Aa

Định hướng và mô hình nào cho khu chế xuất ?

Thứ Hai, 30/10/2017 - 06:01

Mô hình khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) đã được áp dụng trên thế giới hàng trăm năm trước đây.

Ở nước ta, trước năm 1975 đã có khu kỹ nghệ Biên Hòa - một dạng của KCN và dự kiến xây dựng một KCX rộng khoảng 60 héc ta tại phần nối tiếp của cảng Sài Gòn trên vùng Nhà Bè, nhưng vào lúc đó chưa thực hiện được.

Mô hình KCX hay KCN được các nước thực hiện trên thế giới đều xuất phát từ yêu cầu thu hút đầu tư vốn, kỹ thuật nước ngoài nhằm phát triển kinh tế trong nước sở tại. Thông qua đó, vừa giải quyết những khó khăn trước mắt về phát triển kinh tế, vừa tạo tiền đề cơ sở vật chất cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, mục tiêu cũng như nội dung của mô hình và quy chế quản lý cũng phải thay đổi theo trình độ phát triển kinh tế của nước sở tại. Không được như thế thì xem như đã hoàn thành vai trò lịch sử vậy!

Bối cảnh KCX Tân Thuận

Sau khi Nhà nước ban hành chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, năm 1988, lãnh đạo TPHCM đã đề ra nhiều biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đề án xây dựng KCX (Đề án thứ 6).

Đây là đề án được đưa vào thực thi từ năm 1989, do Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm chủ đầu tư. KCX đã được xây dựng từ năm 1991, phát triển và tồn tại cho đến nay (với tên gọi là KCX Tân Thuận). Sự thành công của đề án này đã mở ra một loạt các KCX, KCN khác.

Cũng có người đặt câu hỏi, cả nước cho đến nay chỉ có hai KCX ở TPHCM là Tân Thuận và Linh Trung, các khu còn lại (khoảng 300 khu trong cả nước) đều là KCN. Vậy tại sao ngay từ đầu chúng ta không xây dựng KCN mà lại chọn mô hình KCX?

Câu trả lời là do bối cảnh môi trường chính trị - kinh tế - xã hội nước ta lúc bấy giờ (vừa tiến hành thành công cải tạo công thương nghiệp ở phía Nam, nền tảng kinh tế cả nước ta được xây dựng trên cơ sở sở hữu quốc doanh). Nếu xây dựng KCN, đưa doanh nghiệp nước ngoài vào trong điều kiện họ được quyền mua nguyên liệu trong nước để sản xuất và bán sản phẩm vào thị trường Việt Nam, họ sẽ cạnh tranh với hệ thống doanh nghiệp quốc doanh, đi ngược lại với chủ trương lấy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm chủ đạo, tức DNNN sẽ bị mất vai trò.

KCX Tân Thuận đã biến vùng đất nghèo quận 7 và huyện Nhà Bè trở thành vùng đất phát triển nhanh nhất của TPHCM. Trong ảnh: Một khu nhà xưởng mới xây tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Quốc Hùng.

KCX Tân Thuận đã biến vùng đất nghèo quận 7 và huyện Nhà Bè trở thành vùng đất phát triển nhanh nhất của TPHCM. Trong ảnh: Một khu nhà xưởng mới xây tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Quốc Hùng.

Do đó chọn mô hình KCX là yên tâm nhất, vì theo quy chế thì xí nghiệp trong KCX không được mua nguyên liệu trong nước cũng như không bán sản phẩm ra thị trường nội địa mà mọi sản phẩm đều phải xuất khẩu. Hai KCX đầu tiên của TPHCM đã xuất hiện trong bối cảnh đó, với quy chế được sự ủy quyền của các bộ, ngành liên quan để giải quyết mọi thủ tục quản lý kinh tế - hành chính “một cửa tại chỗ”, trở thành mô hình thí điểm cho cả nước và thông qua mô hình quản lý này đã áp dụng hiệu quả cho đến ngày nay.

Vào thời điểm ấy, xử lý “một cửa tại chỗ” chính là mô hình sáng tạo trong quản lý của TPHCM đối với cả nước. Một loạt các KCN được hình thành sau này đều dựa vào chức năng nhiệm vụ mà lãnh đạo Nhà nước đã giao cho Ban Quản lý các KCN (Hepza) và công ty xây dựng hạ tầng tạo ra. Đây chính là yếu tố quyết định, lực lượng nòng cốt nhất cho việc triển khai xây dựng thành công hàng loạt KCN sau này.

Do đó, để có một định hướng phát triển KCX-KCN đến năm 2025 và 2050 (chứ không chỉ đến 2030), lãnh đạo TPHCM cần định vị lại chức năng của Hepza với đầy đủ quyền hạn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ mới.

Nay tình hình đã khác, nhiều chính sách cởi mở cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân tham gia đời sống kinh tế có phần bình đẳng hơn.

