Đô thị biển Việt Nam - tầm nhìn định hướng cho tương lai

Đô thị biển Việt Nam - tầm nhìn định hướng cho tương lai

Thứ Sáu, 05/08/2022 - 06:06

Cần phải “mạo hiểm” tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển, đô thị ven biển và đô thị đảo bền vững, để góp phần khẳng định thế đứng của một “Quốc gia biển”.

***

Biển, đảo chiếm vị trí hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Việc ban hành hai Chiến lược biển gần đây (năm 2007 và 2018) được xem là những thay đổi lớn về tầm nhìn của Việt Nam đối với vấn đề biển, đảo trong bối cảnh quốc tế và khu vực. Các chiến lược nói trên vừa giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững, vừa góp phần giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích của nước ta trên Biển Đông. Trong đó, Chiến lược biển 2020 đã đề ra mục tiêu chung - đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển 2020, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tiếp tục ban hành Chiến lược biển 2030. Theo đó, Việt Nam tiếp tục phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển và dựa vào biển để phát triển bền vững kinh tế biển.   

Đầu năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra “Khát vọng Việt Nam” với các mục tiêu bao trùm là đưa nước ta trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc theo lộ trình đến năm 2030 và 2045. Chính vì thế, thực hiện thành công Chiến lược biển 2030 sẽ góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, vấn đề thúc đẩy phát triển hệ thống “đô thị biển và kinh tế đô thị biển” đúng hướng và thực chất với tư cách là một lĩnh vực kinh tế biển mới hy vọng sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030. Bài viết này luận bàn một số khía cạnh về xây dựng, phát triển hệ thống đô thị biển và kinh tế đô thị biển nói trên.

Nước ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển với nhiều đô thị lớn nhỏ được hình thành và phát triển tập trung ở vùng ven biển từ khá lâu đời. Nhưng công bằng mà nói, về số lượng vẫn còn quá ít, về quy mô vẫn còn quá nhỏ và về chất lượng vẫn còn ở “đẳng cấp” thấp so với thế giới. Đại đa số các đô thị này là đô thị cổ và phân bố ở ven biển (Coastal city), và hầu hết thường được phát triển tập trung dọc theo các tuyến đường bộ, được hình thành một cách “tự nhiên, đôi khi tự phát” từ rất lâu dựa trên mối quan hệ giữa cảng - biển - đô thị. Trong đó, một số đô thị ven biển gần đây được nâng cấp và trở thành đáng sống hơn do gắn với du lịch, như: Các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Hạ Long; gắn với cảng nhiều hơn như TP. Hải Phòng; gắn với khai thác dầu khí như Bà Rịa - Vũng Tàu;... Số còn lại đều là những đô thị ven biển được “nâng cấp” theo hướng mở rộng về quy mô, gắn với mở rộng hoạt động du lịch, tăng tích tụ công nghiệp và dân số.

Vừa qua, có những địa phương có biển, như TP. HCM chẳng hạn, nhưng đô thị hóa lại chỉ hoàn toàn dựa vào đất (Land-based), chưa liên kết nhiều với biển và chưa dựa vào biển (Sea-based) theo đúng nghĩa của nó. Từng có khảo sát cho thấy 40% người dân TP. HCM chưa hề biết thành phố mình có biển,... Nghĩa là tiềm năng biển chưa được khai thác tương xứng, kinh tế biển chưa đa dạng, chưa tạo được dấu ấn và yếu tố biển chưa đi vào tâm thức người dân và chưa trở thành thương hiệu lớn của thành phố. Nói cách khác, TP. HCM đang có những “lợi thế tĩnh” ở vùng ven biển mà thiên nhiên “ban tặng”, đòi hỏi phải tạo ra những “lợi thế động” thông qua các cơ chế, chính sách “mở” để đánh thức các lợi thế tĩnh nói trên, rồi chuyển các lợi thế thành lợi ích từ biển của thành phố. Chắc chắn, phương thức phát triển đô thị biển dựa vào đất như vậy sẽ vấp phải những hạn chế nhất định, nhất là nhìn từ phương diện “kinh tế đô thị biển”. 

