Ô nhiễm mặt đất, ô nhiễm chất thải rắn
Rác thải là một vấn nạn trong các đô thị. Ở những đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, rác thải càng trở thành một vấn đề bức xúc. Chỉ riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày thủ đô Hà Nội thải ra khoảng 5.400 tấn, cao điểm lên tới 7.000 tấn. Rất nhiều quận huyện năng lực thu gom và xử lý rác thải chỉ đạt 70%; điều đó đồng nghĩa với việc có một lượng lớn rác thải tồn đọng, lưu cữu trong không gian đô thị. Còn ở TP HCM, con số là 7.000 tấn mỗi ngày. Đầu năm 2015, TP đã quyết định đóng cửa bãi chôn lấp Phước Hiệp (huyện Củ Chi) và tất cả dồn về bãi Đa Phước (huyện Bình Chánh). Và thực tế đã cho thấy sự quá tải ở bãi rác này khi cả vùng Nam Sài Gòn chịu mùi hôi thối.
Bên cạnh rác thải sinh hoạt, thì trong các đô thị còn những loại rác thải khác như rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải xây dựng góp phần không nhỏ gây ô nhiễm. Trong khi năng lực xử lý chất thải rắn còn rất hạn chế với công nghệ lạc hậu (chủ yếu là chôn lấp) thì lượng rác thải tăng liên tục mỗi ngày do sự phát triển và dân số tăng. Dự báo quy hoạch đô thị dường như cũng không theo kịp thực tiễn cuộc sống đang đổi thay chóng mặt. Các dự án giải toả mặt bằng, thi công hạ tầng thải vào môi trường một lượng khổng lồ phế thải xây dựng. Điều đáng nói là nhiều nơi hạ tầng làm đi làm lại, bới lên bới xuống gây lãng phí không nhỏ và gây nguy hại tới môi trường một thời gian dài.
Trong các đô thị, trên đường phố, trong khu dân cư dễ dàng thấy rác và rác. Rác ở khắp mọi nơi và dường như người ta đã quen sống chung với rác. Cứ sau một sự kiện gì đấy, ở những nơi công cộng trở thành một bãi rác – như một điều hiển nhiên. Năng lực xử lý rác hạn chế thì đã nói ở trên, nhưng thái độ và ý thức của những công dân đô thị góp phần không nhỏ và việc làm ô nhiễm mỗi trường.
Ô nhiễm mặt nước, nguồn nước
Nước là yếu tố không thể thiếu của cuộc sống, và nước cũng là một phần của nhiều đô thị. Hà Nội là thành phố của ao hồ; TP.HCM là thành phố của sông ngòi, kênh rạch; Huế có sông Hương chảy qua, Nha Trang là thành phố biển, Đà Nẵng có cả sông và biển… Nhưng những nguồn nước, mặt nước cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, biển. Nước thải sinh hoạt (không qua xử lý) đổ hết ra hồ, sông ngòi, kênh rạch… Những dòng sông, những con kênh một thời là nét đẹp và đặc trưng của đô thị đã trở thành những dòng nước đen. Trong một nỗ lực vì môi trường, TP. Hồ Chí Minh đã chi hàng nghìn tỷ để cứu lấy những dòng kênh, đem lại màu xanh và xoá bỏ những “xóm nước đen”. Ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sau khi đã hồi sinh, đã nhiều lần cá chết, minh chứng rõ ràng nguồn nước chưa hề sạch. Ở Hà Nội, những con sông như Tô Lịch, Sét, Lừ chỉ còn có tác dụng thoát nước thải. Đầu tháng 10/2016, Hà Nội xôn xao vì cá chết nổi trắng Hồ Tây – mặt nước lớn nhất ở Hà Nội. Con số các cơ quan chức năng đưa ra là 200 tấn cá chết trên diện tích 500 héc ta mặt nước – liệu có thể coi là một thảm hoạ môi trường đô thị?
