Lợi thế của con đường “Di sản miền Trung”
Vùng Duyên hải miền Trung được coi là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra Biển Đông, có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển. Các địa phương có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa, lịch sử… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như: du lịch, công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải, khai thác và chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh như vườn quốc gia Bạch Mã, núi Ngũ Hành Sơn, các bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Đá Nhảy, Thuận An, Mỹ Khê, Tiên Sa, Non Nước, Tịnh Sơn, Nhơn Hội, Ghềnh Ráng…, các di tích lịch sử văn hoá có gia trị, trong đó phải kể đến hệ thống di sản thế giới là Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Bởi vậy, vùng Duyên hải miền Trung còn gắn liền với cụm từ có ý nghĩa và giá trị lớn: “Con đường di sản miền Trung” và cũng là lợi thế để vùng có thể trở thành tâm điểm du lịch và dịch vụ của cả nước.
Kinh tế miền Trung (với hạt nhân là vùng kinh tế trọng điểm), có nhiều lợi thế về vị trí chiến lược bao gồm nguồn nhân lực, 17 cảng biển, 15 khu kinh tế, 22 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất, 8 sân bay, 2 xa lộ xuyên Việt, hành lang kinh tế Đông Tây và những dự án hàng chục tỷ USD.
Tuy nhiên, hiện nay các tiềm năng sẵn có đó vẫn chưa phát huy được lợi thế kinh tế vùng miền nói chung khi các tỉnh, thành đều có những ưu thế nhưng chưa tạo ra mối liên kết tổng thể, đang còn tồn tại sự phát triển khu biệt, manh mún. Các cảng biển nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng - Sơn Dương (Hà Tĩnh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Tiên Sa (TP. Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi) chưa có điều kiện để được hoạt động hết công suất tối đa.
Các khu kinh tế ven biển tuy có nhiều khởi sắc nhưng khả năng lấp đầy còn hạn chế…Vùng Duyên hải miền Trung còn là vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, có nhiều bất lợi như: địa hình hẹp theo chiều Đông - Tây, đất đai kém phì nhiêu, sông suối ngắn và có độ đốc lớn thường gây ra lũ, lụt lớn…
Đặc biệt các đô thị du lịch ven biển của 14 tỉnh, thành phố trong vùng chưa được đầu tư quy hoạch bài bản với tầm nhìn có tính đột phá mang tính tổng thể với tư cách là Chuỗi các đô thị du lịch biển có mối liên kết về hạ tầng, chia sẻ chức năng, tiềm năng, sản phẩm du lịch và sự phối hợp để đảm bảo phát triển đồng bộ, bền vững, cùng có lợi.
Xét về tổng thể, các địa phương trong vùng có nhiều nét tương đồng, nhưng nếu phân tích chi tiết thì mỗi địa phương có những đặc thù riêng. Do đó, thời gian qua mỗi địa phương có góc nhìn về định hướng phát triển đô thị riêng cho mình, nhưng điểm chung nhất vẫn là hướng biển và lấy lợi thế du lịch biển, sinh thái, văn hóa, lịch sử…làm tâm điểm phát triển. Đây cũng là việc bình thường của mỗi địa phương trong phát triển để tìm kiểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên đứng về phương diện quốc gia, kinh tế vùng…thì đây là sự phát triển không bền vững, kém hiệu quả, lãng phí nguồn tài nguyên, làm mờ đi giá trị thương hiệu mà lẽ ra nó sẽ được Tỏa sáng hơn, Tự hào hơn đối với một quốc gia biển như Việt Nam.
Do vậy, trong bài viết này chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm, đề xuất Mô hình phát triển theo Chuỗi các đô thị gần sông, biển và bài viết cũng tập trung vào các đô thị nằm trong vùng di sản thế gới mà điểm tựa là “Con đường di sản miền Trung” nhằm giảm thiểu sự phát triển có tính cục bộ, khu biệt trong ranh giới hành chính của các tỉnh, thành phố trong vùng…Định vị thương hiệu cho các đô thị và hướng tới sự liên kết chuỗi các gái trị để phát triển hiệu quả, có tính đột phá và bền vững.