Một cách đơn giản, đô thị biển được hiểu gồm ba nhóm chính: Đô thị ven biển (Coastal city), đô thị đảo (Island-based city) và đô thị biển (Ocean-based city), bao gồm đô thị nổi trên biển. Các đô thị này đều hướng biển, dựa chủ yếu vào biển và khai thác các lợi thế của biển thay vì chỉ ưu tiên dựa vào lợi thế của đất (Land-based) như các dạng đô thị nội địa thông thường (nằm sâu trong đất liền). Các đô thị biển nước ta, nói đúng hơn là các đô thị ven biển, vẫn được phát triển trên nền tảng của tư duy “đất liền”. Sự thiếu sót trong nhận thức đã làm mất đi giá trị cốt lõi của đô thị biển, đặc biệt giá trị kinh tế trên một “đơn vị đô thị”.

Nhìn chung, giá trị “biển bạc” vẫn chưa được phát huy, trong khi các giá trị trước mắt của “đất vàng” ở ven biển và trên đảo vẫn hấp dẫn hơn với cả nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư. Điều này cũng có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhận thức. Đặc biệt, cư dân Việt Nam, đặc biệt là ở hai vùng đồng bằng lớn là sông Hồng và sông Cửu Long, từ xa xưa, đã duy trì sinh kế nông nghiệp chủ yếu dựa vào đồng đất phì nhiêu. Họ không quan tâm và không nhận ra lợi thế và tiềm năng của biển cả. Tâm thức “xa rừng, nhạt biển”, thiếu khát vọng chinh phục biển đã giới hạn chúng ta trong những “giấc mơ con” và vẫn đứng ở ven biển. 

Trong khi đó, có một quy luật chung là những đô thị trung tâm, đầu não về kinh tế, tài chính, du lịch lớn trên thế giới, như: Singapore, Hongkong, Thượng Hải, New York, Tokyo, Jakarta,… đều nằm cạnh biển, chú trọng đến những lợi ích mà biển mang lại. Các quốc gia phát triển đột phá, như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều là các quốc gia ven biển, quốc đảo nằm sát biển và có chiến lược khai thác biển, đại dương hiệu quả và đầy tham vọng. Ngay từ thế kỷ XIX với dự báo “Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai”, người Mỹ đã đo lường sự phát triển bằng tọa độ biển chứ không phải lục địa. Thực tế đã kiểm chứng nhận định này là chính xác khi hiện nay, hai bờ Đông và Tây Thái Bình Dương đang là hai vùng phát triển năng động nhất thế giới.

Thế kỷ XXI được coi là thế kỷ của biển và đại dương. Nên cần phải làm gì đó để “sửa sai” quan niệm và tầm nhìn về biển trong quá khứ, để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia biển chứ không chỉ là một quốc gia “đứng mãi ở ven bờ biển”. Chiến lược biển 2020 và ngay cả Chiến lược biển 2030 của Việt Nam ra đời với  những cụm từ (khẩu hiệu) quen thuộc, như: “biển đảo”, “tiến ra Biển Đông”,… nhưng thực sự chưa nhìn thấy rõ ràng vị trí của các “đô thị biển”. Sự rõ ràng nhất có thể thấy là phát triển và khai thác các bãi biển đẹp để làm du lịch, bằng những dự án nghỉ dưỡng suốt dọc chiều dài đất nước và theo một nguyên tắc chung là chỗ nào dễ, ít tốn công sức thì làm,...Cho nên, đầu tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi về tư duy và nhận thức, phải hướng ra biển, dựa vào biển, lấy biển làm động lực phát triển, để làm giàu từ biển và xây dựng một Việt Nam mạnh về biển theo tinh thần của các Chiến lược biển của Đảng và Nhà nước nói trên.

Về mặt phân hóa lãnh thổ, nước ta vừa có núi, có đồng bằng, vừa có biển. Biển nước ta rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, bao gồm các vùng biển nằm trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa (gồm lòng đất dưới thềm lục địa) và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nói cách khác, đất liền, biển và đảo là những  mảng không gian không thể tách rời và luôn tương tác nhau (hoặc giao thương) trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Yếu tố biển luôn được coi trọng, được tính đến, được đặt vào vị trí quan trọng và được phản ánh trong các chủ trương, chính sách, chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc như nói trên.

