Đô thị sáng tạo: Kỳ vọng bứt phá của TP.HCM

Đô thị sáng tạo: Kỳ vọng bứt phá của TP.HCM

Hồng Vân (thực hiện)
Hồng Vân (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Chủ Nhật, 24/11/2019 - 06:28

 

"Chúng tôi ghi nhớ đóng góp này không phải cho hôm nay mà cho 100 năm nữa", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói về 6 đề án quy hoạch đô thị sáng tạo phía Đông của TP.HCM trong lễ trao giải Cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM” ngày hôm qua (23/11).

Kỳ vọng khu Đông sẽ trở thành bệ phóng phát triển kinh tế, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương quy hoạch đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM thuộc ranh giới 3 quận: Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Quyết tâm này không chỉ nằm trên giấy, TP.HCM đã tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế để tìm ra những ý tưởng thiết thực, rõ ràng nhất, chuyển thành ngôn ngữ quy hoạch. Chặng đường đến với đô thị sáng tạo, “đánh thức” những bản vẽ thành một đô thị sống động và hiện hữu, TP.HCM cần phải có những chiến lược như thế nào? Reatimes đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành EnCity (đơn vị cùng với công ty Sasaki vừa giành giải nhất trong Cuộc thi)

 

PV: Thưa ông Nguyễn Đỗ Dũng, theo ông đô thị sáng tạo là đô thị như thế nào? Mô hình này khác gì với đô thị thông minh mà nhiều nơi đang dự định triển khai?

Ông Nguyễn Đỗ Dũng: “Đô thị sáng tạo” là một ý tưởng đang nổi lên trong những năm gần đây. Việc sử dụng tên gọi này có những nội dung khác nhau ở từng thành phố, từng quốc gia. Tuy nhiên có thể hiểu một cách chung nhất thì “đô thị sáng tạo” là một khu vực địa lý được phát triển để trở thành một môi trường lý tưởng cho các ý tưởng và giải pháp mới thông qua sự kết hợp của các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ, chính quyền và cộng đồng sáng tạo.

Với cách tiếp cận của một số đô thị ở Việt Nam thì đô thị thông minh đang thiên về hướng ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của thành phố. Ví dụ TP.HCM đang có trung tâm quản lý thông minh và tập trung về vấn đề quản lý giao thông, tức là thành phố sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề hiện hữu.

Đô thị sáng tạo là khái niệm bao trùm hơn đô thị thông minh, nói về kết quả của việc ứng dụng công nghệ, qua đó có thể thay đổi cách thức sản xuất, thay đổi cách thức tương tác giữa người dân với nhau; giữa doanh nghiệp với nhau và với chính quyền, nâng cao giá trị của nền kinh tế và cải thiện chất lượng sống của cộng đồng. Thế nên tầm ảnh hưởng và ý nghĩa của đô thị sáng tạo, theo tôi còn lớn hơn đô thị thông minh.

 

 

PV: Cụ thể, với đề án thực hiện đô thị sáng tạo ở TP.HCM thì sẽ như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đỗ Dũng: Khi TP.HCM thực hiện đô thị thông minh trên toàn thành phố, chính quyền đã nhận thấy những vấn đề khó khăn nên quyết định lựa chọn một khu vực nhỏ hơn là quận Thủ Đức, quận 9 và 2 - những nơi có nền tảng về cơ sở hạ tầng - để triển khai đô thị sáng tạo trước và như vậy tính khả thi sẽ cao hơn. Đô thị sáng tạo không đơn thuần là yếu tố công nghệ mà là sự sáng tạo với mục đích cuối cùng là để đem đến cuộc sống tốt hơn cho con người. Nên thay vì chỉ làm đô thị tập trung có hàm lượng công nghệ cao, thì công nghệ ấy phải tạo ra được kết quả là một đô thị có tính chất sáng tạo và chất lượng sống tốt hơn.