Định vị “Chuỗi đô thị” sông, biển trong vùng di sản
Về lĩnh vực đô thị, theo ý kiến một số chuyên gia, việc hình thành “Chuỗi đô thị” - các đô thị nằm trong một vùng có chức năng đặc thù như công nghiệp, du lịch, sinh thái, văn hóa, lịch sử…được nối kết bằng hệ thống giao thông tiện lợi để tạo nên chuỗi cung ứng nhằm phát triển kinh tế - xã hội có tính chuyên môn hóa để thúc đẩy cùng phát triển theo hướng chuỗi giá trị. Hai ví dụ điển hình nhất Tại Đông Á, là các chuỗi đô thị Hồng Kông - Thâm Quyến - Quảng Châu (Trung Quốc) và Nagoya - Osaka - Kyoto – Kobe (Nhật Bản). Việc chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản nhận ra và tập trung phát triển các chuỗi đô thị này đã tạo động lực khiến nền kinh tế nhảy vọt.
Con đường di sản miền Trung của nước ta với ý tưởng kết nối các di sản thế giới tại Trung Bộ, bao gồm: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); cố đô Huế với hai di sản là Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa thiên - Huế); Thánh địa Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) không chỉ nhằm mục đích phục vụ du lịch mà còn nói nên giá trị của một vùng di sản trong quá trình đô thị hóa mà chúng ta chưa có đủ điều kiện để quan tâm tới một một cách đầy đủ.
Các đô thị nằm trong vùng di sản trung Trung Bộ gắn với sông, biển có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng như TP. Đồng Hới, TP. Huế, TP. Đà Nẵng, TP. Tam Kỳ, TP. Hội An... Đây là “Chuỗi đô thị” gắn với sông, biển nằm trong vùng trung Trung Bộ - vùng Di sản, thuộc Duyên hải Miền Trung…trong tổng thể cấu trúc mạng lưới đô thị quốc gia.
Trong quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt QHXD vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, dự kiến đến năm 2025 toàn vùng có 86 đô thị, trong đó có 43 đô thị mới. Đồng thời qui hoạch cũng xác định các cực phát triển kinh tế - đô thị (như TP. Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ - Núi Thành, Vạn Tường, Qui Nhơn), các cụm đô thị động lực (như cụm Huế-Tứ Hạ-Phú Bài-Thuận An-Bình Điền; Chân Mây-Đà Nẵng-Điện Nam-Điện Ngọc - Hội An; Núi Thành-Dốc Sỏi-Châu ổ-Vạn Tường; TP. Quy Nhơn và phụ cận...). Trong đó, các đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kì, Quảng Ngãi, Quy Nhơn là các đô thị động lực quan trọng trong vùng.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là hạt nhân, động lực phát triển chính của cả vùng Duyên hải miền Trung. Trong vùng đã hình thành các khu Công nghiệp, khu kinh tế như Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu Kinh tế Dung Quất, khu Kinh tế mở Chu Lai, Khu khuyến khích phát triển thương mại Chân Mây, Khu kinh tế Nhơn Hội, khu CN Phú Bài, khu CN Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hoà Khánh, KCN Điện Nam - Điện Ngọc, KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú, KCN Phú Tài…
Ngoài ra các tỉnh trong Vùng đã tiến hành quy hoạch thêm các khu CN tại địa phương để thúc đấy phát triển KT-XH... Nhiều ngành kinh tế mà vùng có lợi thế như CN chế biến nông, lâm, hải sản, CN hàng tiêu dùng, du lịch, nuôi trồng thuỷ sản và những ngành sản xuất truyền thống của Vùng được phát triển mở rộng và dần có thương hiệu.
