Aa

Đô thị hóa trên thế giới: Những cái bẫy cần tránh

Thứ Sáu, 13/10/2017 - 06:01

Những thông tin, những phân tích trong chùm bài dưới đây, dựa trên nhiều tờ báo, tạp chí, trang tin tiếng Nga, sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm và rút kinh nghiệm với tư cách là “người đến sau” của quá trình này nếu biết tận dụng những thành tựu mà thời đại công nghệ số đã và đang mang lại.

Hiện nay, khoảng một nửa dân số của hành tinh là các thị dân và cứ sau mỗi ngày lại có thêm 180.000 người nhập cư vào các thành phố. Các đô thị ngày một phình to bởi những cuộc "đại di dân". 

Đô thị hoá đã và đang diễn ra trên khắp các châu lục. Lịch sử của quá trình này cho thấy nhân loại đang phải trả giá cho những sai lầm của mình và không ít quốc gia đi sau vẫn rơi vào những “cái bẫy” mà nhiều nước đi trước đã từng mắc phải.

Bài I: Hành trình của những cuộc "đại di dân"

Theo báo cáo mới đây của Chương trình dân số của Liên Hợp Quốc thì năm 1800 mới chỉ có khoảng 2% dân số thế giới sinh sống tại các đô thị, tới năm 1950, tỷ lệ này đạt mức khoảng 30%. Hiện nay, khoảng một nửa dân số của hành tinh là các thị dân và cứ sau mỗi ngày lại có thêm 180.000 người nhập cư vào các thành phố. Đến năm 2050, số cư dân thành thị sẽ chiếm 2/3 trên tổng dân số toàn cầu và 80% GDP của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Cũng theo bản báo cáo này thì hiện 20% dân số thế giới đang sinh sống và làm việc tại 600 thành phố lớn nhất hành tinh với 60% GDP toàn cầu.

Nguồn : World Urbanization Prospects The 2014 Revision.

Nguồn : World Urbanization Prospects The 2014 Revision.

 
Biểu đồ dưới đây cho thấy quá trình đô thị hoá như là xu hướng tất yếu của nhân loại cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo các chuyên gia, cả trước mắt và về lâu dài, tại các nước kém phát triển hơn thì tốc độ đô thị hoá lại mạnh hơn so với tại các nước phát triển.

Nguồn : World Urbanization Prospects The 2014 Revision.

Nguồn : World Urbanization Prospects The 2014 Revision.

Tại một số nước công nghiệp phát triển hàng đầu, tỷ lệ đô thị hoá đã khá cao, cụ thể như: Liên hiệp vương quốc Anh- 91%, Thuỵ Điển- 87%, LB Đức- 85%, Pháp- 78% , Mỹ- 77%, Canada- 76%, Australia- 89%, New Zealand- 85%, Israel- 89%, Nhật Bản- 78%. Khi nào tỷ lệ này đạt mức 70% thì tốc độ đô thị hoá sẽ chậm lại và gần như ngừng khi đã đạt ngưỡng 80%.

Tại Đông Nam Á, tỷ lệ đô thị hoá nói chung còn ở mức thấp và với sự chênh lệch khá lớn. Không kể Singapore được coi là quốc gia đô thị thì Malaysia đã đạt mức 75% tương đương với Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia đạt trên 50%, Philippines- 45% còn Campuchia chỉ là 20,7%.

Mặc dù Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất trong khối ASEAN nhưng tỷ lệ đô thị hoá cũng mới chỉ ở mức 33,6%. Theo dự báo đến năm 2025, tỷ lệ này tại Việt Nam sẽ đạt ngưỡng 50%.

Đô thị hoá: Triển vọng và hệ luỵ 

Trong lịch sử, đô thị xuất hiện đã trở thành nơi giao thương cho các vùng sản xuất nông sản quanh đó và sản xuất công nghiệp đã kéo người dân từ các vùng nông thôn đến làm việc, tạo điều kiện để các đô thị xuất hiện ngày một nhiều. Công nghiệp hoá, điện khí hoá đã kéo theo nó là xu hướng đô thị hoá. Nhờ có đô thị mà sản xuất công nghiệp, dịch vụ, văn hoá, khoa học… phát triển, thu nhập của người dân được nâng cao. 

Như đã phân tích, tỷ lệ đô thị hoá cao chính là chỉ dấu sự cường thịnh của quốc gia. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà ngay sau khi nhậm chức năm 2013, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ của Thủ tướng Lý Khắc Cường là đến năm 2025 phải đưa được 450 triệu người dân nông thôn ra thành phố để đạt mức 900 triệu người là dân thành thị. Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng đây sẽ là động lực tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế ở mức cao và thị trường tiêu thụ nội địa phát triển nhờ lực lượng các thị dân đông đảo này.

Tuy nhiên, lich sử đã cho thấy hệ luỵ từ các cuộc “đại di dân” cũng không hề nhỏ, nhất là đối với các quốc gia “phát triển nóng” như Trung Quốc và đôi khi phải sau nhiều chục năm mới “giật mình nhận ra”.

Theo Chương trình dân số của Liên Hợp Quốc, bất cập lớn nhất của quá trình đô thị hoá là tốc độ phát triển hạ tầng thường không theo kịp với tốc độ đô thị hoá. Và hệ luỵ của nó là nạn kẹt xe, tai nạn giao thông, môi trường bị ô nhiễm…

Không ít những “thị dân mới hôm qua còn là người nông thôn” vẫn không thể quen với nhịp sống đô thị, văn hoá giao thông… cũng là những bất cập của sự “phát triển nóng”.

Đã có rất nhiều những bất cập và bài học từ quá trình đô thị hoá, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này sẽ chi tập trung khai thác vào khía cạnh quy hoạch hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng cho giao thông và tận dụng những thành tựu của thời đại số hoá từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới để tránh mắc phải những sai lầm, bất cập đã từng diễn ra trong quá khứ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top