Cụ thể, 2 yếu tố quan trọng nhất trong đô thị sáng tạo của TP.HCM, thứ nhất là tạo ra đà tăng trưởng với một nền kinh tế sáng tạo. Điều này dựa trên yếu tố nền tảng là khu công nghệ cao (CNC) TP.HCM, đồng thời thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính trong vùng mà mảng đầu tiên có thể triên khai là công nghệ tài chính. Đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính không tách rời nhau mà chính là một.

Nguồn ảnh: Internet

Thứ hai, yếu tố rất quan trọng mà TP.HCM muốn thực hiện là nâng cao chất lượng sống của người dân. Việc áp dụng công nghệ, có nền kinh tế sáng tạo sẽ không có ý nghĩa nếu cuộc sống của người dân không thay đổi, đường cứ tắc, nhà cứ ngập. Đô thị sáng tạo là nơi đầu tiên để TP.HCM chứng minh là sẽ giải quyết bằng được những vấn đề nhức nhối thông qua giải pháp công nghệ.

Ví dụ thành phố sẽ sớm có tuyến metro đầu tiên nhưng metro chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu như từ mỗi căn nhà kết nối với metro dễ dàng. Tuy nhiên, nhìn vào hệ thống hạ tầng TP.HCM hiện nay sẽ thấy đây là bài toán không dễ giải, kể cả với hệ thống xe bus. Bởi xe bus sẽ vận hành hiệu quả hơn trong một đô thị mà hệ thống hạ tầng, đường xá tương đối được kết nối như trung tâm hiện hữu. Nhưng ở những khu vực phía ngoài như quận 9, Thủ Đức, hệ thống đường rất đứt đoạn, phân mảnh. Do đó phải đưa ra giải pháp sử dụng phương tiện giao thông công cộng dựa trên nhu cầu.

Tức là có app có thể cài đặt được là bạn sẽ đi làm và trở về vào khoảng thời gian nào, bạn có thể có xe đón ở điểm gần nhà để chở đến nhà ga. Mỗi cụm dân cư, mỗi phường trong quận sẽ có một hệ thống giao thông công cộng ở phần lõi và sẽ dùng xe công nghệ/xe bus dịch vụ để đưa người dân đến các điểm nhà ga thay vì dùng xe bus truyền thống. Đó có thể là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông của thành phố, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

PV: Từ đầu những năm 2000, khi xây dựng Khu CNC và Đại học quốc gia (ĐHQG), TP.HCM đã có ý tưởng xây dựng 2 nơi này và khu công viên văn hóa lịch sử, sau đó với tầm nhìn rộng hơn là quy hoạch cả 3 quận gồm quận 2, 9 và Thủ Đức phía Đông TP, cùng với quy hoạch xây dựng Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, hình thành đô thị văn minh hiện đại nằm trên bờ sông Đồng Nai và Sài Gòn. Song đến nay ý tưởng trên vẫn chưa thành hiện thực. Theo ông lý do vì sao? Và từ đó rút ra bài học gì cho việc xây dựng đô thị sáng tạo trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Đỗ Dũng: Khu CNC và ĐHQG đúng là rất gần nhau nhưng lại không có sự kết nối. Và ở đó thiếu 4 yếu tố - cũng chính là những chiến lược mà chúng tôi đề xuất với thành phố khi thực hiện đề án đô thị sáng tạo.

Thứ nhất là kết nối để tạo cơ hội mới: Khu vực mà bạn vừa nói đến hoàn toàn bị chia cắt, thiếu sự kết nối với nhau kể cả về mặt không gian và mặt tổ chức. Về mặt địa lý, bị chia cắt bởi những tuyến đường rất rộng, những ngã tư khổng lồ. Về mặt tổ chức, có rất ít tương tác, sự hợp tác, nghiên cứu giữa các giáo sư trong trường đại học với các doanh nghiêp làm công nghệ ở khu CNC. Vì thế, yếu tố quan trọng là kết nối để tạo cơ hội mới. Chúng ta có rất nhiều hạt mầm của sự sáng tạo, của nghiên cứu nhưng lại không có sự kết nối nên giống như mỗi người chỉ nhìn thấy một góc của của con voi nhưng lại không ai hình dung được tổng thể của con voi.

