Aa

Dinh thự của tỷ phú bất động sản đời đầu của Việt Nam: Nhà có đến 99 cửa với những bí ẩn muôn đời sau chưa thể nào giải

Thứ Tư, 19/02/2025 - 16:00

Hiện tại nhiều khu đất của đại gia này đã được sử dụng làm tài sản công phục vụ nhân dân.

Dân Sài Gòn xưa còn truyền nhau câu nói về độ giàu có của những người Hoa ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn là: "Nhất Hỏa, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích" với "quán quân" là chú Hỏa. Khó có thể thống kê được hết số bất động sản của Công ty Hui Bon Hoa (do ông Hỏa thành lập). Khối tài sản này khiến bao người lúc bấy giờ không khỏi dè chừng với chú Hỏa - đại gia bất động sản đầu tiên của Sài Gòn sở hữu đến 40.000 căn nhà và đất đai rộng khắp lục tỉnh Nam kỳ.

Chú Hỏa là một nghệ danh và tên thật của ông là Hui Bon Hoa (Huỳnh Văn Hoa), tên khác là Tú Vinh, tên hiệu là Tình Nham, nguyên quán ở Nam An. Ông sinh năm 1845, mất năm 1901. Năm 20 tuổi, ông sang Việt Nam để lập nghiệp, thành lập Công ty Hui Bon Hoa. Doanh nghiệp của ông đạt cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thể kỷ 20 với những đóng góp không nhỏ vào kinh tế thành phố Sài Gòn xưa.

Dinh thự của tỷ phú bất động sản đời đầu của Việt Nam: Nhà có đến 99 cửa với những bí ẩn muôn đời sau chưa thể nào giải - Ảnh 1.

"Đại gia" Hui Bon Hoa hay được gọi với tên chú Hỏa. Ảnh tư liệu

Điều đặc biệt là người đàn ông này xuất thân từ nghèo khó. Ông làm nghề lượm ve chai với hai bàn tay trắng. Trong một lần lượm ve chai, ông nhặt được một túi vàng trong một chiếc ghế cũ và giàu lên từ đó. Cũng có người kể lại, ông đã mua được một bức tượng đúc đồng nhưng bên trong chứa vàng.

Sau đó, chú mua căn nhà ở gần cầu Ông Lãnh làm vựa thu mua ve chai của những người đồng hương. Vài năm nữa, chú lại mua thêm mấy căn nhà mặt phố và mở rộng cửa hàng lớn hơn. Sau tiền đẻ ra tiền, chú Hỏa làm thêm nghề cho vay lãi. Rồi chú mua đất, mua nhà cho thuê ở khu Cầu Ông Lãnh và khu Chợ Lớn, lại mở thêm tiệm cầm đồ. Ngoài ra chú còn góp cổ phần mở thêm công ty địa ốc với một người Pháp.

Dinh thự của tỷ phú bất động sản đời đầu của Việt Nam: Nhà có đến 99 cửa với những bí ẩn muôn đời sau chưa thể nào giải - Ảnh 2.

Khách sạn Majestic nhà chú Hoả vào thập niên 1930. Ảnh tư liệu

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (sách Lịch sử doanh nghiệp và công thương nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945), chú Hoả đã mở công ty cầm đồ ở các tỉnh thành Nam Kỳ. Ngoài ra, còn có các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Trong những 1890, chú Hỏa đã mua nhiều lô đất ở đầm Boresse (người Việt gọi là Bồ Rệt) do Chính phủ. Nhờ việc mua những lô đất này mà khi thành phố xây dựng Chợ mới Bến Thành, chú Hỏa và những người con tiếp nối sự nghiệp của chú được hưởng lợi nhiều nhất.

Trong ấn phẩm "Sài Gòn năm xưa" xuất bản vào năm 1960 của Vương Hồng Sển có ghi: "Hiện nay, phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ".

Ngoài ra, trên văn bia TP. HCM cũng ghi chép: "Trong thời kỳ cực thịnh, hầu như con phố nào ở Sài Gòn - Gia Định họ đều có những tòa nhà, căn hộ của gia tộc Hui Bon Hoa cho thuê. Toàn thành phố có khoảng hơn 200.000 bất động sản cho thuê thì có tới 40.000 căn thuộc sở hữu của gia tộc Hui Bon Hoa".