Với bờ biển trải dài theo hướng Bắc - Nam, lãnh thổ đất liền nước ta có lợi thế “mặt tiền hướng biển”, vì thế dải ven biển và vùng biển ven bờ (đến độ sâu khoảng 30m) được xem là “vùng động lực” với nhiều ý nghĩa khác nhau. Và, khi nói lợi thế biển nhìn từ đất liền, thì dải ven biển là “hậu phương”, là “bàn đạp” và là không gian liên kết đất liền (đất) và biển (nước). Nói cách khác, chính yếu tố đất và nước đã tạo nên cụm từ “đất nước” thân thương, và cụm từ này đã giúp ta nhận diện đầy đủ một “Việt Nam biển” không tách rời một “Việt Nam đất liền”.

Cần nhấn mạnh rằng, biển nước ta là một bộ phận của Biển Đông - nơi được xem là “ngã ba đường” của thế giới. Nhìn từ góc độ chiến lược thì khu vực biển này là “nút giao” giữa các sáng kiến chiến lược toàn cầu của các cường quốc. Nổi bật gần đây là Sáng kiến “Vành đai, Con đường” với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” cắt qua Biển Đông mà Trung Quốc theo đuổi. Bên cạnh đó là sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” của Mỹ cũng lấy Biển Đông làm “không gian mở và tự do” (hàng không và hàng hải).

Có thể nói, Biển Đông trở thành địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước lớn trong lịch sử, nơi tích tụ các mô hình chính trị, kinh tế, xã hội,… đa dạng của thế giới, đồng thời cũng là nơi tranh chấp chủ quyền biển, đảo kéo dài, phức tạp và nhiều bên nhất trên thế giới, và Biển Đông vẫn là “bàn cờ” của các nước lớn. Trong bối cảnh như vậy, biển cùng với các hệ thống đảo trở thành “phên dậu” bảo vệ chủ quyền toàn vẹn đất nước từ phía biển. Cho nên lợi thế biển và lợi thế đất liền không bao giờ tách rời.

Bởi thế, tiến ra biển để phát huy lợi thế, để chuyển lợi thế thành lợi ích cho quốc gia phải là một hướng ưu tiên cao nhất thông qua việc tạo ra các “cực phát triển” mạnh hướng biển, góp phần tích tụ dân số đủ lớn trong không gian biển, ven biển và đảo để thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên các vùng biển của Tổ quốc. Trong đó, xây dựng và phát triển hệ thống đô thị biển là một phương án định cư, một cách tích tụ dân số nhanh nhất và cũng dễ quy hoạch, quản lý nhất, cũng là góp phần giải bài toán quá tải đô thị trong tương lai. Đặc biệt, phát triển các đô thị biển để kết nối không gian biển với bờ, bờ với đảo và đảo với biển, đánh thức tiềm năng không gian kinh tế biển, tăng cường và mở rộng hội nhập kinh tế, cũng như hình thành các “đối trọng” trên biển cần thiết trong bối cảnh mới ở Biển Đông và khu vực như nói trên. Rõ ràng, cần phải “mạo hiểm” tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển, đô thị ven biển và đô thị đảo bền vững, để góp phần khẳng định thế đứng của một “Quốc gia biển”.

Muốn thay đổi đột phá trong kinh tế biển cần phải có tầm nhìn mới và tạo “thế đứng” trên biển thông qua phát triển một hệ thống đô thị biển nói trên. Chỉ như vậy, nước ta mới thực sự tiến ra biển lớn, và chuẩn bị điều kiện công nghệ hiện đại để sớm tiến ra đại dương, “lấy đại dương nuôi đất liền”. Mạng lưới đô thị biển chính là lời giải cho bài toán lâu nay để “Việt Nam không đứng mãi ở ven bờ”. Nói cách khác, đây còn là một phần lời giải quan trọng của bài toán địa kinh tế, địa chính trị, gắn phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn,... với bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của đất nước trong dài hạn.

Để triển khai Chiến lược biển 2030 và thực hiện “Khát vọng Việt Nam” có quá nhiều việc phải làm, trong đó cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển, trong đó cần xác định không gian đô thị biển. Cụ thể, cần xem xét, cân nhắc và chú ý xử lý một số/nhóm vấn đề dưới đây:

Công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn; thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa. Sự giống nhau và đơn điệu đến nhàm chán của các “khối nhà” bê tông lạnh lẽo và thiếu vắng “cơ sở hạ tầng tự nhiên” ven biển, đảo đang ngăn cách con người với thế giới tự nhiên và hương vị biển, đánh mất giá trị bản địa. Điều này chẳng những không đem lại các giá trị đặc thù về kiến trúc đô thị biển mà du khách và người dân chỉ có thể nhìn thấy những “mảng biển xanh” qua khe hở của các khối/bức tường bê tông như vậy. Đôi khi gây hiệu ứng khi mưa lũ và biến các “đảo ngọc” thành “đảo ngập” giữa biển khơi.