Thứ hai là sáng tạo ở mọi nơi. Chúng ta thường nghĩ sáng tạo chỉ thuộc về số ít cá nhân vượt trội nhưng bản chất của sự sáng tạo và bản chất của cộng đồng khởi nghiệp lại không diễn ra đơn thuần trong ĐHQG hay trong khu công nghệ cao mà đôi khi có thể diễn ra ở trong những căn nhà phố, giống như câu chuyện của Steven Job hay Bill Gates - họ bắt đầu khởi nghiệp nơi garage của nhà mình.

Ở TP.HCM, người ta có thể khởi nghiệp ở khu Thảo Điền, nơi có rất nhiều công ty mới start-up, các công ty nghiên cứu, các studio nghệ thuật, hay trong những căn nhà phố bình thường. Đó đều là những phần của đô thị sáng tạo mà có thể chúng ta đã “quên” mất , thay vào đó lại chỉ tập trung ở nơi mang tính tổ chức, nặng chức năng nhà nước, ví dụ như ĐHQG.

Vì thế, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh trong chiến lược là sự sáng tạo nằm ở mọi nơi. Chúng ta liên kết tạo ra cơ hội mới thì phải tạo ra được hệ sinh thái cho sự sáng tạo. Có người làm về công nghệ thì phải có nơi chuyển công nghệ ấy thành một sản phẩm thương mại.

 

Thứ ba là toàn cầu hóa đậm chất địa phương. Bản chất nền kinh tế số hay công nghệ 4.0 dựa trên sự thành công của nhân lực – đây là yếu tố quan trọng hơn hết thảy. Chúng tôi đưa ra chiến lược toàn cầu hóa đậm chất địa phương vì muốn tạo ra thành phố có môi trường sinh sống hấp dẫn để thu hút được nhân lực toàn cầu, những chuyên gia hàng đầu đến TP.HCM. Muốn thế, phải có một môi trường sống theo tiêu chuẩn: Xanh, an toàn và thân thiện với con người.

Đồng thời TP.HCM muốn cạnh tranh nhân lực với những thành phố khác như Singapore, Bangkok… thì phải có đặc trưng riêng. Chúng ta có những tiêu chuẩn của một đô thị quốc tế nhưng phải có được nét đặc trưng của thành phố địa phương. Toàn cầu hóa đậm chất địa phương để thu hút được nhân tài và dựa trên đặc trưng của địa phương.

Đô thị sáng tạo không phải là một sản phẩm nhập khẩu ở nước ngoài, nó phải bắt nguồn từ sự kết nối với quá khứ, kết nối với những truyền thống, văn hóa đậm chất Sài Gòn. Mà một trong những “đặc sản” của mảnh đất này là một thành phố rất cởi mở, năng động, con người thân thiện và sẵn sàng đón nhận những cái mới.

Điểm cuối cùng là thích ứng để bền vững. Tức là phải tạo ra một đô thị sáng tạo phù hợp với cảnh quan môi trường. Bởi TP.HCM đang là điểm nóng so với các thành phố khác trên thế giới về biến đổi khí hậu. Việc xây dựng đô thị sáng tạo phải phù hợp với bối cảnh: Nước biển dâng cao, rủi ro ngập lụt lớn, và trong đề án chúng tôi đã đưa ra những giải pháp cụ thể để phù hợp với từng bối cảnh. Ví dụ như phát triển các không gian xanh, du lịch sinh thái hay nông nghiệp công nghệ cao…

Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân chính khiến tầm nhìn trước đây về khu đô thị sáng tạo chưa thể hoàn thành vì thiếu 4 yếu tố trên. Ngắn gọn thì đó là thiếu sự kết nối, thiếu đi môi trường thuận lợi, chỉ tập trung sự sáng tạo vào các tổ chức mang tính chất hành chính hoặc chức năng mà Nhà nước giao phó chứ không dựa vào xã hội và cộng đồng, không đủ tính hấp dẫn để thu hút nhân lực và nhân tài. Đồng thời sự phát triển đôi lúc gây ra các ảnh hưởng tới môi trường chứ chưa thực sự thân thiện và thích ứng.

