Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai vừa trình Chủ tịch UBND tỉnh kết quả cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch chung đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận. Phương án của liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia - Công ty Nihon Sekkei, Inc (Nhật Bản) - CTCP Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng Coninco (liên danh VIAR-NS-Coninco) đã xuất sắc đoạt giải nhất với điểm trung bình 82,38.
Theo liên danh VIAR-NS-Coninco, quy hoạch tổng thể khu đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận có diện tích hơn 57.000ha, bao gồm các huyện Long Thành, Thống Nhất và Cẩm Mỹ. Trong đó, khu vực đô thị sân bay Long Thành chiếm diện tích lớn nhất với hơn 43.000ha, bao trọn địa giới hành chính huyện Long Thành (13 thị xã và 1 thị trấn). Phần diện tích còn lại, hơn 14.000ha, thuộc các xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), Xuân Quế, Sông Nhạn, và Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ).
Phương án quy hoạch được xây dựng theo mô hình thành phố song sinh Aerotropolis, một mô hình phát triển lấy đô thị sân bay làm trung tâm tăng trưởng kinh tế khu vực, mở rộng ra ngoài ranh giới của thành phố sân bay.
Theo nguyên lý tăng trưởng cân bằng, TP. HCM và Long Thành Aerotropolis sẽ hợp tác chặt chẽ, tận dụng thế mạnh của từng khu vực để giải quyết các thách thức chung, đồng thời tạo ra hiệu ứng cộng hưởng phát triển.
Aerotropolis này hòa nhập vào mạng lưới các đô thị năng động, gồm: Biên Hòa ở phía Tây Bắc (cộng đồng dân cư); Long Khánh ở phía Đông Bắc (nông nghiệp và du lịch sinh thái); và Bà Rịa - Nhơn Trạch ở phía Nam (trung tâm công nghiệp và logistics). Đặc biệt, hành lang công nghệ cao tại TP. Thủ Đức sẽ kết nối Long Thành với TP.HCM - trung tâm kinh tế, văn hóa chỉ cách khoảng 30km.
Bên trong đô thị sân bay Long Thành sẽ quy hoạch chia thành 5 phân khu trọng điểm với điểm nhấn là thiên nhiên xanh đặc trưng của khu vực. Các phân khu bao gồm:
Khu CBD ven mặt nước: Kết nối cảnh quan mặt nước với biển Đông, gắn liền với hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ.
Khu phức hợp văn hóa: Liên kết khu CBD với chuỗi không gian đổi mới sáng tạo công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.
Tổ hợp hành chính mới: Phát triển trên nền tảng các khu công nghiệp hiện hữu, kết nối chuỗi đô thị đổi mới sáng tạo TP. Thủ Đức, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Thành phố y sinh: Tập trung về phía Tây Bắc, kết hợp không gian sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường tự nhiên.
Khu nghỉ dưỡng ven hồ: Phát triển tại các khu vực quanh hồ Suối Quýt và hồ Bàu Cạn, tích hợp du lịch, giải trí và tổ hợp nhà ở chất lượng cao.
Ngoài ra, ý tưởng quy hoạch cũng đề xuất một khu đô thị phát triển logictics tập trung.
Khi được áp dụng cho Long Thành, đây sẽ là mô hình thành phố song sinh đầu tiên tại Việt Nam, hứa hẹn tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Dự kiến, tỉnh Đồng Nai sẽ chọn đơn vị lập đồ án quy hoạch chung để trình thẩm định và phê duyệt vào tháng 6/2025, đồng thời triển khai quy hoạch phân khu từ tháng 9/2025. Đây là bước khởi đầu quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đô thị sân bay Long Thành – một động lực mới cho sự tăng trưởng bền vững của khu vực.