Hội chứng phát triển đô thị, đa phần còn chung chung, dường như đã và vẫn đang xảy ra ở nước ta, từ trên miền núi xuống đồng bằng và ra đến ven biển, mặc dù gần đây đã xuất hiện một vài đô thị ven biển phát triển bước đầu đúng hướng, như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu,...Những giá trị về lợi thế so sánh, tính vượt trội, tính khác biệt (tính đa dụng) và tính liên kết của một không gian đô thị ven biển chưa được quan tâm, được tận dụng trong quá trình phát triển nên dần bị suy thoái, lãng phí tài sản tự nhiên.

Xác định mô hình đô thị biển như là một “Hệ sinh thái đô thị biển”đa chiều, đa phương diện, đa dạng và đa dụng. Nó có đầy đủ chức năng và cấu trúc của một phức hệ sinh thái tự nhiên - nhân sinh, có các dòng vật chất tương tác bên trong và bên ngoài hệ thống. Mô hình đô thị ven biển, đô thị đảo hay đô thị trên biển vừa phải hiện đại, vừa dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn và an sinh; và vừa có tính đặc thù vùng miền. Mô hình đô thị ven biển gắn với cảng biển ở nước ta chiếm đa số cả trong quá khứ, như: Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu, cả trong tương lai, như: Vân Đồn, Nghi Sơn, Vũng Áng, Bắc Vân Phong, Chu Lai, Dung Quất,...

Một ví dụ khác, tỉnh Quảng Ninh có thế mạnh về biển rất lớn, ngay từ thời người Việt cổ đã xây dựng cảng Vân Đồn ngoài biển xa (ven đảo Quan Lạn), nhưng nay vẫn đứng trước sự lựa chọn trong dài hạn về mô hình “đô thị ven biển - TP. Hạ Long gắn với cảng Cái Lân” hay là “đô thị Hạ Long gắn với giá trị di sản toàn cầu vịnh Hạ Long và các nguồn vốn tự nhiên biển khác”. Bài toán mà Quảng Ninh phải giải là thay đổi tư duy và tầm nhìn dài hạn, tái cơ cấu kinh tế biển, và thay vì lấn biển để mở rộng quỹ đất và tìm cách “tiến ra biển” bằng đầu tư bất động sản, thì cần ưu tiên đầu tư phát triển các ngành kinh tế dựa vào bảo tồn (Conservation-based economy). Nếu như vậy, đô thị Hạ Long không còn là mô hình “Đô thị - cảng biển”, mà là “Đô thị xanh, thông minh, đa dụng”. Ngoài ra, Quảng Ninh vẫn có thể xây dựng một mô hình “Đô thị biển - đảo” theo đúng nghĩa của nó (dựa vào biển, đảo) gắn với cảng biển nước sâu ven đảo (có thể là cảng Hòn Nét) và một hệ thống cầu - đường vượt biển hợp lý, chứ không phải ở ven biển như cảng Cái Lân và phát triển “dựa vào bờ” như hiện nay.

