Aa

Đô thị Việt Nam tiếp tục là động lực phát triển kinh tế của cả nước

Thứ Sáu, 08/11/2019 - 06:15

Trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, đô thị hóa luôn là quá trình tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển và nâng cao trình độ nhận thức của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.

Ở Việt Nam, nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của khu vực đô thị chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu GDP cả nước. Tổng thu ngân sách khu vực đô thị chiếm trên 70% tổng thu ngân sách toàn quốc…

Vai trò động lực phát triển kinh tế

Từ những năm 1949, Hiệp hội các nhà Quy hoạch vùng và đô thị quốc tế (ISOCARP) đã công nhận đề xuất của cố GS. Carlos Maria Dello Paolero, (Đại học Buenos Aires - Argentina) lấy ngày 08/11 hàng năm là “Ngày Đô thị hóa thế giới” (World Urbanism Day) cũng được hiểu là “Ngày Quy hoạch đô thị thế giới” (World Town Planning Day). 

Tới nay, “Ngày Đô thị hóa thế giới” đã được công nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, với mục tiêu chung là để tôn vinh vai trò của công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhằm tạo nên những đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc và phát triển bền vững.

Để tôn vinh sự nghiệp quy hoạch và phát triển đô thị trên phạm vi cả nước, tạo sự quan tâm chung của toàn xã hội đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị, ngày 08/10/2008 tại Công văn số 2014/BXD-PTĐT Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 20/10/2008 về việc lấy ngày 08/11 hàng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam” (Vietnam Urban Day).

Nhìn lại chặng đường phát triển 20 năm gần đây, hệ thống đô thị nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% năm 1999 lên 38,4% năm 2018. Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. 

Mạng lưới đô thị quốc gia được phân loại, phân cấp, bao gồm: Các đô thị trung tâm cấp quốc gia; các đô thị trung tâm cấp vùng liên tỉnh; các đô thị trung tâm cấp tỉnh; các đô thị trung tâm cấp huyện; các đô thị trung tâm cụm các điểm dân cư nông thôn. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng về qui mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Qua số liệu tổng kết, đánh giá ở các địa phương cho thấy phát triển đô thị có liên hệ mật thiết với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 - 15%, cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của xã hội.

Tới nay, những kết quả phát triển đô thị đã cơ bản đạt được các mục tiêu của Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng XI, XII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020. Đô thị hóa đã từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Đồng thời là một trong những nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước. Khu vực đô thị đã đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Từng bước hướng tới phát triển đô thị bền vững

Bên cạnh các thành tựu đạt được, quá trình đô thị hóa trong giai đoạn vừa qua cũng xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống đô thị phát triển chưa hài hòa, chưa đồng bộ giữa số lượng, quy mô diện tích và chất lượng; chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn; diện tích đô thị mở rộng nhanh đã kéo theo tình trạng sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả; năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế; nguồn lực cho phát triển đô thị còn thiếu, năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa...

Kết quả phát triển đô thị đã cơ bản đạt được các mục tiêu của Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng XI, XII và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020

Nguyên nhân gây ra những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu tới từ: việc chưa đồng bộ công cụ quản lý phát triển đô thị; hệ thống lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị hiện nay chưa đáp ứng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ngoài ra, quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư. Chính sách và công cụ quản lý đất đô thị chưa phù hợp cơ chế thị trường, chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực từ đất đai. Mô hình chính quyền đô thị chưa phù hợp, tổ chức bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu và đặc trưng của đô thị... Thêm vào đó, trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu có thể khiến các tồn tại, hạn chế nêu trên trở nên khó khăn hơn.

Để khắc phục các tồn tại hạn chế, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững, Cục Phát triển đô thị đã tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ đưa một số nội dung về phát triển đô thị vào trong Chiến lược phát triển đô thị Quốc gia và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2015 như sau:

Phát triển hệ thống đô thị quốc gia theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, xanh, bền vững; Kiểm soát chặt chẽ phát triển mở rộng đô thị, thúc đẩy phát triển tại các đô thị trọng điểm tạo động lực tăng trưởng, nâng cao chất lượng sống. Đảm bảo hệ thống đô thị là một trong những động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế, xã hội của từng địa phương, các vùng và cả nước;

Nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng đô thị, phân bố hợp lý và tăng cường kết nối hệ thống đô thị theo từng vùng kinh tế - xã hội. Gắn kết chặt chẽ đô thị hóa với công nghiệp hóa và phát triển nông thôn; từng bước giảm phát thải, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu;

Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị gắn với hoàn thiện thể chế, phù hợp với các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá. Đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, theo các mô hình đô thị thông minh, xanh, bền vững, chú trọng công tác cải tạo, tái thiết khu vực đô thị hiện hữu;

Đổi mới mô hình phát triển đô thị, đặc biệt là mô hình kinh tế đô thị, mô hình chính quyền đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các đô thị theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững, có bản sắc; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao năng lực, minh bạch thông tin, dữ liệu quản lý đô thị;

Hoàn thiện hệ thống quản lý tài chính đô thị theo hướng sử dụng hợp lý các nguồn thu tại đô thị cho đầu tư phát triển đô thị, nhất là nguồn lực từ đất đai...

Năm 2019 là năm đặc biệt Cục Phát triển đô thị thực hiện kỷ niệm Ngày đô thị Việt Nam để chuẩn bị cho báo cáo tổng kết đánh giá quá trình đô thị hóa Việt Nam 2010 - 2020, và định hướng chính sách phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2030. 

Có thể nói, hơn 10 năm kể từ khi được công nhận, ý nghĩa của Ngày Đô thị Việt Nam không chỉ dành riêng cho những người tham gia trực tiếp công tác quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển đô thị mà còn nhằm động viên và thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tích cực tham gia vào công tác xây dựng và phát triển đô thị. 

Từ diễn đàn này, trên tinh thần nghề nghiệp, hợp tác và chia sẻ chúng ta có thể cùng nhau nhận biết sâu sắc hơn về các vấn đề đô thị, cùng có quyết tâm tìm ra các giải pháp để đô thị Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng có bản sắc và thân thiện với môi trường.

TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top