Aa

Đô thị hậu Covid-19 và những thách thức trong quy hoạch đất ở

Chủ Nhật, 15/08/2021 - 06:00

Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra một điểm yếu "chí mạng" của nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới khi xuất hiện dịch bệnh là mật độ dân số quá dày do quỹ đất ở còn hạn chế.

Khi đô thị trở thành ổ dịch

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều thành phố vào tình cảnh lao đao khi phải liên tiếp hứng chịu những làn sóng dịch bệnh trong thời gian ngắn, buộc phải phong tỏa thành phố, kéo theo đó là những hệ lụy về kinh tế và an ninh lương thực nghiêm trọng mà dường như phải mất rất nhiều thời gian để phục hồi.

Đặc biệt, những thành phố đông đúc của các nước đang phát triển là những nơi phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch bởi mật độ dân số dày đặc, các khu vực dân cư tự phát, dân định cư tạm thời, các khu nhà ổ chuột không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ cùng hệ thống y tế mỏng manh, không đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu người. 

Trong cấu trúc của một thành phố, những đối tượng xã hội khác nhau nắm giữ những vai trò khác nhau và cùng vận động để duy trì sự cân bằng trong phát triển của thành phố đó. Khi một hoặc một vài đối tượng yếu thế trong xã hội bị xâm hại nặng nề bởi đại dịch, cấu trúc của thành phố bị phá vỡ, các đối tượng khác đều sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi sự mất cân bằng đó.

Mặt khác, với một thành phố vốn dĩ đã tồn tại nhiều mối quan hệ bất bình đẳng giữa các đối tượng trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo quá xa và sự phân chia thiên vị về nguồn tài nguyên sống như quỹ đất ở và các dịch vụ y tế cộng đồng thì trong đại dịch, những vấn nạn này sẽ càng trở nên sâu sắc và ngăn cản thành phố đó trở lại trạng thái trước Covid-19. 

Sự bất bình đẳng giữa các đối tượng trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo và số người định cư tạm thời tại các thành phố lớn như New York (Mỹ), Mumbai (Ấn Độ), Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan)... và nhiều thành phố khác là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng mới của Covid-19 lan truyền mạnh mẽ và rất khó kiểm soát.

Theo một nghiên cứu có tên “Better cities after Covid-19: Transformative urban recovery in the global South” (Tạm dịch: Những thành phố tốt hơn hậu Covid-19: Phục hồi đô thị mang tính chuyển đổi ở miền Nam toàn cầu) công bố tháng 6/2021 của hai nhà nghiên cứu Alice Sverdlik và Anna Walnycki thuộc Viện Quốc tế về Môi trường và Phát Triển (IIED), có đến 1 tỷ người sinh sống tại các khu định cư tự phát ẩm thấp, đông đúc và không có đủ điều kiện sống tối thiểu. Trong suốt thời gian đại dịch, có đến 2 tỷ lao động tự do phải đối mặt với thất nghiệp, nghèo đói và không thể tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tại Ấn Độ, thu nhập trung bình của 60% dân cư sinh sống tại vùng nông thôn là rất thấp, chỉ khoảng 2 USD/ngày, do đó, họ đổ về các thành phố lớn, chấp nhận sống trong các khu ổ chuột để tìm kiếm cơ hội làm việc. Trước đại dịch, có khoảng 25 - 30 người di cư đến một thành phố của Ấn Độ mỗi phút. Theo đó, khi làn sóng dịch Covid-19 tấn công Ấn Độ vào tháng 4/2021, các thành phố lớn như Mumbai, New Delhi nhanh chóng kiệt quệ bởi dịch bùng phát tại các khu ổ chuột chật chội, kém vệ sinh và không đủ cơ sở y tế để chăm sóc toàn bộ người dân.

