Aa

“Nếu xây nhà nhiều tầng sẽ lặp lại bài toán con gà quả trứng”

Thứ Sáu, 29/09/2017 - 06:01

“Nếu xây nhà nhiều tầng lên thì e rằng sẽ lặp lại bài toán “con gà và quả trứng”. Lúc tắc đường thì bảo do nhà xây lên nhiều. Nhà xây lên nhiều lại bảo do nhiều ô tô. Vì vậy, không nên xây nhà nhiều tầng”, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng trao đổi với Reatimes.

Xung quanh việc Hà Nội đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận, Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội.

PV: Hà Nội đang lấy ý kiến về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận; trong đó đề xuất xây dựng một số tòa nhà cao tới 70 tầng trong khu vực này. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

PGS. TS Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch của ga Hà Nội phải nằm trong tổng thể quy hoạch chung của Hà Nội. Khu vực ga Hà Nội hiện nay là khu cũ, trung tâm và “đất vàng”, do đó cần phải rất thận trong khi bắt tay vào quy hoạch. Việc lập quy hoạch phải gắn với tổng thể từ quan hệ cơ sở hạ tầng, áp lực về dân cư, đường sá, cây xanh, trường học...

Thông thường ở các nước khác như Paris người ta không xây cao tầng. Vì xây cao mật độ dân cư sẽ cao lên dẫn đến xe cộ tắc, nước thải ra cống nhiều.. và áp lực nhiều thứ khác. Vì vậy, khi quy hoạch phải tính cả việc này. Hơn nữa chỗ đó là đầu nút giao thông nhưng do kết nối giao thông kém nên hay ùn tắc.

PGS. Nguyễn Văn Hùng trao đổi với Reatimes. Ảnh: Tuấn Minh

PGS. Nguyễn Văn Hùng trao đổi với Reatimes. Ảnh: Tuấn Minh

Ở Paris người ta chỉ cho phép xây nhà cao 3 tầng ở trung tâm với 2 tầng hầm để xe cộ. Khách sạn cũng vậy, kèm nhà ăn ở dưới, như vậy sẽ hạn chế độ cao. Ngay Luân Đôn, có giai đoạn người ta phải phá bỏ những ngôi nhà 10 tầng.

Tại sao người ta làm thế? Vì áp lực dân số trong đô thị trở thành những “chuồng chim bê tông cốt thép” rất nhiều. Nếu những nhà đầu tư vào chỉ nghĩ cách khai thác “đất vàng” để tạo ra lợi nhuận thì rất nguy hiểm và để lại hậu quả khôn lường. Cho nên dù chỗ ấy có quy định về độ cao nhưng vẫn phải đảm bảo khoảng cách trong giải quyết vấn đề cây xanh, trường học.

Có thể để tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực nên có một vài điểm cho xây nhà cao 18 tầng nhưng không nên cao quá và nhất là cũng đừng lấy lý do đặc thù để tạo ra việc ngoài lề vì nó đã có quy hoạch được duyệt rồi.

PV: Thưa PGS. ngoài việc xây dựng một số cao ốc cao tới 70 tầng, Hà Nội còn dự tính xây dựng một số trung tâm thương mại, trung tâm tài chính cao tầng tại khu vực... Ý kiến của ông về việc này thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Làm như thế là không ổn. Đưa vào trung tâm mà xây nhà 70 tầng là không ổn. Trong khu vực trung tâm, xây nhà 40 tầng đã là không ổn. Nên đưa ra vành đai.

Việc xây dựng trung tâm thương mại chắc chắn sẽ tập trung đông người. Trung tâm tài chính cũng vậy. Các nước khác thường để trung tâm thương mại, siêu thị ở các tuyến vành đai 2, vành đai 3 để cho thông các đường hướng tâm. Bây giờ chúng ta đưa nhiều trung tâm thương mại vào trong khu vực lõi thì sẽ tắc hết.

Nếu xây nhà nhiều tầng lên thì e rằng sẽ lặp lại bài toán “con gà và quả trứng”. Lúc tắc đường thì bảo do nhà xây lên nhiều. Nhà xây lên nhiều lại bảo do nhiều ô tô. Vì vậy, không nên xây nhà nhiều tầng.

Có thể để tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực nên có một vài điểm cho xây nhà cao 18 tầng nhưng không nên cao quá và nhất là cũng đừng lấy lý do đặc thù để tạo ra việc ngoài lề vì nó đã có quy hoạch được duyệt rồi. Và nếu cứ áp dụng đặc thù tiếp thì có nên không? Hay là nên để một chế độ khác, dân tự đầu tư. Tức là vẫn có chủ đầu tư nhưng người dân ở đó họ tự thỏa thuận với nhau dưới hình thức hợp tác xã. Họ tự đứng ra làm lấy. Còn chờ nhà đầu tư vào thì phải có lợi họ mới vào.

Do đó, bài toán nào thì cũng cần phải tính để làm sao tránh việc nếu biết liệu xa thì không phải lo gần. Chính vì vậy, mới cần lãnh đạo thành phố, nhà quy hoạch phải có giải pháp kết hợp.

Ga Hà Nội. Ảnh: VNN

Ga Hà Nội. Ảnh: Vietnamnet

PV: Thưa PGS, xung quanh việc quy hoạch khu vực Ga Hà Nội, giữa tháng 4/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử; trong đó quy định việc xây dựng công trình tại khu vực xung quanh ga chỉ được tối đa 18 tầng (tương đương 65m). Tuy nhiên, trong đồ án đang lấy ý kiến, thành phố lại đề xuất hoàn toàn ngược lại. Ông nghĩ sao về việc này?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Dù có quy hoạch rồi nhưng thấy bất hợp lý vẫn phải điều chỉnh. Tại sao anh lại đưa ra một điều bất hợp lý như vậy. Trước đây đề nghị đưa lên 40 - 50 tầng đã là bất hợp lý. Bây giờ anh đề xuất xây tới 70 tầng như vậy có được không?

Hiện có một số ý kiến cho rằng, quy hoạch hiện nay đang phục vụ nhà đầu tư chứ không phải đầu tư theo quy hoạch và nếu như vậy sẽ làm vênh, méo hết mọi thứ. Vì khi nhà đầu tư vào họ sẽ chỉ tính lợi ích của họ thôi.

PV: Vậy theo quan điểm của PGS nên quy hoạch khu vực Ga Hà Nội và vùng phụ cận như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Nên quy hoạch theo hướng thấp tầng, từ 10-15 tầng, từ 15-18 tầng nhưng chỉ nên có vài tòa như thế, còn lại chỉ nên xây những tòa nhà 10 tầng là cùng.

Hiện nay mật độ dân cư khu vực đó chưa nhiều mà đã vậy, tăng lên nữa thì chưa kể đầu nút giao thông dồn vào, ngoài ra, còn là nơi làm tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, tàu hỏa... khu vực này sẽ phải kết hợp rất nhiều thứ.

Trong tương lai, khu vực Ga Hà Nội sẽ là đầu nối ga tàu hỏa, đường sắt trên cao và nhiều tuyến xe buýt, taxi khác nữa. Do đó, phải làm sao để mức giãn dân được cao nhất và không nên xây cao tầng.

Hơn nữa, việc quy hoạch phải tính đến vùng bán kính chung quanh liên hệ với vùng phụ cận và xung quanh. Nếu đường sá vẫn vậy thì làm sao tăng mật độ lên được.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top