Aa

Đô thị thông minh là gì?

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Bảy, 02/12/2017 - 06:01

Đô thị thông minh dường như là một khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của nhiều người, với chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, một lãnh đạo doanh nghiệp hay nhà văn, sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau, khó có thể có một định nghĩa chính xác hoàn toàn.

Thời gian gần đây, cụm từ “đô thị thông minh” được nhắc đến nhiều trong định hướng phát triển đô thị ở một số thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…

Thế nào là một đô thị thông minh? Câu hỏi hoàn toàn tự nhiên này không dễ có câu trả lời chuẩn xác, dù thuật ngữ “đô thị thông minh” đã trở nên phổ biến khi nhiều thành phố lớn trên thế giới tìm cách áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sống của cư dân, trước áp lực đô thị phát triển quá nhanh trong những năm gần đây.

“Đô thị thông minh” là một khái niệm rộng, đôi khi khó mường tượng cho rạch ròi làm băn khoăn không ít người dân, bởi một phần tiền thuế họ đóng được dùng để chi trả cho các dự án thông minh.

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các vị khách mời: TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố Hà Nội; TS. Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinaconex R&D; ông Nguyễn Đỗ Dũng – chuyên gia quy hoạch và quản lý đô thị Singapore; ông Đoàn Hiếu Minh – Chủ tịch HĐQT Công ty Regal Motor Cars, đơn vị phân phối Rolls-Royce chính hãng duy nhất tại Việt Nam và nhà văn Tạ Duy Anh.

Thiết kế: Thế Công

Thiết kế: Thế Công

PV: "Smart city" trở thành xu hướng phát triển ở nhiều đô thị trên thế giới. Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã bắt đầu tiếp cận với các đề án đô thị thông minh. TS. Hoàng Hữu Phê có thể cắt nghĩa khái niệm này?

TS. Hoàng Hữu Phê: Mới đây nhất, trên thế giới người ta hay nói về “smart city”, còn ở Việt Nam thường hay dùng tên gọi “thành phố thông minh” (intelligent city). Tuy vậy, tôi tin là phần lớn mọi người vẫn coi “smart city” có thể dịch ra tiếng Việt là “thành phố thông minh”.

Thực ra, tính từ “ smart”, nếu dịch thật kỹ càng, phải là “khôn ngoan” mới hết nghĩa. Dù sao thì cả hai thuật ngữ này thường được sử dụng để chỉ các khái niệm về cơ bản là tương tự hoặc có liên hệ gần gũi.

Sau đây chúng ta sẽ nói về thành phố thông minh (intelligent city) và thành phố khôn ngoan (smart city).

Thành phố thông minh được hiểu như một thành phố nhấn mạnh chức năng nghiên cứu khoa học và đổi mới kiến thức/công nghệ, với khả năng sáng tạo được coi như là nguồn lực chủ yếu. Để đạt được mục đích này, hệ thống công nghệ IT phục vụ mọi lĩnh vực hoạt động của thành phố phải có bước chuyển vượt bậc về chất, với các dịch vụ web toàn cầu được đặt ở vị trí trung tâm.

Thành phố khôn ngoan là nơi sử dụng công nghệ IT tiên tiến để biến các thành tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quản lý hành chính, dịch vụ và chất lượng sống trở nên thông minh, kết nối toàn diện và hiệu quả hơn. Đặc điểm quan trọng của “thành phố khôn ngoan” là việc khai thác/sử dụng tối đa thông tin điện tử về mọi hoạt động đô thị thông qua hệ thống cảm biến các loại.

Yếu tố cốt lõi của thành phố thông minh/thành phố khôn ngoan là khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến để phục vụ cư dân đô thị. Nếu thành phố thông minh dựa chủ yếu vào các dịch vụ internet, thì thành phố khôn ngoan được đặc trưng bằng việc xử lý hiệu quả các thông tin cung cấp bởi hệ thống cảm biến (sensors).

Thành phố Bollywood (Ấn Độ) phát triển theo mô hình đô thị thông minh.

Thành phố Bollywood (Ấn Độ) phát triển theo mô hình đô thị thông minh.

PV: TS. Hoàng Hữu Phê vừa đem đến một cái nhìn rất khái quát và đặc trưng về thuật ngữ “smart city” đang được các quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Từng là kiến trúc sư trưởng của TP. Hà Nội và cũng là người dày công nghiên cứu về quy hoạch đô thị, theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, một đô thị thông minh là đô thị như thế nào?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Trong vài thập niên gần đây, để khắc phục tình trạng phát triển đô thị tràn lan, bảo vệ môi trường và lấy con người làm trọng tâm, thế giới đã hình thành trào lưu xây dựng đô thị thông minh.

Đô thị thông minh là đô thị có không gian bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại để mang lại cho người dân môi trường sống an toàn, tiết kiệm.