KCX của chúng ta 25 năm trước có vai trò tiên phong đột phá cho nền kinh tế đất nước, nhưng sự chuyển đổi công năng phù hợp với vai trò tiên phong thì chậm và chưa đủ tầm. Thậm chí quyền lực của Hepza hiện nay cũng xuống cấp so với trước đây. Nếu chức năng và quyền hạn của Hepza được tăng cường đúng mức, chúng ta có thể tham khảo các doanh nghiệp hiện có trong khu vực và cả những doanh nghiệp ở nước ngoài trong việc liên kết đưa công nghệ mới vào, tìm ra những điều kiện đổi mới quy chế quản lý như thế nào là khả thi. Từ đó, ta có một kế hoạch chuyển tiếp công năng KCX từ nay cho đến năm hết giấy phép kinh doanh của công ty liên doanh xây dựng hạ tầng trước đây.

Mặt bằng KCX Tân Thuận hiện nay nằm sâu trong nội thành, nếu ta chuyển công năng trở thành một trung tâm dịch vụ tài chính - thương mại thì giá trị và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều, nhất là khi nối kết với khu đô thị Nam Sài Gòn cùng trục đường Nguyễn Văn Linh thì nơi đây sẽ trở thành một đô thị hiện đại trong tương lai.

Kinh nghiệm từ Thâm Quyến

Kinh nghiệm KCX Thâm Quyến trước kia, nay đã thành một thành phố Thâm Quyến hiện đại thật đáng được tham khảo về tầm nhìn đến năm 2050.

Kinh nghiệm Thâm Quyến là một bài học bổ ích với hàng loạt chính sách đổi mới đồng bộ cụ thể suốt gần 37 năm, có thể phân ra làm ba giai đoạn:

Thứ nhất, thu hút FDI và gia công hàng công nghiệp cho nước ngoài.

Thứ hai, làm hàng nhái, du nhập công nghệ phù hợp, sản xuất hàng hóa có thể cạnh tranh với thị trường thế giới.

Thứ ba, nghiên cứu sáng tạo, tạo ra sản phẩm công nghệ cao, cạnh tranh với các nước phát triển trên thế giới tại sân nhà và sau đó ra khắp thế giới.

Ba giai đoạn này gối đầu nhau trong một chiến lược nhất quán xuyên suốt, mà giai đoạn 3 bùng nổ từ năm 2010 đến nay.

GDP của Thâm Quyến năm 2016 là 290 tỉ đô la Mỹ - tương đương với Hồng Kông; nhưng với tốc độ tăng trưởng 9%/năm, Thâm Quyến sẽ qua mặt Hồng Kông. Trong chuyến đi thăm cảng Thâm Quyến hồi tháng 8-2017 với đoàn nghiên cứu logistics Cần Thơ, tôi nhận ra rằng lưu lượng cảng cũng như sân bay của Thâm Quyến hiện đã theo kịp Hồng Kông.

Thâm Quyến cũng bắt đầu với KCN Sà Khẩu 300 héc ta (như KCX Tân Thuận), được xem là nơi thí nghiệm chính sách mở cửa hội nhập cho một chiến lược đến năm 2050. Hiện nay, Thâm Quyến là thành phố có nền kinh tế cơ cấu hiện đại công nghệ cao bậc nhất Trung Quốc, với những ngành hàng đầu gồm: điện tử, công nghệ thông tin, kỹ thuật sinh học, công nghệ gen, dược phẩm, nghiên cứu năng lượng mới vật liệu mới, tài chính, logistics, thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ sáng tạo, thiết kế mẫu mã, công nghệ truyền thống (kim khí điện máy cao cấp).

Sự ra đời KCX của chúng ta trước đây chỉ là đối sách nhất thời, không gắn với một chiến lược nào cả, nên ta chưa phát huy hết công năng của mô hình. Nay cần được bổ sung kinh nghiệm của các nước như Thâm Quyến của Trung Quốc hay Singapore. Nếu xem đó là một mô hình thí nghiệm chính sách cho một chiến lược phát triển lâu dài của cả nước, thì ta sẽ có những chính sách mới phù hợp nhằm chuyển dịch công năng KCX Tân Thuận ngay từ bây giờ mà không chờ đến ngày hết hợp đồng liên doanh. Như vậy sẽ góp phần cho chương trình đổi mới sáng tạo của TPHCM.

KCX Tân Thuận là đề án đầu tiên trên vùng đất nghèo Nhà Bè xưa kia, đây cũng là đề án mở đầu cho ý tưởng phát triển TPHCM hướng ra biển Đông. Trong 26 năm qua, nó đã biến vùng đất nghèo trở thành vùng đất phát triển nhanh nhất của TPHCM (quận 7, huyện Nhà Bè). Nếu lãnh đạo TPHCM quyết tâm, chúng ta cũng còn cơ hội cho một sáng tạo mới, tạo ra một động lực mới cho thành phố và TPHCM trở thành một động lực mới cho cả nước như thời kỳ đổi mới trước đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top