Trong tương lai gần sẽ hình thành vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô/Thừa Thiên Huế) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An, đóng vai trò là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, khóa XII). Và theo ý kiến nhiều chuyên gia quy hoạch vùng đô thị Đà Nẵng cũng sẽ sớm trở thành hạt nhân của vùng Di sản Miền Trung.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ (Nghị quyết số 26/NQ-CP) thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ:
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; Thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác.
Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.
Đối với đô thị Huế. Huế là nơi đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng đồ sộ, phong phú của Việt Nam. Xét cả về quy mô, tính độc đáo, kho tàng di sản ấy luôn được xếp hàng đầu không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn ở cấp độ châu lục và thế giới. Ông Amadou Mahtar M’Bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO từng thốt lên rằng: “Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang và Cầu Hai. Nhờ thế, họ sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi nhân tố bắt nguồn cảm hứng từ thiên nhiên gần gũi. TP Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”. Di sản kinh đô Huế thế kỷ XIX đã trở thành di sản văn hóa thế giới với đa dạng các thể loại: vật thể, phi vật thể, ký ức…
Theo Nghị quyết 54, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 với quan điểm “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên - Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Một trong những nội dung quan trọng mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị yêu cầu là mở rộng, đổi mới để TP Huế trở thành một đô thị trung tâm trong tương lai. Việc mở rộng này vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa đáp ứng với nhu cầu đô thị xứng tầm và đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống, kinh tế của nhân dân không chỉ riêng TP Huế và cả tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đối với TP. Đà Nẵng. Đà Nẵng, một đô thị có vị trí đẹp bên bờ sông Hàn và bên bờ biển Đông. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Đà Nẵng nhiều lợi thế về cảnh quan đẹp, nổi tiếng: từ ‘’cổng trời” Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, Non Nước - Ngũ Hành Sơn đến bán đảo Sơn Trà tráng lệ. Nếu đứng từ ‘’cổng trời” Hải Vân, nhìn xuôi về phía Nam nơi con sông Hàn chảy qua, đổ vào vùng cửa vịnh Đà Nẵng mới cảm nhận hết vẻ quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố này... Hơn nữa, Đà Nẵng lại nằm giữa vùng kề cận ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mĩ Sơn… Đây là những lợi thế hiếm có của một đô thị biển.
Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma đến các nước vùng Đông Bắc á thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây với điểm kết thúc là cụm cảng Tiên Sa - Liên Chiểu. Nằm ngay trên một trong những tuyến đường biển và hàng không quốc tế, Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Xây dựng thành phố Đà Nằng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phổ cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, ngưòi dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”.
Trong thời gian qua Đà Nẵng đã phát triển mạnh và tương đối thành công. Với ý tưởng lấy vịnh Đà Nẵng và sông Hàn làm bố cục chủ đạo trong tổ chức không gian, đô thị Đà Nẵng được mở rộng không gian về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam. Trước mắt ưu tiên phát triển theo hướng Tây Bắc, khu vực giữa quốc lộ 1A và đường Liên Chiểu - Thuận Phước (đường Nguyễn Tất Thành). Đồng thời mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, các thị trấn, thị tứ và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị vệ tinh Đà Nẵng... Phát triển các khu du lịch Nam Ô, Xuân Thiều, Mĩ Khê, Bắc Mĩ An (Purama), Non Nước...
Đối với TP. Tam Kỳ (Quảng Nam). Tam Kỳ có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng Duyên hải trung Trung Bộ và của tỉnh Quảng Nam. Với tiềm năng địa thế đặc thù, gần các vùng kinh tế trọng điểm và sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, cảng Tam Hiệp, thành phố Tam Kỳ đã hội tụ được các điều kiện thuận lợi để phát triển thành một đô thị loại 2 với vai trò là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam và tương lai sẽ là trọng điểm phát triển của cả khu vực.