Cần sớm phát triển mô hình đô thị biển cấu trúc đa chiều, vì đô thị vốn là một thực thể mang tính nhân văn, hay nói cách khác cũng là một hệ sinh thái “nhân sinh”, được con người tạo ra từ chính các nguồn lực tự nhiên (tài sản và vốn tự nhiên). Hệ sinh thái đa chiều lồng ghép cả 5 yếu tố chính: Tự nhiên, Kinh tế, Con người, Văn hóa và Công nghệ (sự can thiệp của công nghệ mới), nhưng vẫn đảm bảo có chức năng riêng để tồn tại và phát triển độc lập, nhưng không cô lập vì có tính liên kết với các hệ sinh thái (tự nhiên và nhân sinh) khác xung quanh nó. Do đó, cần xác định rõ cấu trúc, chức năng và các dòng (flow) quan hệ nội tại của đô thị biển và các tương tác với xung quanh. Theo đó, chính quyền đô thị cũng phải đảm bảo đủ năng lực quản trị và quản lý đô thị đa chiều với các vấn đề đa ngành, liên ngành dựa trên cấu trúc liên thông, liên kết đã được nghiên cứu, đánh giá cùng với tiềm năng phát triển dài hạn. Trong đó, quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lãnh đạo phải có kỹ năng quản lý phát triển và quản trị tốt. Con người là một thành tố quan trọng của hệ sinh thái đô thị biển, cần được quan tâm để, như đã nói trên, bảo đảm cho đô thị biển phát triển độc lập nhưng không bị cô lập; vẫn phải tương tác với các thành tố khác và các mối liên kết bên ngoài của hệ sinh thái đô thị này.

Cần chú ý làm rõ chức năng trung tâm của hệ sinh thái đô thị biển. Một hệ sinh thái đô thị bao giờ cũng là thành phần của một hệ thống lớn hơn và đồng thời lại bao chứa một hoặc nhiều hệ thống nhỏ hơn. Do đó, thông qua các tương tác đa chiều, đô thị biển kiểu này hội tụ các nguồn lực, các dòng vật chất cả bên trong lẫn bên ngoài, và cứ thế đô thị phát triển. Khi đó, đô thị biển có thể phát huy được khả năng tích tụ không chỉ đối với đất đai mà còn đối với dân số biển đảo, gia tăng nhu cầu nội vùng (cầu) và tạo động lực (cung) phát triển kinh tế của chính đô thị biển và vùng xung quanh. Ví dụ, Thủ đô Hà Nội không thể phát huy ảnh hưởng và điều khiển nền kinh tế cả nước tốt nhất, trực tiếp là vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, nếu như thiếu vai trò “sải tay nối dài” của hệ thống đô thị ven biển: Hạ Long - Hải Phòng - Thái Bình -  Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa. Do đó, quy hoạch đô thị không chỉ dừng ở quy mô một đô thị, mà cần được xem xét nó trên quy mô của một hệ thống (hệ sinh thái đô thị với các đô thị vệ tinh, đô thị thành phần), đặc biệt tạo ra động lực ảnh hưởng lan tỏa và khả năng liên kết vùng.

Cần lưu ý, mỗi hệ thống (tự nhiên và nhân sinh) đều có 3 thuộc tính (đặc trưng) vốn có: Tính vượt trội, tính đa dụng và tính liên kết (liên kết nội tại và liên kết vùng). Đây cũng là 3 yếu tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng phương pháp luận về mô hình phát triển hệ sinh thái đô thị biển. Nghiên cứu mô hình hệ sinh thái đô thị biển cần được đặt vào bối cảnh một vùng ven biển hoặc một vùng biển, đảo cụ thể ở Việt Nam. Nhận diện được tính vượt trội sẽ phát huy được lợi thế so sánh của đô thị biển, tìm ra “sắc thái” riêng của từng đô thị biển, tránh được “bệnh hội chứng” trong phát triển đô thị biển. Hiểu đầy đủ tính đa dụng (Multi-use) để tạo ra “lợi ích kép” (đa lợi ích) của một đô thị biển, tạo ra sự hài hòa giữa phát triển các ngành, tăng tương thích giữa các mảng không gian kiến trúc đô thị, giảm mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong phát triển. Xác định đúng tính liên kết sẽ tăng cường được liên kết vùng - yếu tố động lực cho phát triển kinh tế biển thời gian tới mà các đô thị biển chính là các vùng kinh tế động lực như đã nói trên.

Có thể nói, không gian (vùng) ven biển nước ta được hiểu là bàn đạp để “tiến ra” biển, là “hậu phương” cho kinh tế biển, còn con người tuy rất nhỏ bé khi hiện diện trong không gian biển rộng lớn nhưng lại là những cột mốc chủ quyền tự nhiên của quốc gia. Trong khi, hệ thống quần đảo và đảo của Việt Nam phân bố rộng khắp, từ bắc vào nam, từ bờ ra khơi, hình thành một thế trận kinh tế - quốc phòng trên biển rất hữu dụng. Tuy nhiên, đến nay liên kết phát triển vùng giữa vùng ven biển với các hệ thống đảo/cụm đảo và các vùng biển bên ngoài, cũng như giữa các đô thị biển cụ thể nói trên còn rất hạn chế.