Ô nhiễm mặt nước và ô nhiễm chất thải rắn là những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Nước sạch không sạch, đó là điều nhiều cư dân đô thị biết rõ. Ở rất nhiều khu vực, người ta bảo nhau phải sử dụng máy lọc nước, bình lọc nước vì nước máy không sạch, do nước ngầm bị ô nhiễm. Báo cáo của công ty Cây xanh Hà Nội tại cuộc họp giao ban Thành uỷ Hà Nội vào tháng 8/2016 (sau cơn bão số 1) đã đề cập đến việc nguồn nước ngầm bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân khiến cây xanh bị đổ nhiều, do rễ khó phát triển sâu được. Tất nhiên, việc này cần một nghiên cứu khoa học nghiêm túc, song lý do ấy không phải là không có căn cứ.
Ô nhiễm không khí
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ô nhiễm nhiều hơn cả. Nguyên nhân lớn nhất là khí thải từ các phương tiện giao thông, khói bụi từ những công trường xây dựng. Một số đô thị công nghiệp như Hải Phòng, TP. Biên Hoà (Đồng Nai), TP. Thái Nguyên (Thái Nguyên)… chịu ảnh hưởng của các nhà máy, khu công nghiệp. Các phương tiện giao thông tăng lên từng ngày, đặc biệt là phương tiện cá nhân. Cơ quan chức năng chưa có một chế tài có tính thực tiễn để kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông. Xăng sinh học vẫn là một cái gì đó khó quen thuộc vẫn đại đa số dân chúng. Công trường xây dựng khắp nơi, người nghèo trong đô thị vẫn sử dụng chất đốt là than, góp phần gây ô nhiễm không khí. Có thể thấy ở Hà Nội trong những năm gần đây rất ít ngày có bầu trời trong xanh. Đó là do không khí bị ô nhiễm.
Tháng 4/2016, một nguồn tin trên mạng internet cho biết có thủy ngân lơ lửng trong không khí ở Hà Nội. Điều này làm nhiều người hoảng hồn. Mặc dù sau đó một số tờ báo chính thống đã đăng tin bác bỏ chuyện đó, song không làm vơi đi nỗi lo âu về một bầu không khí đang bị ô nhiễm.
Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây, kết quả nghiên cứu cho thấy miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng đáng kể do ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ Trung Quốc. Nghiên cứu sử dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện quan trắc tại 9 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh biên giới phía Bắc. Điều này quả thực đáng lo ngại.
Ô nhiễm không gian
Kiến trúc là nhân tố chính tạo nên vẻ đẹp của không gian đô thị, bên cạnh đó là những yếu tố thiên nhiên như cây xanh, mặt nước. Thế nhưng trong những đô thị của chúng ta có quá nhiều những thành phần làm ô nhiễm không gian. Khi mà thiết kế đô thị còn là khái niệm rất mới mẻ và còn quá nhiều những vấn đề đô thị chưa được luật hoá, hoặc còn nhiều bất cập; việc ô nhiễm không gian khó mà tránh khỏi. Biển quảng cáo, dây điện, cáp viễn thông, băng rôn, khẩu hiệu… giăng giăng khắp chốn khắp nơi, khiến cho không gian đô thị bị thương tổn và đầy bí bách. Điều đáng nói, có những thứ chúng ta buộc phải chấp nhận vì vấn đề kinh tế hay năng lực hạn chế, song có những thứ hoàn toàn có thể kiểm soát và điều chỉnh được thì chúng ta lại không làm.
Ô nhiễm không gian đô thị làm xấu đô thị – đương nhiên, đồng thời nó cũng phản ánh rõ nét về trình độ quản lý đô thị của các cơ quan chức năng và ở góc độ khác là dân trí và thái độ của người dân đối với đô thị mà mình đang sinh sống ở đó.
Ô nhiễm ánh sáng
Ánh sáng (nhân tạo) là một đặc trưng của đô thị; và chiếu sáng đô thị là một nghệ thuật. Song thực tế, việc chiếu sáng trong các đô thị Việt Nam có chất lượng không cao và ngày càng loạn, gây ô nhiễm ánh sáng. Bên cạnh những đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng vậy, một số độ thị phát triển du lịch như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… cũng sa đà theo hướng ấy. Chiếu sáng thiếu khoa học, thiếu thẩm mỹ gây phản tác dụng. Những kiểu chiếu sáng nhấp nháy, chuyển động, đổi màu… gây chú ý trong chốc lát nhưng thực chất rất có hại với thị giác và thần kinh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Đầu năm 2016, trong dịp trước Tết Nguyên đán, Hà Nội đã triển khai một dự án chiếu sáng trang trí đô thị vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cả giới chuyên môn và người dân. Kiểu chiếu sáng đó quá “sến súa và quê mùa, phi thẩm mỹ” – theo lời một KTS. Đó thực sự là ô nhiễm ánh sáng. Và sau đó thành phố đã phải dỡ bỏ hầu hết dự án chiếu sáng này.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cho thấy việc ô nhiễm ánh sáng đô thị có tác động đến chu trình sinh trưởng của cây và có thể làm thay đổi hệ cân bằng sinh thái của động – thực vật. Trong bối cảnh chung về ô nhiễm đô thị thì đó quả là điều đáng suy nghĩ.