Ngay cả một quốc gia với diện tích nhỏ và số dân không lớn như Singapore cũng đã từng chật vật bởi làn sóng dịch bệnh đến từ lao động nhập cư sinh sống tại các khu ký túc xá chật chội, khiến số ca nhiễm trên cả nước tăng gấp đôi. Đến cuối năm 2020, 93% ca mắc ở nước này thuộc đối tượng lao động nhập cư, chủ yếu từ Nam Á và buộc nhà chức trách phải khởi động một chiến dịch xét nghiệm toàn bộ dân cư tại các khu nhà ổ chuột, khu ký túc xá cho người lao động nghèo và phân tách các đối tượng này vào các khu nhà ở tạm thời khác. 

hậu covid-19, đô thị hậu covid-19, quy hoạch đất ở, quy hoạch, dân cư
Cuộc sống nghèo khó tại các căn nhà ổ chuột tại Ấn Độ (Nguồn: Báo Điện tử VTV News)
dân cư, hậu covid-19, quy hoạch đất ở, đô thị hậu covid-19
Những lao động nhập cư đang chờ được phát đồ ăn tại một khu ký túc xá ở Singapore 
(Ảnh: Reuters)

Những khu vực dày đặc mật độ sinh sống của cư dân, cả những người nghèo, người lao động thu nhập thấp, lao động nhập cư và các đối tượng yếu thế khác luôn nhanh chóng trở thành điểm nóng dịch bệnh không chỉ bởi khoảng cách vật lý giữa người với người quá ngắn, chất lượng sống thấp mà còn bởi không thể tiếp cận được dịch vụ y tế cộng đồng.

Hay nói cách khác, việc phân bố nơi ở của những đối tượng này gần khu vực y tế công còn là một bài toán chưa được tính đến. Điều này khiến sức khỏe cộng đồng của thành phố trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương, trước sự tấn công của một đại dịch nguy hiểm, các chính sách hay phương án di dời hoặc tiêm chủng sẽ luôn chạy sau làn sóng tấn công của virus. Hơn hết, việc không thể phân bổ khu vực sống ổn định và an toàn cho những người không thể chi trả cho những mảnh đất hay căn nhà đắt đỏ ở nội đô nhưng lại là lực lượng lao động của thành phố thì càng khiến cho nền sản xuất của thành phố đó dễ rơi vào khủng hoảng, nhất là đối với những thành phố đang phát triển. 

Virus không phân biệt giàu nghèo. Nếu trong tương lai, một đại dịch mới xảy ra và với tất cả bài học kinh nghiệm từ Covid-19, chính quyền thành phố yêu cầu giãn cách, thì chỉ có tầng lớp trung lưu, thượng lưu mới có thể giãn cách đủ điều kiện về mặt vật lý.

Những người đang cố bám trụ ở thành phố trong các khu nhà ổ chuột sẽ giãn cách như thế nào khi mà quỹ đất ở dành cho họ hoặc quỹ đất ở mà họ có thể chi trả quá chật hẹp và nhỏ bé? Bất kể chính sách tạm thời nào, bất cứ sự chia sẻ nào từ những đối tượng khác dành cho họ cũng không thể khiến sức khỏe cộng đồng của thành phố đó trở thành tấm khiên vững chãi trước đại dịch. Nếu như có bất cứ đối tượng nào trong xã hội đô thị không có đủ điều kiện khách quan để chủ động bảo vệ bản thân trước sự tấn công của virus, thì đô thị đó không thể an toàn trước đại dịch. 

Cần nhiều điểm mới trong chiến lược quy hoạch đất ở đô thị

Sau những trận đại dịch kinh hoàng như dịch cúm Tây Ban Nha 1918, dịch Sars 2002, ngay cả khi người ta vẫn đặt nhiều nghi vấn về mức độ an toàn khi sống tại thành phố, thì các thành phố vẫn phát triển mạnh mẽ như một trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội và là biểu tượng cho văn minh loài người cùng sự tiến bộ của khoa học.

