Hiện nay, các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội đang bước vào giai đoạn đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ. Thể hiện rõ nhất chính là các công trình xây dựng xuất hiện ngày càng dày đặc. Để thực hiện được các dự án buộc chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng, phá bỏ những công trình cũ. Tuy nhiên phần lớn chất thải rắn xây dựng sau khi giải phóng mặt bằng lại chưa được phân loại, xử lý kịp thời hoặc nếu có thì cũng chưa đạt hiệu quả.
Ước tính mỗi ngày, Hà Nội phát sinh khoảng 2.000 tấn rác thải rắn xây dựng, đó là chưa kể phát sinh từ những dự án giao thông, xây dựng trong dân sinh. Trong khi đó, thành phố hiện có rất ít bãi đổ chất thải rắn xây dựng là Nguyên Kê, Vân Nội huyện Đông Anh, Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì và Dương Liễu huyện Hoài Đức… không đủ để tiếp nhận khối lượng chất thải rắn xây dựng ngày càng tăng. Nhiều chủ đầu tư các công trình xây dựng đã tìm mọi cách đổ trộm trên đường, các khu đất trống, quanh tường vây các dự án, thậm chí là những dự án bỏ hoang, chậm triển khai.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nhung - nguời chuyên thu gom phế liệu quanh khu dân cư VOV Mễ Trì cho biết: Cứ vài ba hôm lại có thêm một đống phế liệu xây dựng đủ các loại như giấy, vỏ bao, nhựa, nhôm kính,… Chủ yếu là các hộ dân cư ở đây xây sửa nhà rồi đêm họ mang ra đây đổ. Vì đây cũng là chỗ tập hợp rác sinh hoạt của cả khu nên cứ thấy rác là họ đổ ra thôi. Trong khi đó toàn gạch vữa nặng mà nhiều như thế này nhân viên vệ sinh cũng chẳng ai dọn. Nên cứ càng ngày càng chất đống.
Mặc dù vấn đề rác thải luôn là một vấn đề lớn đối với môi trường tại các khu đô thị, đặc biệt là rác thải rắn trong xây dựng. Tuy nhiên, việc phân loại, thu gom, vận chuyển đang thiếu các quy định cụ thể, khi quy định còn khá chung chung, chưa quy trách nhiệm cho ai trong vấn đề thải rác xây dựng. Vì vậy, tình trạng đổ trộm, đổ bừa rác thải xây dựng tại một số nơi diễn ra thường xuyên. Về phía người dân xây dựng nhà ở, họ chỉ biết thuê đội ngũ vận chuyển phế liệu xây dựng đến chở, còn đường đi của nguồn thải này họ cũng chẳng quan tâm. Trong khi đó, đây là nguồn phát thải chính và các chế tài xử phạt còn nhiều kẽ hở, dẫn đến tình trạng lộn xộn. Mặt khác, những công trình lớn của các doanh nghiệp xây dựng đều ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển, nhưng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ nên vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống.
“Hiện nay khắp các tuyến phố Hà Nội không khó để bắt gặp rác thải do xây dựng thải xây dựng, thậm chí lẫn lộn cùng rác sinh hoạt. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sống của người dân mà còn làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người tham gia giao thông” - TS.KTS Phạm Anh Tuấn – Chuyên gia Kiến trúc cảnh quan đô thị, Đại học Xây dựng nhận định.
Một vấn đề quan trọng khác là xử lý chất thải rắn trong xây dựng. Hiện nay công tác xử lý chủ yếu là chôn lấp. Điều này đòi hỏi có những bãi chôn lấp lớn, tốn diện tích, chưa kể, chất thải xây dựng rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Chỉ tính riêng Hà Nội, thành phố đã quy hoạch khoảng 10 khu chôn lấp rác thải xây dựng, tuy nhiên với tốc độ và mật độ xây dựng chóng mặt như hiện nay thì liệu trong tương lai các khu bãi này có còn chỗ chứa? Trong khi đó, khả năng tái chế rác thải xây dựng tại nước ta hiện nay gần như bằng không.
Trước thực trạng nhức nhối về vấn đề rác thải xây dựng diễn ra nhiều năm nay, thành phố cũng như Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Thông tư về vần đề quản lý rác thải xây dựng cụ thể từ việc phân loại thành các nhóm khác nhau như: chất thải rắn có khả năng tái chế được; chất thải rắn có thể được tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác; chất thải không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp, đồng thời vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường cũng được nêu rõ.Tuy nhiên, sau nhiều năm tình trạng rác thải xây dựng bừa bãi trên các tuyến đường, quanh dự án hay các khu đất trống vẫn diễn ra ngày càng nhiều.
“Để giảm thiểu và chấm dứt tình trạng trên, cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn trong vấn đề này, rác thải xây dựng cần được xử lý theo đúng quy trình ngay từ đầu nguồn và cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ. Phải đưa ra những chế tài xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm” - TS.KTS Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hồng Hạnh