Để đô thị thông minh trở thành hiện thực, không chỉ sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn phải kết hợp với quy hoạch thông minh để tạo nên không gian đô thị bền vững. 

Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại đến mấy, thiết bị có thông minh đến đâu, được đầu tư bài bản và cặn kẽ bao nhiêu đi nữa nhưng người dân thiếu ý thức pháp luật, ý thức văn hóa, ý thức xây dựng - tức là trình độ văn minh còn thấp - thì quá trình tiện ích mà công nghệ đem lại có thể trở thành con dao hai lưỡi.

Nhà văn Tạ Duy Anh

Một đô thị thông minh phải hội tụ đủ: kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hoá, lao động việc làm, phân phối...), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng là quản lý thông minh.

Hiện nay, chúng ta mới đang nói nhiều và tập trung vào vấn đề quản lý thông minh, muốn làm được điều này thì phải có những yêu cầu mới. Điều trước hết là chính quyền phải tạo ra một thể chế quản lý thông minh. Tôi ví dụ, chúng ta đang được trải nghiệm và thụ hưởng thành tựu công nghệ internet, một ngày có vô vàn những thông tin được tung ra, trong đó có cả những thông tin ảo, thông tin sai sự thật, nhưng nếu không có cơ chế để quản lý, kiểm duyệt và tỉnh táo tiếp nhận thì sẽ bị rơi vào chính "ma trận" công nghệ. Vì thế, trước hết cần phải xây dựng được một không gian sống thông minh với những con người thông minh.

PV: Có vẻ như khái niệm đô thị thông minh là một cụm từ bao hàm rất nhiều thứ rộng lớn, không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ. Dưới góc nhìn của một nhà văn, theo ông Tạ Duy Anh, đô thị thông minh là gì?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Đúng là định nghĩa về đô thị thông minh dường như chưa có điểm kết, ít nhất là qua khoảng 10 quan điểm mà tôi tham khảo. Nhưng có một điểm chung là gắn với công nghệ. Tôi cũng thử xin đưa ra định nghĩ của riêng mình: Đó là đô thị sử dụng công nghệ để giảm thiểu sức người nhưng lại có khả năng cung cấp tức khắc, chính xác, công bằng những dịch vụ công, đáp ứng tốt nhất những nhu cầu chính đáng hàng ngày của người dân một cách tiết kiệm, thuận lợi, minh bạch, nhanh chóng và thú vị hơn.

Nếu tìm hiểu một số đô thị thông minh trên thế giới, thì chúng ta sẽ thấy một đô thị thông minh đôi khi chỉ cần một dịch vụ nào đó mà cư dân ở đấy muốn nó thông minh. Chẳng hạn như thành phố Kansas ở bang Missouri (Mỹ) muốn nhanh chóng tạo ra khu tập trung cho các công ty công nghệ khởi nghiệp dọc theo một tuyến xe điện 2,2 dặm xây mới. Và họ ưu tiên lắp đặt nhiều loại cảm biến giám sát để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đèn đường LED. Như vậy, mẫu số chung, trở thành điều kiện nền tảng của một đô thị thông minh vẫn phải là dựa trên công nghệ.

Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại đến mấy, thiết bị có thông minh đến đâu, được đầu tư bài bản và cặn kẽ bao nhiêu đi nữa nhưng người dân thiếu ý thức pháp luật, ý thức văn hóa, ý thức xây dựng - tức là trình độ văn minh còn thấp - thì quá trình tiện ích mà công nghệ đem lại có thể trở thành con dao hai lưỡi.

Với tôi, xây dựng đô thị thông minh là để người dân sinh sống tại đó không còn thấy căng thẳng về tâm lý mỗi khi cần đáp ứng nhu cầu gì đó, không còn lo lắng khi ra khỏi nhà, tin tưởng khi sử dụng các loại dịch vụ, trong khi khách du lịch, các đối tác thương mại được cảm thấy tiện lợi và dễ hòa nhập như đang ở chính đất nước của họ.

Và ý chí của con người là quyết định cuối cùng. Bản thân thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” - thứ “vật liệu” cốt lõi làm nên một thành phố thông minh - đã nêu bật vai trò chủ đạo, vai trò không thể thay thế của con người. Con người tạo ra các thiết bị thông minh và điều hành nó theo ý muốn, chứ không thể có quá trình ngược lại, dù công nghệ có đi xa đến đâu.

TP.HCM kỳ vọng phát triển vượt bậc khi triển khai xây dựng TP thông minh. Nguồn ảnh: Nguyễn Văn Hải/Báo Thanh niên

TP.HCM kỳ vọng phát triển vượt bậc khi triển khai xây dựng TP thông minh. Nguồn ảnh: Nguyễn Văn Hải/Báo Thanh niên

PV: Khi nói về đề án đô thị thông minh mà TP.HCM đang xây dựng, những người đứng đầu thành phố này đã cho biết sẽ hướng tới 4 chủ thể, một trong số đó chính là doanh nghiệp. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Hiếu Minh mong muốn một đô thị thông minh sẽ là đô thị như thế nào?