PV: Vâng, rõ ràng việc xây dựng một đô thị sáng tạo không đơn thuần chỉ dựa vào ý chí. Để thành công phải có những nền tảng nhất định. Theo ông, đến thời điểm hiện tại, khu Đông TP.HCM đã có những nền tảng gì để thực hiện đô thị sáng tạo?

Ông Nguyễn Đỗ Dũng: Khi thành phố chọn khu Đông tức là chính quyền đã nhìn ra được rất nhiều tiềm năng hiện hữu. Theo tôi, TP.HCM đã có những nền tảng nổi bật sau:

Thứ nhất, là hệ sinh thái sáng tạo sẵn có. Khu ĐHQG và khu CNC với nhiều trường ĐH và công ty sản xuất công nghệ cao, ngoài ra khu vực Thảo Điền là nơi tập trung rất nhiều người sáng tạo ở TP.HCM. Sáng tạo ở đây không đơn thuần là những người ngồi trước màn hình máy tính, sáng tạo có thể là nghệ sỹ về mỹ thuật, tạo hình, kiến trúc... Tôi nghĩ Thảo Điền là một địa điểm thú vị. Khu vực Thủ Thiêm - trung tâm tài chính tương lai của TP.HCM - cũng là một điểm sáng tạo khi áp dụng những công nghệ mới về tài chính.

Điểm thứ 2 là quỹ đất: TP.HCM có lượng quỹ đất mà thành phố có vai trò kiểm soát lớn, quỹ đất ở Thủ Thiêm còn nhiều, cảng Trường Thọ cũng là khu vực rất hay, đất do thành phố cho thuê hoàn toàn có thể chuyển thành trung tâm sáng tạo mới, rồi đi xa hơn về phía khu CNC là nơi sẽ xây dựng công viên khoa học số 2 của TP.HCM cũng là nơi quỹ đất còn lớn.

Yếu tố tứ 3 là hạ tầng. Đây là nơi tập trung nhiều đầu tư hạ tầng, tuyến đường Metro số 1 chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây, những dự án hạ tầng tương lai như trung tâm thể thao Rạch Chiếc… Chúng ta muốn sáng tạo chúng ta phải có tiện ích, phải thu hút được nhân tài và thu hút được con người đến đây sinh sống và làm việc.

Yếu tố thứ 4 mà TP.HCM có thể tạo ra và cũng là điểm mấu chốt phải tạo ra đó chính là cơ chế, chính sách phù hợp. Một dự án lớn muốn thành công thì phải có một tổ chức chịu trách nhiệm đứng đầu, ví dụ nếu 3 quận là 3 người đứng đầu thì cũng sẽ khó khi kết hợp tổ chức thực hiện. Tạo ra một đơn vị hành chính để trực tiếp quản lý dự án này thì tôi nghĩ sẽ khả thi hơn. 

PV: Vậy đâu là khó khăn lớn nhất mà TP.HCM phải giải quyết khi hiện thực hoá Đô thị sáng tạo, liệu có phải là vấn đề tài chính?

Ông Nguyễn Đỗ Dũng: Tôi nghĩ, khó khăn lớn nhất của TP.HCM khi thực hiện đề án đô thị sáng tạo không phải là tiền. Vì tiền nằm ở cơ hội, mà có cơ hội tức là có thể tạo ra nguồn tiền.

