Theo phương án sắp xếp đã được Thành ủy và HĐND TP. HCM thông qua, toàn thành phố sẽ tiến hành điều chỉnh 272 trên tổng số 273 đơn vị hành chính cấp xã hiện có. Đơn vị duy nhất được giữ nguyên là xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Sau đợt sắp xếp, TP. HCM sẽ còn lại 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 78 phường và 24 xã.
Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết, việc giữ nguyên xã Thạnh An nhằm bảo đảm địa phương tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng biệt, phù hợp với đặc thù của một xã đảo còn nhiều khó khăn. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân trong bối cảnh hạ tầng, giao thông còn hạn chế.

Xã Thạnh An từ trên cao. Ảnh: Internet
Thạnh An là một trong 6 xã của huyện Cần Giờ, cách trung tâm huyện khoảng 8km và cách TP. HCM khoảng 46km về phía Đông Nam. Xã có diện tích hơn 13.000ha (chiếm khoảng 18% diện tích huyện Cần Giờ), dân số hơn 4.500 người với hơn 1.130 hộ dân, phần lớn sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Địa bàn xã Thạnh An chủ yếu là vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập do triều cường. Tỷ lệ hộ nghèo tại đây trên 5%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, xã cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, áp thấp nhiệt đới và chưa có tuyến tàu cao tốc kết nối đất liền. Hiện mỗi ngày có khoảng 12 chuyến đò dân sinh đưa đón người dân qua lại giữa thị trấn Cần Thạnh và xã đảo.
Thạnh An gồm 3 ấp: Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng. Trong đó, Thạnh Hòa và Thạnh Bình nằm trên đảo chính Thạnh An, còn ấp Thiềng Liềng nằm tách biệt trên một đảo riêng.

Thạnh An là xã duy nhất ở TP. HCM không sáp nhập và đổi tên. Ảnh: Báo Lao Động
Đáng chú ý, cù lao Gò Gia của xã đảo từng là khu vực tranh chấp giữa TP. HCM và Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ xác định thuộc địa phận TP. HCM vào năm 2020. Sau đó, UBND TP. HCM hoàn tất hồ sơ, công nhận Thạnh An là xã đảo.
Từ khi được công nhận là xã đảo, Thạnh An được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP. Theo đó, người lao động công tác tại đây được hỗ trợ thêm về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp... nhằm ổn định đời sống, khuyến khích gắn bó lâu dài và đóng góp cho sự phát triển địa phương.
Đô thị loại đặc biệt là thành phố trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc. Đô thị loại đặc biệt phải có quy mô dân số toàn đô thị từ 5 triệu người trở lên. Mật độ dân số khu vực nội thành từ 15.000 người/km2 trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% so với tổng số lao động. Hiện nước ta chỉ có Hà Nội và TP. HCM là đô thị loại đặc biệt.