Nhiều quốc gia, thành phố, khi tiến tới giải quyết vấn đề về hiện tượng nắng nóng cực đoan đã gặp phải rất nhiều vấn đề rắc rối. Từ bề mặt đường, vỉa hè cho đến các tòa nhà cao ốc đều làm cho nền nhiệt ở các thành phố và đô thị tăng lên trung bình 3 đến 4 độ so với các khu vực lân cận. Các đợt nắng nóng vừa qua như thiêu đốt một nửa nước Úc. Đây là tín hiệu cảnh báo rõ ràng về việc gia tăng cường độ và tần suất của các đợt nắng nóng. Hội đồng các thành phố đang tập trung nghiêm túc vào dự án “Đảo nhiệt đô thị” để đưa ra các biện pháp cải thiện vấn đề môi trường và nhiệt độ.
Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có một lượng lớn các khu vực đảo nhiệt đô thị (khu vực đô thị có nền nhiệt cao hơn đáng kể so với các khu vực ngoại ô xung quanh). “Mức nhiệt ở các khu vực này có thể cao hơn so với nhiệt độ nóng lên của Trái Đất", tiến sĩ Melissa Hart, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống khí hậu ARC tại Đại học New South Wales cho biết.
Nền nhiệt của các khu vực đảo nhiệt đô thị ngày một tăng lên chủ yếu là do bề mặt mặt đường (nhựa đường) và vật liệu xây dựng được sử dụng trong các dự án xây dựng hay các tòa nhà cao tầng. Những loại chất liệu, vật liệu này sẽ hấp thụ và lưu trữ phần lớn lượng bức xạ mặt trời hấp thụ trong ngày và giải phóng lượng nhiệt này vào ban đêm.
“Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng đối với các khu vực, đặc biệt là trong các buổi tối mùa hè nóng bức. Nếu lượng nhiệt này không được làm lạnh đi thì nhiệt độ vào ban đêm sẽ cao hơn bình thường. Điều đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người", Hart nói thêm. Và sự thay đổi đó đã gây ra những hậu quả không thể tin được. Năm 2009, 374 người chết trên khắp các con phố của Melbourne trong một đợt nắng nóng. Con số này lớn hơn rất nhiều lần so với số người bị tai nạn xe cộ hàng năm tại Victoria.
Một trong những giải pháp đơn giản và dễ thực hiện nhất để cải thiện tình trạng của các khu vực đảo nhiệt đô thị là cung cấp nhiều bóng mát hơn bằng việc trồng cây xanh. Năm 2012, Hội đồng các thành phố tại Melbourne đã triển khai một dự án đầy tham vọng với mục đích tăng gấp đôi tán cây che phủ cho thành phố từ 22% lên 40% vào năm 2040 thông qua kế hoạch trồng 3.000 cây mới mỗi năm.
“Trên hình ảnh nền nhiệt, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra các điểm nóng của thành phố như đường xá, bãi đỗ xe hay bất cứ nơi nào có nhựa đường và bê tông. Bạn có thể nhận thấy sự tương phản giữa những điểm nóng này với các công viên, khu vườn và cây cối”, Ủy viên Hội đồng, Cathy Oke, người đứng đầu Melbourne nói.
Tuy nhiên, việc trồng cây cũng có những hạn chế nhất định. Các thành phố không thể trồng cây giữa những tuyến đường cao tốc, cũng như sẽ có rất nhiều rắc rối nảy sinh từ việc trồng quá nhiều cây. Tiến sĩ Simon Toze của CSIRO đã đưa ra ví dụ về một vài thành phố ở Hoa Kỳ: “Một số thành phố bắt đầu triển khai dự án trồng cây xanh và kết quả là, phụ nữ thường cảm thấy ít an toàn hơn khi đi dạo trên các con phố”.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc sử dụng nước hay nguy cơ cháy rừng có thể gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực trồng cây”, Toze – Trưởng khoa nghiên cứu tại CSIRO Land and Water Living Lap cho hay.
Một giải pháp khác cho vấn đề khí hậu của các khu vực đảo nhiệt đô thị là cắt giảm lượng nhiệt hấp thụ bằng cách xem xét, thay đổi vật liệu xây dựng cho các dự án nhà ở, đường phố, các tòa cao ốc... tại các đô thị. Cùng với việc cam kết tăng 50% độ che phủ của cây xanh vào năm 2030, các thành phố ở Sydney đã bắt đầu cho thử nghiệm xây dựng một đường phố với mặt đường sáng màu hơn trong nội thành để xem điều này làm giảm nhiệt độ đô thị như thế nào.