Ông Đoàn Hiếu Minh: TP.HCM mấy hôm nay đang xôn xao vụ việc trẻ em bị bạo hành ở một trường mầm non. Theo dõi thông tin về sự việc, tôi thấy đây là điều rất đáng buồn, và một thành phố quyết tâm xây dựng đô thị thông minh thì không thể xảy ra chuyện này.

Một thành phố thông minh không chỉ là thành phố phủ sóng toàn bộ tiện ích mà là thành phố có sự nhân văn. Và vì thế, trẻ em cần có một nên giáo dục thông minh, giàu tình yêu thương để lúc nào cũng nhìn thấy các cháu có tiếng cười.

Với tư cách người dân, tôi nghĩ và mong muốn đơn giản, đô thị thông minh phải là nơi đáng sống, là thành phố nhân văn và nâng cao giá trị con người. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, nếu việc ứng dụng công nghệ có thể giúp chúng tôi tương tác với chính quyền một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn thì đó là điều rất tuyệt vời.

PV: Mới đây, viện Brookings vừa công bố Báo cáo xếp hạng các thành phố toàn cầu về đổi mới an toàn công cộng, trong đó Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng thành phố thông minh an toàn nhất. Từ những kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị ở Singapore, ông có thể cắt nghĩa, đô thị thông minh là gì? Và chúng ta có thể áp dụng khái niệm của Singapre vào TP.HCM của Việt Nam?

Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng: Thành phố thông minh là công cụ để giúp chính quyền vượt qua một số thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Thách thức mỗi nơi mỗi khác. Ở TP.HCM là tắc nghẽn giao thông và ngập lụt. Tại Singapore là ô nhiễm không khí do đốt rừng ở Indonesia và sự già đi của dân số khiến cho hệ thống y tế phải chuyển đổi để phù hợp. Do đó, đô thị thông minh ở TP.HCM sẽ rất khác với Singapore.

Không thành phố nào trên thế giới có thể lắp đặt camera ở tất cả mọi ngõ ngách và điện tử hóa mọi công trình hạ tầng. Để “tai mắt” của chính quyền có thể bao trùm cả thành phố, chính quyền phải dựa vào người dân

Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng

Khái niệm đô thị thông minh rất rộng, mỗi thành phố có những mục tiêu, cách tiếp cận và cách làm khác nhau. Ví dụ như TP Rio de Janeiro ở Brazil chỉ tập trung vào theo dõi các hoạt động trong TP thông qua 900 camera và thông tin thời tiết để phản ứng kịp thời trước các rủi ro về giao thông, môi trường, ngập lụt. Singapore thì muốn tiến một bước xa hơn, đô thị thông minh không chỉ là một mạng lưới các camera và sensor (cảm biến) mà còn là dịch vụ công phục vụ trực tiếp người dân.

Câu hỏi đặt ra là TP.HCM sẽ xây dựng thành phố thông minh để giải quyết vấn đề gì và xây dựng năng lực của mô hình này đến mức độ nào? 

Theo tôi, để xác định mục tiêu và sắp xếp lộ trình thực hiện, TP.HCM nên khảo sát ý kiến các đối tượng được thụ hưởng cụ thể từ việc phát triển đô thị thông minh. Ví dụ, nếu thành phố đặt mục tiêu tập trung vào phục vụ dân thì hỏi vấn đề họ quan tâm nhất hiện nay là gì. Có thể đó là một số vấn đề “nóng”, ví dụ như dịch vụ hành chính vẫn “hành là chính”, hoặc vấn đề ngập lụt, kẹt xe… Chính người dân sẽ đưa ra câu trả lời xác thực về vấn đề cần tập trung giải quyết là gì. Từ đó thành phố có thể xây dựng mục tiêu và tìm giải pháp công nghệ có thể giải quyết ngay các lực cản phát triển của mình.

Công nghệ chỉ là nền tảng, cốt lõi của thành phố thông minh vẫn là con người. Xây dựng đô thị thông minh là tạo ra kết nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Kể cả khi quan hệ giữa ba đối tác này chỉ là quan hệ một chiều, tức là thành phố thu thập thông tin và cung cấp dịch vụ tới doanh nghiệp và người dân, thì sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vẫn vô cùng quan trọng.

Nếu không có người cung cấp thông tin, mô hình đô thị thông minh sẽ trở thành vô dụng. Không thành phố nào trên thế giới có thể lắp đặt camera ở tất cả mọi ngõ ngách và điện tử hóa mọi công trình hạ tầng. Để “tai mắt” của chính quyền có thể bao trùm cả thành phố, chính quyền phải dựa vào người dân.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc đối thoại!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top