Aa

Đô thị bị “hâm nóng”: Tối ưu hoá bài toán quy hoạch để chống biến đổi khí hậu

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 09/07/2018 - 03:30

Chỉ trong vòng 2 tuần, người dân Thủ đô trải qua những ngày nắng nóng với nhiệt độ gần 40 độ C. Theo giới chuyên gia, đây là một trong những hệ quả của việc phát triển đô thị ồ ạt, không theo quy luật, phình cả chiều rộng và chiều cao, tăng mọi chỉ tiêu nhưng chỉ tiêu xanh lại giảm.

Vành đai xanh “lặng lẽ biến mất”

Rất nhiều nghiên cứu của giới chuyên gia quy hoạch đã chỉ ra rằng, quá trình đô thị hóa và dịch chuyển dân cư đến với các vùng đô thị tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Quá trình này góp phần gia tăng dân số, các phương tiện giao thông, xây dựng tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, hệ quả theo đó là sự biến mất của các hệ thống điều hòa tự nhiên như cây xanh, ao hồ...

Trên thực tế, tại các đô thị lớn thường đo được nhiệt độ cao hơn so với các vùng nông thôn do các công trình xây dựng làm tích tụ nhiệt trong khi quá trình tỏa nhiệt ban đêm lại bị hạn chế, các tòa nhà làm cản gió hay các hoạt động công nghiêp lại xả rất nhiều nhiệt. Minh chứng rõ rệt nhất là đợt nóng đỉnh điểm nhất tại Hà Nội trong những ngày vừa qua, khi có nơi đo được nhiệt độ gần 40 độ C.

Chính trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, đô thị ngày càng “nóng”, giá trị của cây xanh càng trở nên vô cùng quan trọng, vừa giảm nhiệt nắng nóng, tái thiết sự trong lành cho chính khu đô thị lẫn không gian lân cận. Đặc biệt, xu hướng thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh các cao ốc mọc lên ngày càng nhiều tại các khu đô thị hiện nay đang được giới nghiên cứu và cả các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Giới chuyên gia cho rằng, chi phí nguyên vật liệu tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường và nhu cầu thị trường là những động lực thúc đẩy giới chủ đầu tư tìm kiếm các thiết kế xanh, cải thiện môi trường cho các tòa cao ốc của mình. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng chưa cao, bên cạnh việc thiếu tính liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện cuối cùng của dự án là trở ngại lớn hiện nay. Đặc biệt, định hướng quy hoạch xây dựng bất động sản xanh ứng phó với biến đổi khí hậu đã có nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện lại gian nan. Con số thống kê về các dự án bất động sản xanh còn quá ít.

Mặt khác, khoảng không gian cây xanh, cảnh quan nằm trong lõi nhà hay đan xen liên tục từng tiểu khu ở các khu đô thị vẫn thiếu, thậm chí không có sự nghiên cứu tổ chức về bố cục của nhiều cao ốc chọc trời trong đô thị. Nhìn một cách tổng quát, tiêu chí xanh cho một đô thị hiện đại như Hà Nội phải có các không gian công cộng, những khoảng xanh, vành đai xanh, các “khối bê tông cao ốc xanh”, vật liệu xanh, năng lượng sạch chứ không chỉ là trồng cây xanh. Nhưng thực tế, đô thị hóa nhanh khiến các vành đai xanh trong những bản quy hoạch dường như đang lặng lẽ biến mất.

đô thị hóa nhanh khiến các vành đai xanh trong những bản quy hoạch dường như đang lặng lẽ biến mất.

Đô thị hóa nhanh khiến các vành đai xanh trong những bản quy hoạch dường như đang lặng lẽ biến mất.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, lũy kế đến tháng 6/2018, toàn thành phố đã trồng mới được 837 nghìn cây xanh trên 120 tuyến phố. Cây xanh được trồng đồng bộ về chủng loại và đa dạng về cách trồng theo tầng: Tầng cao là cây bóng mát, ở giữa là tầng cây bụi và cuối cùng là tầng thảm cỏ. Giới chuyên gia cũng kỳ vọng theo tiến độ này thì mục tiêu 1 triệu cây xanh, sau 5 năm Hà Nội có ít nhất 15 - 20 triệu mét vuông cây xanh có thể thành công. Tuy nhiên, tính toán về lâu dài, những vành đai xanh của Hà Nội nên được hình thành từ những chung cư, dự án bất động sản xanh.

Giải bài toán biến đổi khí hậu tại các thành phố

Theo GS. TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích thì tính bất thường của điều kiện thời tiết, khí hậu ở Việt Nam sẽ ngày càng diễn biến phức tạp. Nguy cơ chịu tác động xấu của các hiện tượng cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng. Mức độ rủi ro đối với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm ngày càng cao.