Song, rõ ràng không thể có một thành phố nào có đủ đất ở và chia đều cho tất cả mọi người. Covid-19 đang thách thức, và cũng là mở ra cơ hội, để những thành phố nhìn nhận và hoạch định lại chiến lược quy hoạch đất ở cho cư dân của mình trong những thập kỷ tới, để tạo ra một đô thị xanh, khỏe, đẹp, thích ứng nhanh với những hiểm họa từ tự nhiên. 

Theo nghiên cứu đã đề cập đến của hai nhà khoa học Alice Sverdlik và Anna Walnycki, đối với việc phục hồi đô thị hậu Covid-19, vấn đề quy hoạch đất ở sẽ chịu ảnh hưởng từ dữ liệu đô thị, cấu trúc đô thị, quy hoạch hóa, và chiến lược phát triển đô thị xanh. Dữ liệu đô thị về số lượng và mật độ dân cư cùng các thông tin cơ bản sẽ là cơ sở quan trọng để nhà hoạch định đặt ra quy mô, diện tích đất sử dụng cho mục đích ở.

Cũng theo một nghiên cứu có tên “Covid-19: What is not being addressed” (Tạm dịch: Covid-19: Những điều chưa được giải quyết) của hai nhà nghiên cứu Jaideep Gupte và Diana Mitlin thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển, một điểm then chốt là mật độ dân cư đông đúc sẽ không phải là yếu tố duy nhất khiến thành phố trở nên yếu đuối trước dịch bệnh, mà là dân cư đông kết hợp cùng với cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng, số lượng người nghèo còn nhiều và hệ thống y tế cộng đồng không đủ tiêu chuẩn.

Do đó, quy mô đất ở cho dân cư phải được tính toán kèm với các hệ thống cung cấp tài nguyên và dịch vụ cơ bản. Bên cạnh đó, chiến lược phục hồi và phát triển xanh cần phải có trong tầm nhìn quy hoạch dài hạn của đô thị, bởi các thách thức từ môi trường bao gồm cả dịch bệnh không sớm thì muộn, sẽ trở thành một vấn nạn nguy hiểm trong tương lai. Như vậy, nếu thành phố mở rộng các không gian công cộng xanh (hồ nước, công viên...) thì quy mô, diện tích đất ở dân cư sẽ là bài toán kép đi cùng với chiến lược này. 

Ở một tầm nhìn xa, phải giải thích được nguyên nhân gốc rễ của đại dịch Covid-19 trước khi có một chiến lược quy hoạch hoàn chỉnh. Liệu sự phát triển ồ ạt của đô thị và công nghiệp có đang chèn ép sự phát triển của tự nhiên? Liệu có nên quay trở lại trạng thái trước Covid-19 và liệu lịch sử sẽ lặp lại trong những năm tiếp theo? Covid-19 đã và đang giống như một lời cảnh báo đến con người bởi lối tư duy hiện đại hóa theo hướng thay thế các vai trò của tự nhiên sẽ là điều không thể, bởi chính con người cũng là một sản phẩm của tự nhiên.

Trong chiến lược quy hoạch đô thị của một thế giới hậu Covid-19, yếu tố môi trường và bảo vệ tự nhiên sẽ cần được chú trọng và áp dụng nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở mức độ phong trào. Các phương pháp dựa vào thiên nhiên (Nature-Based Solution - NBS) sẽ cần được định hình và ứng dụng ở quy mô rộng lớn hơn. Vậy thì việc quy hoạch đất ở sẽ là hạng mục kép khi những mục đích sử dụng đất khác, đặc biệt là không gian công cộng và không gian cho những dịch vụ y tế, giáo dục công cũng cần được tính toán lại. 

Sau cùng, trong thành tựu tiến bộ của một thành phố, nó sẽ không chỉ là nơi để người ta đến ở và cố gắng làm việc để tồn tại, dù là bất cứ tầng lớp nào trong xã hội. Trong thế giới hậu Covid-19, những thành phố sẽ phải thay đổi cách nhìn về sự tồn tại của chính mình và chủ nghĩa đô thị mới cùng xu hướng quy hoạch đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên chắc hẳn sẽ trở thành xu hướng toàn cầu trong thập kỷ tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top