Ô nhiễm âm thanh
Cũng như ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm âm thanh là “đặc sản” của riêng đô thị. Tiếng động cơ xe, tiếng còi xe, tiếng nhạc ở các nhà hàng, tiếng ồn từ các cơ sở sản xuất, công trường xây dựng, tiếng loa quảng cáo, tiếng rao bán hàng rong và cả tiếng loa phường tạo nên một bản hợp ca hỗn loạn trong đô thị, suốt cả ngày đêm. Những chuyên gia cảnh báo rằng tiếng ồn là một sát thủ giấu mặt, nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và tâm sinh lý con người. Tiếng ồn còn có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp.
Khi phải chịu đựng tiếng ồn liên tục, cơ thể người không tránh khỏi tình trạng bị căng thẳng. Căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến những chứng bệnh thần kinh như trầm cảm hay lo lắng vô cớ, tăng thêm nguy cơ các bệnh về tim mạch và hệ tuần hoàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người phải sống trong môi trường tiếng ồn lớn và thường xuyên như gần sân bay, sân ga, đường tàu thì càng dễ mắc những chứng bệnh đó.
Ở các đô thị Việt Nam, nguồn gốc chính của ô nhiễm âm thanh là từ các phương tiện giao thông. Nhìn vào thực tế, thì đó là một mảng màu xám vì phương tiện giao thông vẫn ngày ngày tăng lên…
Ô nhiễm kiến trúc
Kiến trúc là nhân tố chính của đô thị và tạo nên vẻ đẹp của đô thị. Song kiến trúc cũng dễ làm xấu đô thị bởi tự thân giá trị thẩm mỹ (yếu) của nó. Đô thị là nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc nhưng không phải tất cả những công trình đều đẹp. Ô nhiễm kiến trúc hiện diện rõ nét ở nhiều đô thị. Bộ mặt đô thị nham nhở lộn xộn dễ thấy ở nhiều nơi. Sự ô nhiễm này xuất hiện ở nhiều nơi và có nhiều nguyên nhân, từ quy hoạch cho tới những công trình cụ thể, từ vấn đề quản lý tới cái tâm của KTS, từ quan trí tới dân trí…
Ô nhiễm kiến trúc không chỉ thể hiện ở sự “loạn” trong hình thức kiến trúc, cấu trúc đô thị, bất tuân các quy định pháp chế và những giá trị thẩm mỹ; mà những kiến trúc thiếu thân thiện với môi trường còn gây ra những hậu quả ô nhiễm cụ thể theo nghĩa đen: Gây hiệu ứng nhà kính, tiêu hao năng lượng lớn, thải nhiều rác, chất thải và khí thải ra môi trường…
Nếu như những bản quy hoạch và công trình của đô thị cũ do người Pháp để lại, cơ bản là sạch sẽ, thì càng về sau nó càng bị ô nhiễm. Ở một góc độ khác, sự ô nhiễm này sẽ “thải” một đống xà bần không nhỏ vào tương lai.
Và những ô nhiễm khác…
Còn nhiều lắm những ô nhiễm của đô thị mà trong khuôn khổ bài viết này không thể kể hết, như ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm văn hoá, ô nhiễm giáo dục, ô nhiễm thông tin… Tất cả đang là một vấn nạn đô thị lớn mà việc xử lý, giải quyết không thể hoàn tất trong ngày một ngày hai. Và đó cũng không phải là việc của riêng một người hay nhóm người, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Điều quan trọng, là cần nhìn thẳng vào vấn đề và gọi đúng tên, không tránh né sự thật. Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể mong xây dựng được những đô thị thực sự có giá trị bền vững và đáng sống, không chỉ cho hôm nay…