Dinh thự của tỷ phú bất động sản đời đầu của Việt Nam: Nhà có đến 99 cửa với những bí ẩn muôn đời sau chưa thể nào giải - Ảnh 3.

Chùa Phụng Sơn trên đường Nguyễn Công Trứ do dòng họ Hui Bon Hoa phụng cúng - Ảnh: Hồ Tường

Trong hàng trăm ngàn bất động sản kể trên, không thể không nhắc tới khu đất tại số 97 đường Phó Đức Chính mà người ta gọi là dinh thự 99 cửa. Tòa biệt thự này được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp tên Rivera vào năm 1929 và được hoàn thành vào năm 1934, do con trai trưởng của Chú Hỏa quản lý. 

Theo bản thảo ban đầu tòa biệt thự có 100 cánh cửa. Tuy nhiên, khi duyệt sơ đồ kiến trúc, viên toàn quyền người Pháp bắt buộc phải bỏ một cửa và không cho mở cửa cổng chính vì cổng này lớn hơn cổng của Dinh Toàn quyền (nay là Dinh Độc Lập). Tòa biệt thự này cũng là nơi đầu tiên sử dụng thang máy ở Sài Gòn.

Dinh thự này thời đó không chỉ ấn tượng với vẻ đồ sộ hiếm thấy mà còn bởi những câu chuyện ky kỳ không có lời giải đáp xung quanh từ cái chết của con gái chú Hoả - tiểu thư Hứa Tiểu Lan. Cô gái vì bị bệnh phong hủi mà nhốt trong căn phòng kín trê tầng cao. Thậm chí, câu chuyện về hồn ma của tiểu thư nhà họ Hứa đã được dựng thành phim chiếu rạp bùng nổ thời bấy giờ.

Dinh thự của tỷ phú bất động sản đời đầu của Việt Nam: Nhà có đến 99 cửa với những bí ẩn muôn đời sau chưa thể nào giải - Ảnh 4.

Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM hiện nay. Ảnh; Internet

Dinh thự của tỷ phú bất động sản đời đầu của Việt Nam: Nhà có đến 99 cửa với những bí ẩn muôn đời sau chưa thể nào giải - Ảnh 5.

Bộ phim dựa trên câu chuyện về tiểu thư nhà họ Hứa. Ảnh tư liệu

Hiện tại, dinh thự được sử dụng làm Khu vực Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Tất cả các căn phòng trong biệt thự được tận dụng làm phòng triển lãm, tuy nhiên vẫn có một số căn phòng được đóng kín không sử dụng và dán niêm phong cẩn thận. Giờ hoạt động của Bảo tàng khá ngắn, từ 9h đến 17h mỗi ngày.

Dẫu mang danh giàu có, song chú Hỏa được người dân Nam Kỳ miêu tả là một bậc đại phú sống có tình có nghĩa, hành động biết trước biết sau. Gia đình chú Hỏa cũng được biết đến với những hành động đóng góp lớn cho cộng đồng như hiến đất, xây tặng nhà cho chính quyền, cho cư dân địa phương với nhiều công trình công cộng như khách sạn Majestic, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức, Phụng Sơn Tự (quận 1)…

Các thế hệ con cháu sau này trong dòng họ Hui Bon Hoa cũng nối tiếp con đường kinh doanh bất động sản của cha ông mình. 

Dinh thự của tỷ phú bất động sản đời đầu của Việt Nam: Nhà có đến 99 cửa với những bí ẩn muôn đời sau chưa thể nào giải - Ảnh 6.

Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa ở đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn. Ảnh: Hồ Tường

Hàng năm, họ tổ chức những bữa cơm nuôi những người vô gia cư và góp của xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng, điển hình như Phước Thiện Y Viện năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện năm 1937 (nay là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn), Bệnh viện Maternité Indochinoise năm 1937 (tên Việt là Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Phụng Sơn (1949), chùa Kỳ Viên (1949-1952)... Maternité Indochinoise (nay là Bệnh viện Từ Dũ) được xây dựng trên miếng đất do dòng họ Hui Bon Hoa tặng và xây dựng trên đường Arras (nay là đường Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM). Tòa nhà được xây dựng năm 1937, 36 năm sau khi Chú Hỏa qua đời (1901).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top