Tuy nhiên, những vỉa hè hay những con đường sáng màu hơn cũng là một vấn đề ở những khu vực nắng nóng. “Vào một ngày đẹp trời ở Brisbane, điều cuối cùng trong ngày bạn muốn là được lái xe trên đường và ngắm cảnh mặt trời lặn. Nhưng có lẽ bạn sẽ thực sự không lấy làm quen khi nhìn thấy sự thay đổi về màu sắc của các con đường hay trên vỉa hè xung quanh bạn. Đây là điều sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ gặp và phải tập thích nghi”, Toze chia sẻ.
Một giải pháp khác được đưa ra là việc tiến hành xây dựng những con đường xanh với bề mặt xốp hơn cho phép nước thấm qua, thậm chí là cỏ có thể mọc và phát triển trong lòng đường phố. Đây cũng là một cách giúp cắt giảm đáng kể lượng bức xạ mặt trời mà các bề mặt đường hấp thụ. Toze cũng cho biết rằng điều này đặc biệt có lợi cho các khu vực có mật độ giao thông thấp và không có quá nhiều phương tiện giao thông hạng nặng qua lại.
Các yêu cầu đối với việc xây dựng các con đường xanh cũng được áp dụng cho các mái nhà xanh và các bức tường xanh – nơi các tòa nhà được bao phủ một phần hay toàn bộ bởi một lớp thảm thực vật. Ở Sydney có khoảng 100 tòa nhà như thế. Giải pháp này có thể trực tiếp làm giảm nhiệt độ đô thị bằng cách tự làm mát các tòa nhà và giảm nhu cầu sử dụng điều hòa. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm một lượng khí thải đáng kể vào môi trường. Dẫu vậy, những ngôi nhà xanh này vẫn đem lại những ảnh hưởng không mong muốn.
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, nếu thay đổi toàn bộ các ngôi nhà ở Sydney với mái nhà xanh, có thể cải thiện nền nhiệt của thành phố nhưng lại làm gia tăng độ ẩm trong không khí. Điều này khiến cư dân đô thị phải chịu thêm nhiều căng thẳng vì sự ảnh hưởng kết hợp giữa nhiệt độ và độ ẩm.
Các nhà nghiên cứu về ảnh hưởng của các khu vực đảo nhiệt đô thị cũng như những giải pháp cho vấn đề này gặp rất nhiều khó khăn vì chúng ảnh hưởng khác nhau và cần có những giải pháp khác nhau cho mỗi thành phố. Đó là lí do vì sao việc mô hình hóa các thành phố vô cùng quan trọng. Cùng một giải pháp có thể hiệu quả ở thành phố này nhưng lại không đem lại tác dụng gì khi áp dụng ở một thành phố khác. Chẳng hạn như kế hoạch trồng cây xanh ở Fortland, Hoa Kì sẽ trở nên vô ích thậm chí là thừa thãi đối với các hẻm núi hẹp ở HongKong.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác làm gia tăng hiện tượng đảo nhiệt đô thị mà ít được đề cập đến là con người. Xe cộ, máy móc... đều được sử dụng để thỏa mãn nhu cầu của con người như điều hòa, máy lạnh. Tất cả, bao gồm cả chính chúng ta đã tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn vào không khí. Đây là những vấn đề rắc rối mà chúng ta cần phải tìm hiểu kĩ lưỡng và giải quyết thật cẩn thận.
“Rõ ràng chúng ta không thể loại bỏ con người ra khỏi thành phố nhưng chúng ta có thể tìm ra các giải pháp thiết thực để ngăn chặn và đẩy lùi các vấn đề này. Chẳng hạn như việc gia tăng số lượng các phương tiện giao thông công cộng giúp hạn chế lượng khí thải từ xe cộ vào môi trường”.
Một vấn đề khác là việc lệ thuộc quá mức vào điều hòa trong suốt những đợt nắng nóng. Chúng ta có thể xây dựng các ngôi nhà chống chịu nhiệt tốt hơn hiện tại để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa cũng như tiết kiệm tốt hơn nguồn năng lượng và giảm mức nhiệt tỏa ra môi trường. Không có giải pháp nào là đơn giản nhưng việc lựa chọn bỏ qua tất cả là điều không thể xảy ra.
“Thực tế, khí hậu toàn cầu đang thay đổi và có diễn biến phức tạp hơn trước rất nhiều lần. Các thành phố vốn đã nóng sẽ trở nên nóng hơn nữa, khó chịu hơn nữa. Sự mát mẻ chúng ta tạo nên ngay từ hôm nay sẽ là chiếc thẻ bảo hiểm chắc chắn cho tương lai”, Hart khẳng định.