Để dẫn chứng có thể lấy những ví dụ trong những năm gần đây, mặc dù về mùa đông, số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng nguy cơ chịu những đợt rét kéo dài như năm 2008, rét sâu hơn đến mức tuyết có thể rơi ở vùng núi Tây Bắc Nghệ An như năm 2016,… vẫn có thể xảy ra. Mưa đá với kích thước lớn kỷ lục ở Yên Bái năm 2013; bão cuối mùa tàn phá khu vực Phú Yên - Khánh Hoà năm 2017; bão Haiyan mạnh kỷ lục năm 2013... Bởi vậy, tác động của biến đổi khí hậu do các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan ở Việt Nam có lẽ cũng sẽ có chiều hướng khắc nghiệt hơn.

Trong điều kiện Việt Nam, khi mà cơ sở hạ tầng còn quá kém, nhận thức của người dân chưa đầy đủ, trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao, độ chính xác của các bản tin dự báo còn nhiều hạn chế và do bản chất không dự báo được của chính các hiện tượng (vì quy mô quá nhỏ), thì việc phải đối mặt với những hiện tượng bất thường của điều kiện thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay sẽ càng nguy hiểm hơn. Bởi vậy, có rất nhiều việc phải làm để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu.

Có rất nhiều việc phải làm để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu (ảnh minh họa)

Có rất nhiều việc phải làm để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa)

GS.TS Phan Văn Tân nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp cho các thành phố lớn là phải tối ưu hoá bài toán quy hoạch để chống ngập do mưa lớn, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Cụ thể, quy hoạch thành phố phải hợp lý, phải có phương án bố trí mật độ dân cư, hệ thống giao thông, diện tích mặt nước thoáng, diện tích cây xanh theo quy chuẩn”.

Với cây xanh, ngoài vai trò điều tiết thành phần khí quyển còn làm giảm sự đốt nóng trực tiếp của bức xạ mặt trời đối với nền bê-tông. Không chỉ trồng cây xanh trên bề mặt đất mà có thể cả trên mái nhà, dọc các bức tường, hành lang, sân thượng,... Hay như với diện tích ao hồ, nếu không thể tăng thêm thì chí ít cũng đừng thu hẹp nữa. Một giải pháp tăng diện tích mặt nước thoáng là xây dựng các bồn nước, đài phun nước giúp tăng lượng nước bốc hơi, giảm bớt sức nóng đô thị.

Mật độ giao thông lớn và nạn ùn tắc giao thông cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng đảo nhiệt thành phố và ô nhiễm không khí. Bởi vậy, việc tính toán quy hoạch giao thông thiết nghĩ là hết sức cấp bách. Theo đó, cần giảm lượng xe máy trong đô thị, tăng phương tiện giao thông công cộng.

Cũng theo TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng: “Việc kiểm soát vấn đề tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố sẽ thông qua quy hoạch chung, trong đó tập trung vào việc tạo các không gian mở chất lượng cao như hồ nước, cây xanh rộng lớn, kết hợp với hệ thống tưới tiêu ở các khu vực không gian mở, tạo hệ sinh thái, giảm hiệu ứng đảo nhiệt”.

Cụ thể, không gian mặt nước bao gồm sông, hồ và các con kênh trong đô thị cần được quy hoạch và chống bị thu hẹp diện tích. Định hướng mật độ xây dựng, thiết kế công trình với lớp vỏ hạn chế hấp thụ và bức xạ mặt trời, giảm thiểu năng lượng sử dụng trên quy mô toàn thành phố. Định hướng phát triển đô thị trên quy mô toàn thành phố nhằm giảm hiệu ứng đảo nhiệt. Giảm mật độ xây dựng, thiết kế thông gió tự nhiên cho các tòa nhà nhờ thiết kế quy hoạch tổng thể khu đô thị theo hình dạng, vị trí công trình, xây dựng các quy chuẩn mới để áp dụng vào quy hoạch, thiết kế đô thị.

Song song với việc kiểm soát nhiệt độ tăng trên toàn thành phố, cần kiểm soát vấn đề nhiệt độ tăng ở khu vực đô thị như: Tăng diện tích không gian xanh; tăng diện tích hồ, ao, mương thoát nước; định hướng vị trí, kích thước, sắp xếp quy hoạch công trình, cây xanh; quy định mật độ sử dụng các vật liệu xanh cho vỉa hè và các khu vực đỗ xe công cộng...

Ngoài ra, cần kiểm soát vấn đề tăng nhiệt do công trình xây dựng quanh hồ bằng việc trồng cây che nắng và sử dụng hệ thống chống chói cao cấp để giảm nhiệt mặt trời; quy định về việc sử dụng vật liệu của lớp vỏ công trình để tránh sự xâm nhập của năng lượng mặt trời; sử dụng nước để làm mát.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top