Do đó, việc đầu tiên cần nghiên cứu, xem xét “hệ thống đô thị biển quốc gia” là tiến hành tái cơ cấu hệ thống đô thị ven biển; lựa chọn xây dựng hệ thống đô thị đảo (hiện nay mới có thành phố đảo Phú Quốc). Sớm đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển các đô thị nổi trên biển đặt trong khuôn khổ tổ chức lại không gian (quy hoạch không gian biển) kinh tế biển nước ta. Đồng thời lưu ý quy hoạch phát triển hiệu quả và bền vững “đô thị cận kề” các cảng biển lớn, nước sâu, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa) gắn với cảng cùng tên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gắn với cảng nước sâu Vũng Áng, Vạn Tường gắn với cảng nước sâu Dung Quất,... Bên cạnh đó, cần uu tiên xây dựng các tuyến giao thông (đường bộ cao tốc và đường sắt hiện đại ven biển, đường hàng không) để hình thành các “tuyến lực” giúp gia tăng khả năng liên kết các đô thị ven biển nói trên, tạo động lực cho liên kết vùng. 

Cần chuẩn bị để sớm xây dựng một chuỗi đô thị đảo ở 12 huyện đảo của nước ta. Tương tự như đô thị ven biển, phát triển đô thị đảo nhằm tạo kết nối đảo với biển và vùng ven biển (đất liền), hình thành các cực phát triển, tạo khả năng tích tụ dân số, tăng cường hội nhập trong lĩnh vực kinh tế biển, giúp tăng cường thực thi chủ quyền dân sự, tạo “đối trọng” với các sáng kiến chiến lược qua Biển Đông nói trên, góp phần khắc phục những thách thức trong bối cảnh mới ở Biển Đông,...Ví dụ, các đảo triển vọng phát triển đô thị đảo, như: Cô Tô và Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang). Trong đó, cần ưu tiên xây dựng sớm các đô thị đảo ở Vân Đồn, Cát Bà, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc.

Cuối cùng, để phát triển hệ thống đô thị biển Việt Nam đúng tầm, cần phải: (i) Thể chế hóa, có thể dưới dạng một nghị quyết về “Phát triển hệ thống đô thị biển và kinh tế đô thị biển” ở cấp Bộ Chính trị/TW Đảng hoặc Chính phủ, để tạo cơ chế chính sách đặc thù thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và người dân; (ii) Hệ thống đô thị biển phải được nhìn nhận như một không gian quan trọng trong không gian biển quốc gia, và phải chiếm vị trí xứng đáng trong “Quy hoạch không gian biển quốc gia” thực hiện Luật Quy hoạch (2017) trong thời gian tới; (iii) “Đô thị biển” phải trở thành một lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như các ngành/lĩnh vực kinh tế biển truyền thống khác (Hàng hải, du lịch biển, nghề cá,dầu khí,...); (iv) Phát triển đúng hướng, hệ thống đô thị biển sẽ giúp cho kinh tế biển nước ta phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh và bền vững với văn hóa biển độc đáo./. 

Tài liệu tham khảo: 

1. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) ngày    tháng 2 năm 2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược biển 2020) và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 28 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược biển 2030).

2. Nguyễn Chu Hồi, 2020. Chiến lược phát triển nền kinh tế biển xanh và bài toán tổ chức lại không gian kinh tế biển. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 228-2020, Kientrucvietnam.org.vn

3. Nhiều tác giả, 2021. Văn hóa biển Việt Nam, Tập 1 - Tổng quan về văn hóa biển Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.

4. Nguyễn Hồng Hạnh, 2020. Đô Thị biển Việt Nam và một số vấn đề. Kỷ yếu Hội thảo “Đô thị biển”.

5. Ngoài các vấn đề nêu trên, trong Biển Đông, ở vùng biển – đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam), hành vi ứng xử mở rộng 7 bãi cạn rạn san hô làm đảo nhân tạo và xây dựng “thành phố địa khu” kéo theo quân sự hóa đang hiện hữu. Cần lưu ý là, các đảo nhân tạo không có vị trí pháp lý và không được hưởng chế độ pháp lý như quy định về chế độ đảo trong điều 121 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top