Điều cần nhất ở thành phố chính là tạo ra một sân chơi đủ hấp dẫn để mọi người muốn chơi, tức là phải có thể chế và chính sách tốt để doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là với 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố. Câu chuyện ở đây là thành phố phải trao cơ hội cho các doanh nghiệp một cách công bằng qua hình thức đấu thầu hay các cuộc thi tuyển. Những doanh nghiệp có năng lực đều có cơ hội tham gia thay vì chỉ lựa chọn các đơn vị quốc tế hay những doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp “sân sau”.

PV: Để đô thị sáng tạo từ bản vẽ thành hiện thực sống động, điều quan trọng nhất vẫn chính là con người. Tức là người dân phải trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng. Và suy cho cùng, mọi hình thức xây dựng cũng là để đưa nơi đó trở thành nơi đáng sống. Ông đã nghiên cứu, khảo sát yếu tố này và có những giải pháp cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Đỗ Dũng: Đúng vậy, đây cũng là vấn đề mà TP.HCM quan tâm đặc biệt. Khi xây dựng một đô thị sáng tạo, làm gì để có sự tham gia của người dân. Người dân sẽ tham gia vào đề án này chứ không phải là người đứng ngoài cuộc chơi.Đây cũng chính là yếu tố quan trọng mà chúng tôi đề cập đến.

Theo tôi, việc đầu tiên là nuôi dưỡng một xã hội văn minh, mọi công dân có trách nhiệm với cộng đồng. Ví dụ như ra đường ai đó thấy một cột điện đổ, sẽ chụp hình lại gửi cho chính quyền để phản ánh. Đây là trách nhiệm của người dân, thông tin cho chính quyền những vấn đề của xã hội để có sự xử lý kịp thời, chỗ nào đường ngập, đường tắc... Nếu tất cả cùng thông tin thì sẽ tạo thành mạng lưới thông tin và tất cả người dân đều được hưởng lợi, giảm thiểu những rủi ro. Nền kinh tế số hay đô thị sáng tạo, đô thị thông minh thì cũng cần bắt đầu từ những hành động rất đơn giản như vậy.

 

Điểm thứ hai là việc là thu hút công dân thông minh, thu hút nhân tài. Chúng ta muốn xây dựng nền kinh tế mới, tạo ra các trung tâm sáng tạo thì phải dựa vào con người. Việc quan trọng nhất của quy hoạch là tạo ra môi trường để làm việc và sống tốt hơn. Như vậy khi thu hút được con người thì mới nói đến chuyện khai thác nguồn lực và gắn kết cộng đồng.

Điểm thứ ba là xây dựng lực lượng lao động hiện đại. Nói đến kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 thì người thực hiện chính là người dân. Chúng ta cần có một chiến lược đào tạo, qua đó góp phần tạo dựng lực lượng lao động công nghệ cao mà họ sẽ tham gia vào quá trình xây dựng đô thị sáng tạo.

Điểm cuối cùng theo tôi nằm chính khẩu hiệu tuyệt vời mà thành phố đang có: “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Suy cho cùng, chúng ta thu hút con người để tạo ra một cộng đồng đáng sống. Mà cộng đồng đáng sống bắt đầu từ việc người ta tin nhau, yêu thương nhau. Công nghệ có thể giúp chúng ta chuyện đó. Kết nối con người để tạo ra sự hiểu biết, sự đồng cảm và giảm thiểu các mâu thuẫn. Việc con người sống tình nghĩa là một bước quan trọng để tạo ra đô thị sáng tạo.

Sự tham gia của cộng đồng khi xây dựng đô thị sáng tạo không chỉ giới hạn ở việc cộng đồng nêu ý kiến, quan điểm mà bao gồm việc tạo ra một cộng đồng mà những con người có đủ năng lực để đưa ra ý kiến tham gia cùng Nhà nước xây dựng nơi chốn sinh sống của mình.

Xin cảm ơn ông!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top