Aa

Đồ án quy hoạch Ga Hà Nội: Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng

Thứ Sáu, 29/09/2017 - 14:01

Chiều tối ngày 28/9, tại buổi họp báo quý 3/2017 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã trả lời báo chí về đồ án quy hoạch ga Hà Nội đang được UBND TP. Hà Nội lấy ý kiến các bộ, ngành.

Theo đó, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đồ án không phải là quy hoạch riêng đối với ga Hà Nội mà là quy hoạch của cả khu vực, thông sang cả khu Văn Miếu, Văn Chương và ga Hà Nội nằm trong quy hoạch đó.

Ông cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ việc quy hoạch của Hà Nội. Đây là triển khai đồ án chung của quy hoạch Thủ đô và là quy hoạch chi tiết phân khu chức năng, trong đó có ga Hà Nội. Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch không gian đô thị chung của Hà Nội.

Khẳng định Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và đang giao cho các cơ quan chuyên môn đường sắt, đường bộ cùng nghiên cứu để trả lời UBND TP. Hà Nội trong khoảng 10 ngày tới, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng tỏ ra băn khoăn khi nội dung đồ án khá rộng, thay đổi nhiều về hạ tầng xung quanh ga nên cần cần nghiên cứu kỹ khả năng tổ chức giao thông, kết nối các tuyến đường sắt có phù hợp không?

"Về phía Bộ GTVT, chúng tôi đang giao cho các cơ quan chuyên môn đường sắt, đường bộ cùng nghiên cứu để cho ý kiến đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, theo tôi, đánh giá chung, Hà Nội và TP.HCM đều đang quá tải về hạ tầng giao thông. Đất dành cho giao thông của cả 2 đô thị này chỉ 7–8%, trong khi đó, với một thành phố phát triển, con số này phải từ 16–26%, thậm chí với đối với đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM phải lớn hơn 22%. Chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu về mật độ đường/1000 dân trong khu vực 98ha này để có đánh giá cụ thể về giao thông đối nội, đối ngoại", Thứ trưởng Đông nói.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, đối với Ga Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo khi thực hiện dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) phải khai thác xã hội hóa để tăng thêm nguồn thu vào đầu tư. Qua đó cũng đặt vấn đề xây dựng một số văn phòng thương mại không phải nhà ở trong khu vực ga.

“Bộ GTVT cũng sẽ xem xét việc triển khai công trình dịch vụ theo hướng xã hội hoá trong việc xây dựng nhà ga trung tâm Hà Nội, nhưng cao bao nhiêu cho phù hợp thì cũng phải tính,” ông Đông cho hay.

Ga Hà Nội.

Ga Hà Nội.

Liên quan đến đồ án này, mới đây, trả lời báo chí, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo quyết định trước đây của Thủ tướng thì khu vực ga Hà Nội sẽ được xây dựng lại, do đó, lập quy hoạch phân khu là bước cần thiết.

Trong quy hoạch, ga Hà Nội sẽ là đầu mối giao thông đường sắt quốc gia, quốc tế và đường sắt đô thị; quảng trường trước ga là bến trung chuyển xe buýt của thành phố.

"Mục tiêu của đồ án rất rõ ràng, ga Hà Nội là đầu mối giao thông và khu vực xung quanh là tổ hợp công trình công cộng, dịch vụ, nhà ở; chúng ta sẽ tái định cư tại chỗ toàn bộ", ông Lê Vinh nói. 

Lý giải việc Hà Nội đề xuất xây dựng nhiều tòa nhà cao 40-70 tầng xung quanh ga trung tâm, lãnh đạo Sở Quy hoạch cho biết, để đáp ứng các mục tiêu của đồ án thì phải xác định quy mô xây dựng, diện tích sàn tương ứng chiều cao công trình. Theo đó, khi chiều cao nâng lên thì mật độ xây dựng giảm và mới có quỹ đất dư ra để phát triển đường giao thông, khu vực công cộng và cây xanh.

"Với mục tiêu như vậy thì phải cao tầng, chúng ta còn cả vấn đề dân số và môi trường, Hà Nội đã xin ý kiến các bộ ngành trong quá trình nghiên cứu. Trên cơ sở ý kiến bộ ngành, thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng về việc xây dựng các công trình cao tầng", ông Lê Vinh nói. 

Giữa tháng 9/2017, Hà Nội đã xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận. Theo quy hoạch do tư vấn Nhật Bản lập, ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo.

Tư vấn đề xuất chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc...

Tuy nhiên, theo đề xuất của Hà Nội, trong 9 phân khu, các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng.

Cũng theo tờ trình này, hiện dân số khu vực quy hoạch là 34.000 người, dự báo tăng thêm 10% dân số mỗi năm nên tổng dân số của đồ án sẽ là 44.000 người. Qua đó, Hà Nội sẽ tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top