Cùng với sự phát triển ấn tượng về kinh tế là tốc độ tăng cao của nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Theo Viện Nghiên cứu năng lượng (Bộ Công Thương), nhu cầu năng lượng tăng trung bình 15% và dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trung bình 18% giai đoạn 2010 - 2030, với sự phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào nguồn tài nguyên không tái tạo là than (42%) và dầu - khí (23%) để sản xuất điện năng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Và, nếu vẫn dựa vào tài nguyên không tái tạo thì từ một nước xuất khẩu các tài nguyên hóa thạch dạng rắn và lỏng như hiện nay, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu than, dầu và khí đốt chỉ trong vài thập kỷ tới.
Bên cạnh những tác động tích cực, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng thể kèm theo những thách thức đáng kể đối với phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt là hướng tới xây dựng các đô thị phát triển bền vững - Đô thị xanh.
Ngay trong quá trình hình thành các đô thị mới, xây dựng các cao ốc mới, việc đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ít gây ô nhiễm môi trường nhất là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, nếu không có chính sách phù hợp theo hướng lựa chọn nhập khẩu công nghệ sạch, công nghệ sử dụng ít năng lượng thì Việt Nam sẽ có nguy cơ trở thành nơi tiếp nhận công nghệ sử dụng nhiều năng lượng, công nghệ “bẩn” mà các nước khác không còn hoặc cấm sử dụng tại nước họ.
Ngoài ra, do sự thay đổi về thói quen tiêu dùng và những quy định ngày càng khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trên thế giới khiến cho hàng hóa Việt Nam có thể gặp trở ngại khi xuất khẩu sang các nước phát triển, nơi có các quy định được đặt ra hết sức ngặt nghèo về mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vịsản phẩm, mức thải các bon đối với một đơn vị sản phẩm xuất khẩu tại nước sở tại…
Không chỉ có vậy, khi các đô thị ngày càng phát triển, kéo theo đó là sự mất dần của những cánh rừng - lá phổi của trái đất. Các báo cáo khoa học cho thấy, hiện nay, sinh kế của 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng. Nhưng, tình trạng phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động.
Hàng năm, 13 triệu héc-ta rừng bị phá hủy, tương đương với diện tích của đất nước Bồ Đào Nha. Các khoản đầu tư phục vụ cho những lợi ích ngắn hạn (ví dụ như việc khai thác gỗ) sẽ góp phần gây ra những tổn thất lớn. Kéo theo đó, nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đa dạng sinh học đang bị suy giảm trầm trọng. Trên thế giới là vậy. Còn với Việt Nam? Điểm lại xem, bây giờ chúng ta còn bao nhiêu rừng nguyên sinh?
Rõ ràng, hướng tới xây dựng các đô thị xanh, phát triển các-bon thấp sẽ là một xu thế tất yếu trên thế giới trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống có thể khai thác dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ngày một cạn kiệt, với giá cả biến động thất thường. Đối với Việt Nam, để xây dựng một nền kinh tế xanh, trước hết cần xây dựng “ý thức xanh” trong cộng đồng, tiêu dùng các sản phẩm xanh, cần phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và ít ô nhiễm để bổ sung nguồn năng lượng truyền thống hiện đang khai thác.