Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đưa ra dự báo kinh tế vĩ mô năm 2019 sẽ không hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán (TTCK) như trong năm 2018.
Tuy nhiên, theo MBS, về cơ bản, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và không có diễn biến nào vượt tầm kiểm soát. Mức độ tác động của của biến số vĩ mô 2019 lên thị trường chứng khoán sẽ là trung tính.
Kinh tế Việt Nam ổn định năm 2019
Báo cáo của MBS cho rằng tổng thể nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 vẫn đang trong một chu kỳ tăng trưởng đi lên, các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ vững.
Tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến thấp hơn mức tăng của năm 2018 và đạt khoảng 6.7%. Tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ khoảng 15% so với mức dưới 17% của năm 2018. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2.036 tỷ đồng, tăng 7,7%, bằng 33% GDP, thấp hơn mức 34.1% của năm 2018.
"Như vậy, nếu hiệu quả đầu tư của nền kinh tế không thể thay đổi cơ bản thì tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 khó có thể cao hơn 2018", báo cáo của MBS cho biết.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc làm giảm triển vọng tăng trưởng của cả hai quốc gia này khiến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu giảm trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Áp lực lạm phát sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2019 tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không vượt quá xa mức 4%. Các nguyên chủ yếu của việc lạm phát gia tăng đến cả từ các tác nhân bên ngoài và nguyên nhân tiền tệ.
Mặc dù có các yếu tố bất lợi song lạm phát nhiều khả năng vẫn trong tầm kiểm soát. Một mặt do NHNN đã có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát trong các năm trước nên đã chủ động thận trọng hơn trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Không loại trừ khả năng NHNN sẽ tiến hành tăng lãi suất trong năm 2019 để gia tăng sự ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, giá một số mặt hàng tác động mạnh lên lạm phát bao gồm giá xăng dầu và giá lương thực có xu hướng hạ nhiệt mạnh vào các tháng cuối năm 2018. Đây cũng là yếu tố thuận lợi cho Việt Nam trong việc kìm chế lạm phát năm 2019.
Tỷ giá VND/USD nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh tăng trong năm 2019, tức là VND vẫn tiếp tục giảm giá so với USD.
Theo MBS, xét yếu tố cơ bản chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam, mức giám giá của VND so với USD năm 2019 khoảng 2% là hợp lý. Tuy nhiên, do năm 2016 và 2017 VND chỉ giảm rất nhẹ so với USD nên đã tích tụ khả năng giảm giá cao hơn cho năm 2019.
Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam trong năm 2019 sẽ có ít dư địa hỗ trợ của VND hơn là năm 2017 và 2018 khi thặng dư thương mại giảm (do ảnh hưởng của các xung đột thương mại trên toàn cầu) và nguồn cung ngoại tệ không còn dồi dào. Hai năm qua, Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ rất lớn từ các thương vụ bán vốn nhà nước của các công ty lớn như Sabeco, POW…
Nhìn chung, tỷ giá VND/USD sẽ tăng duới 3% trong năm 2019.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 2019 dự kiến tăng khoảng tăng 7-8%, thấp hơn mức tăng 11,2% của năm 2018 do tác động của sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu mà chủ yếu là suy giảm tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 sẽ không còn nhiều đột biến nhờ các hoạt động sản xuất mới của Samsung như năm 2017 và 2018. Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì trạng thái xuất siêu song mức độ xuất siêu sẽ không đáng kể trong năm 2019 do động lực xuất khẩu chính là khu vực FDI không có đột biến.
Mức độ xuất siêu nhiều khả năng giảm mạnh về mức 1 – 2 tỷ USD so với mức 6 tỷ USD của năm 2018.
Tác động đến thị trường chứng khoán
Theo MBS, yếu tố vĩ mô trong nước đáng quan ngại tác động đến TTCK là yếu tố lạm phát. Sau 2 năm lạm phát được kìm giữ ở mức dưới 4% tạo thuận lợi cho TTCK, lạm phát nhiều khả năng sẽ vượt ngưỡng 4%.
Với ngưỡng lạm phát này, lãi suất sẽ chịu sức ép gia tăng cộng thêm chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng thận trọng hơn do đó dòng tiền đổ vào TTCK khó có khả năng dồi dào như 2018. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát làm tỷ giá bất ổn cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại hơn khiến mức mua ròng dự kiến sẽ giảm.
Xu hướng chuyển dịch dòng vốn toàn cầu sẽ tác động chính yếu lên TTCK.
Mỹ sẽ tiếp tục quá trình bình thường hóa lãi suất đến hết năm 2019. EU chấm dứt gói nới lỏng định lượng vào cuối 2018 và bắt đầu nâng lãi suất vào giữa năm 2019. Hai động thái trên khiến xu hướng dòng tiền rẻ đổ vào các thị trường tài sản toàn cầu sẽ không còn.
Áp lực tăng lãi suất sẽ tăng cao trên toàn cầu. Đồng USD và EUR tăng giá khiến sức ép lên các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam tăng lên. Các ngân hàng trung ương của nhưng quốc gia này sẽ phải tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ. Do đó, các TTCK toàn cầu sẽ trải qua một giai đoạn định giá lại và mức PE sẽ giảm ( hiện tại quá trình này đã xảy ra một phần và sẽ tiếp tục diễn ra trong 2019).
TTCK toàn cầu trong đó có Việt Nam sẽ khó có sự cải thiện về mặt định giá trong năm 2019. Mức tăng trưởng của TTCK phải phụ thuộc vào sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.