanh tra, kiểm tra thuế. Có doanh nghiệp lỗi nhiều, có doanh nghiệp lỗi ít. Rõ ràng có doanh nghiệp cố tình vi phạm nhưng cũng có doanh nghiệp bị oan sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước.
Những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe. Thủ tướng nhấn mạnh, cần khắc phục vấn đề này. Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài, từ 5 – 10 năm.
Chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước mà chưa hướng đến quan điểm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Xuyên suốt các luật thuế thì quyền của cơ quan quản lý nhà nước rất lớn với việc cấp mã số thuế, kiểm tra, thanh tra, cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đình chỉ sử dụng hóa đơn, xử lý hành vi vi phạm, thậm chí chuyển cơ quan điều tra… nhưng quyền của người nộp thuế, chủ yếu là doanh nghiệp và người dân còn rất ít.
Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước còn doanh nghiệp và người dân có kêu oan cũng bị áp đặt là vi phạm. Nói chung, quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Phải có chính sách đối với các “mỏ vàng”
Một vấn đề nữa, theo Thủ tướng, định hướng cơ chế về thu ngân sách nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng Facebook….
Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này. Do vậy, quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì chính sách tài chính, chính sách thuế còn chậm, các quy định về chính sách thuế chưa theo kịp, chưa tương thích với quy định của OECD, Liên Hợp Quốc, UNDP nên các hoạt động chuyển nhượng gián tiếp ngoài Việt Nam giữa các tập đoàn nước ngoài như chuyển nhượng vốn, cổ phần, chuyển giao tài sản vô hình… thường không thu được thuế hoặc có thu thì cũng xảy ra tranh chấp quốc tế.
Rõ ràng các hoạt động trên thuộc quyền đánh thuế của Việt Nam nhưng chính sách của chúng ta chưa theo kịp quá trình hội nhập nên đã nhường quyền đánh thuế cho người khác hoặc phải theo các vụ kiện cáo của các tập đoàn nước ngoài. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải rà soát lại các quy định về chính sách thuế hiện hành, so sánh, đối chiếu với các quy định, chuẩn mực của OECD, Liên Hợp Quốc để hoàn thiện các luật thuế bổ sung, sửa đổi lần này phải theo kịp, tương thích với quy định quốc tế.
Không để các nhóm lợi ích “làm phép” đối với tài sản công
Bài toán cân đối ngân sách nhà nước chưa vững chắc, chưa khoa học mà “tôi và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đều lo lắng”, Thủ tướng nói và chỉ rõ, các năm gần đây, năm nào, các địa phương cũng đủng đỉnh vượt dự toán thu ngân sách sớm còn ngân sách Trung ương thì “vắt chân lên cổ”, đến phút thứ 90 mới có thể nói là bảo đảm thu ngân sách Trung ương. “Chúng ta chưa làm được việc này, còn bị động”. Đây là vấn đề cần được bàn, được thảo luận để thực hiện đúng tinh thần ngân sách Trung ương là chủ đạo của ngân sách nhà nước.
Trong chi ngân sách, còn tình trạng khập khiễng. Chi thường xuyên năm nào cũng vượt dự toán, thậm chí có xu hướng tăng lên. Chi đầu tư phát triển đã có tăng nhưng chưa tương xứng. Bộ Tài chính cần rà soát kỹ các điểm nghẽn, các bất cập trong bài toán cân đối ngân sách để khắc phục sớm tình trạng này, làm sao ngân sách phải chủ động hơn, nhất là ngân sách Trung ương, đừng để quá căng thẳng.
Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn để các nhóm lợi ích “làm phép” để hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. “Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP. Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”, Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Thủ tướng nêu tiếp thực trạng cơ chế quản lý hóa đơn giá trị gia tăng hiện còn bất cập lớn trong quản lý thuế nói riêng, quản lý kinh tế nói chung. Vì vậy, cơ quan Công an đã khởi tố liên tục các vụ doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM mua bán hóa đơn bất hợp pháp, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, cho thấy lỗ hổng rất lớn về chính sách thiếu cơ sở kiểm soát hiệu quả, dẫn đến làm méo mó môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách, mất cán bộ… Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần tập trung xử lý ngay vấn đề này, đưa nhanh vào áp dụng hóa đơn điện tử trong nền kinh tế, kết hợp với cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.
Cải cách hành chính về thuế đã tiến được một bước rất dài, chỉ số nộp thuế theo xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đã tăng mấy chục bậc và đứng thứ 4 ở ASEAN. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp hưởng lợi hàng trăm nghìn tỷ đồng với cải cách quan trọng này. Tuy nhiên, ngành tài chính không được say sưa với thành công này mà chúng ta phải tận dụng cách mạng công nghệ 4.0 để đẩy nhanh hơn nữa điện tử hóa tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành như cấp mã số thuế điện tử, các thủ tục trước bạ ô tô, nhà đất đều điện tử… tiếp đến kiểm tra điện tử, thanh tra điện tử. Phải làm cho người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn nữa quá trình cải cách hành chính về thuế tiến đến ngang bằng các nước OECD, chứ không chỉ dừng lại ở chuẩn mực khu vực ASEAN.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phải sắp xếp lại bộ máy, giảm biên chế theo lộ trình khi mà toàn ngành hiện nay có bộ máy đồ sộ với trên 72.000 người, trong đó ngành thuế có 42.000 người, hải quan có trên 10.000 người…
Cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì
Thủ tướng cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại, ví dụ như Hải quan vẫn còn tình trạng tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, cán bộ thuế đi đêm với doanh nghiệp. Điều tra của VCCI cho thấy, chi phí bôi trơn của doanh nghiệp cho công chức thanh tra, kiểm tra vẫn còn lớn. Một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của doanh nghiệp, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào “Doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời yêu cầu ngành tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì”. Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành cán bộ công chức hư hỏng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán. Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48%GDP thực hiện).
Toàn ngành tài chính phải chú ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và công tác cán bộ triển khai minh bạch, chủ động, tránh tình trạng “nóng đâu phủi đó”.
Cho biết hiện mới có 16 địa phương cân đối được ngân sách và điều tiết về Trung ương, Thủ tướng mong muốn các tỉnh dự họp cần tái cơ cấu nền kinh tế thực sự, tìm giá trị gia tăng, phát triển mạnh mẽ sản xuất kinh doanh để có thêm nhiều doanh nghiệp, có nhiều dự án khởi nghiệp, để có thể tự trang trải hoặc có nộp dù chỉ là 1 tỷ đồng về Trung ương.
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị ngành tài chính quan tâm đặc biệt đến người nghèo, vùng bị thiên tai, lũ lụt vừa qua, bảo đảm vui Tết an toàn, tiết kiệm và có chính sách khuyến khích cơ quan địa phương tiết kiệm chi ngân sách để “tiết kiệm thực sự là một nếp sống văn hóa”.