UBND TP. Hà Nội vừa gửi tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. UBND TP hướng tới đô thị Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Cũng theo tờ trình, đô thị Hòa Lạc có quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 17.274ha, trong đó, vùng nội thị khoảng 7.450,08 ha (chiếm 43,1%), chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 88,7m2/người và vùng vành đai khoảng 9.823,92 ha (chiếm 56,9%).
Quy mô dân số dự kiến đến năm 2025 dân số đô thị Hòa Lạc khoảng 150.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 97.000 người, dân số ngoại thị khoảng 53.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 64%.
Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, dân số đô thị Hòa Lạc (tối đa) khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 510.000 người, dân số ngoại thị khoảng 90.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Đáng chú ý, trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc có tổng số 75 dự án đầu tư xây dựng do tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây (cũ) trước đây phê duyệt như: Khu vực Đại học quốc gia Hà Nội diện tích khoảng 1140,42ha; dân số khoảng 63.000 người; Khu vực khu công nghệ cao diện tích khoảng 1346,99ha, dân số khoảng 100.000 người;
Khu vực đô thị diện tích khoảng 3.400,73ha, dân số khoảng 242.000 người; Khu đô thị Đông Xuân - Tiến Xuân quy mô khoảng 1.250ha; Khu vực đô thị Phú Cát - Hòa Thạch diện tích khoảng 970,2 ha, dân số khoảng 103.000 người; Khu vực nông diện tích khoảng 4.891,73ha, dân số khoảng 65.000 người…
Trong những năm tới, khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư trong dài hạn bởi dự án được hậu thuẫn bởi những nhân tố tích cực là đòn bẩy tiềm năng cho phát triển bền vững.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh quỹ đất nội đô hiện hạn hẹp thì giải pháp phát triển khu đô thị vệ tinh đang được xem là lời giải cho bài toán quỹ đất của thị trường bất động sản.
Bên cạnh ưu điểm về vị trí và tiện ích thì sống tại các đô thị trung tâm thành phố, hàng ngày người dân phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: kẹt xe, ô nhiễm, ngập nước, stress…Hơn nữa, thành phố chật chội, thiếu không gian vui chơi cho con cái, thư giãn cho bản thân và cũng không phải là nơi lý tưởng để an dưỡng khi lớn tuổi. Với cùng mức đầu tư như vậy, các gia đình hoàn toàn có thể sở hữu một nền biệt thự với diện tích 400m2 – 50m2 hoặc căn nhà phố có diện tích 100 m2 tại các khu đô thị vệ tinh.
Nắm bắt được xu hướng này, những tên tuổi lớn như Nam Cường, Hải Phát, Vingroup... đã đẩy nhanh thực hiện các dự án cao ốc và biệt thự, nhà phố và với tiến độ xây dựng nhanh đã góp phần thay đổi bộ mặt của cả một vùng Hà Nội.
Tương tự, trong chiến lược phát triển của TP.HCM là phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, nhằm mục tiêu góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới.
Theo nhận định từ đơn vị nghiên cứu Savills Việt Nam, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì đây là cơ hội phát triển cho các khu đô thị vệ tinh. Khi quỹ đất sạch ở trung tâm cạn kiệt thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ chạy ra các thành phố vệ tinh để tìm cơ hội. Các khu vực này có lợi thế quỹ đất còn dồi dào và giá rất rẻ để phát triển dự án. Hơn nữa, đối tượng khách hàng mà các doanh nghiệp này hướng đến là giới trẻ với tích lũy có hạn, những người chấp nhận đi xa một chút hàng ngày, thậm chí có thể di chuyển từ các tỉnh đến các thành phố lớn.