Về quy hoạch đô thị, theo KTS Hoàng Sừ (Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam), với diện tích hơn 9000ha trải dài từ Tây sang Đông, TP. Tam Kỳ không chỉ có sông Trường Giang mà còn có thêm hai dòng sông Bàn Thạch chảy song song từ Bắc sang Nam rồi cùng hòa dòng chung chảy ra vịnh Kỳ Hà. Hai hồ nước lớn là hồ Phú Ninh rộng 3500ha và hồ, sông, đầm như hai lá phổi xanh tạo sự điều hòa nước và không khí cho thành phố. Không gian toàn đô thị tràn ra phía Đông gặp bờ biển Tam Thanh, các dãy đồi An Hà, Quảng Phú, Trà Cai, địa đạo Kỳ Anh… nằm trong lòng thành phố như chờ sẵn dịp cho ngày hội nhập không gian đô thị. Thành phố hiện tại với diện tích hơn 3000ha và hơn 100 ngàn dân là bàn đạp chắc chắn cho việc phát triển không gian đô thị hướng biển.
Đối với thành phố Hội An. Hội An là một thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam có nhiều khu phố cổ được xây từ thế kỷ 16 và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Trong các tài liệu cổ của phương Tây, Hội An được gọi Faifo. Phố cổ Hội An được công nhận là di sản thế giới UNESCO từ năm 1999. Đây là địa điểm thu hút được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Về định hướng quy hoạch chung thành phố Hội An, có 5 yếu tố chính trong cấu trúc quy hoạch, gồm: Thứ nhất là hạt nhân lịch sử, bao gồm khu phố cổ Hội An và khu vực cận phố cổ có bán kính 1000 - 1200m. Ở khu vực này sẽ bảo tồn nguyên trạng khu phố cổ, lấy phố cổ làm hạt nhân phát triển, bổ sung các công trình, công viên công cộng, quảng trường lễ hội…;
Thứ hai là hành lang chuyển tiếp là vành đai xanh bao bọc trung tâm lịch sử, tăng cường yếu tố tự nhiên để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Thứ ba là khu vực phát triển là khu vực bên ngoài của hành lang chuyển tiếp. Là các đô thị mới chứa các trung tâm vệ tinh làm yếu tố đối trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo tồn di sản…
Thứ tư là khu vực dự trữ phát triển bao gồm các vệt đất dọc ranh giới phía Tây thành phố. Khu vực này nhằm giữ được đặc trưng không gian của các đô thị, giải quyết các vấn đề đô thị, đấu nối hạ tầng với địa phương lân cận. Thứ năm là hành lang kết nối các khu vực đô thị và Cù Lao Chàm.
Phố cổ Hội An luôn khiến người ta nhớ đến là nơi mà cuộc sống bình lặng với không khí cổ xưa, dường như không bao giờ bị lãng quên bởi dòng chảy của thời gian…Năm 2019, phố cổ Hội An được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) trao giải “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á”, sự kiện này đã khẳng định thương hiệu, sức hút của Di sản văn hóa thế giới UNESCO tại Việt Nam.
Tôi cho rằng, chuỗi đô thị sông, biển trong vùng di sản trung Trung Bộ có những nét riêng độc đáo cả về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, con người… khác với các đô thị sông, biển khác trong vùng Duyên hải miền Trung và cũng là thế mạnh, có tính cạnh tranh, khả năng định vị giá trị thương hiệu của từng địa phương trong quá trình phát triển của mình. Các đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An luôn thể hiện khả năng thu hút sự quan tâm đầu tư từ Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về phát triển kinh tế biển, đô thị, hạ tầng, dịch vụ, du lịch, văn hoá,…Cùng với đó cũng tạo ra sự gia tăng về giá trị bất động sản.
Chiến lược phát triển đô thị sông, biển không chỉ khai thác tiềm năng của mỗi địa phương mà rộng hơn là câu chuyện liên kết vùng, tạo ra chuỗi đô thị sông, biển trong mạng lưới đô thị quốc gia, gắn chặt với di sản để có thể vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế theo quan điểm: “Bảo tồn để phát triển; Phát triển để bảo tồn”…Hay phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa của địa phương, của dân tộc, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, trường tồn.