Aa

Đô thị xanh - giải pháp "cứu sống" thành phố của tương lai

Thứ Ba, 28/11/2017 - 06:00

Khi con người sống trong một khu đô thị, phải được hưởng một hệ thống hạ tầng bền vững bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Đô thị xanh không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà ở đó cư dân sống trong khu đô thị đó phải cảm thấy hài lòng, được thụ hưởng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đô thị đang mất dần tính bản địa

Hiện nay, các đô thị đang phát triển theo chiều hướng mở rộng không ngừng, thành phố của các công trình giao thông, các phương tiện cá nhân, lãng phí tài nguyên, giảm khả năng phát triển bền vững và mất dần tính bản địa của địa phương.

Trong tương lai, nếu các đô thị của Việt Nam vẫn phát triển theo hướng này thì kết quả sẽ tạo nên những đô thị kém bền vững, tiêu tốn năng lượng, môi trường sống bị phá vỡ. Bởi vậy, phát triển của đô thị xanh là xu hướng tất yếu để cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và hiệu quả, tránh tình trạng bê tông hóa trong tương lai.

TS. KTS Lê Thị Bích Thuận (Ảnh: Hồng Vũ)

TS. KTS Lê Thị Bích Thuận (Ảnh: Hồng Vũ)

Việt Nam hiện nay đang xây dựng định nghĩa thế nào là "đô thị xanh", cũng hoàn toàn chưa có khái niệm nào định nghĩa rõ nét về đô thị xanh. Tuy nhiên đô thị xanh được cho là đô thị sử dụng tài nguyên bền vững, hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính và có đủ khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiểu một cách tổng quan, đô thị xanh là tổng thể hài hòa của ba yếu tố: Môi trường xanh – Kinh tế xanh – Xã hội xanh.

Thứ nhất, môi trường xanh là môi trường giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng tái tạo. Ví dụ sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, sử dụng đất có hiệu quả, giao thông xanh, hệ sinh thái xanh, rác thải phải được quản lý….

Thứ hai, đô thị xanh phải có kinh tế xanh tức là công nghệ xanh sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, nông nghiệp xanh, nuôi trồng xanh, tiêu dùng xanh, mức độ tự chủ về tài chính cao,… môi trường không bị ô nhiễm do sản xuất và điều kiện cuộc sống con người tốt đẹp hơn. 

Thứ ba, xã hội xanh là xã hội có những chính sách ứng phó với BĐKH, có đời sống xanh, an toàn xanh, tức là con người phải được hòa hợp với thiên nhiên, sống chung với thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên chứ không có nghĩa là chỉ được sống trong môi trường cây xanh, nước sạch mà không có ý thức bảo vệ. Đó cũng không thể gọi là xã hội xanh được. Từ đó, mới đưa ra các tiêu chí tối thiểu như thế nào về môi trường, kinh tế, xã hội thì mới được gọi là một đô thị xanh.

Khi con người sống trong một khu đô thị, phải được hưởng một hệ thống hạ tầng bền vững bao gồm cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Đô thị xanh không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà ở đó cư dân sống trong khu đô thị đó phải cảm thấy hài lòng, được thụ hưởng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phải có công viên, có chỗ cho trẻ nhỏ vui chơi và học tập thì mới gọi là một cuộc sống xanh. Ngược lại nếu chỉ đến đó để ở thôi, vui chơi thì lại phải vào nội đô, đi công viên cách đó cả chục km, đưa con đi học cũng thật xa thì không thể gọi là xanh được mặc dù không gian ở của ở của họ là rất hài hòa, rất “xanh”.

KĐTM Eco Park, Văn Giang, Hưng Yên

Quy hoạch cây xanh theo hướng phát triển đô thị xanh bền vững tại KĐTM EcoPark, Văn Giang, Hưng Yên (Nguồn ảnh: Tạp chí kiến trúc)

Giải pháp nào cho đô thị xanh?

Có rất nhiều giải pháp để xây dựng đô thị xanh, chủ yếu có hai xu hướng, xu hướng thứ nhất là xây dựng đô thị nén (compac City) tức là đô thị xây dựng với mật độ lớn để giảm thiểu việc đi lại trong đô thị, giảm thiểu ách tắc giao thông, giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng năng lượng.

Xu hướng thứ hai là xây dựng một đô thị văn minh xanh, sạch, mật độ xây dựng thấp, hạn chế sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên… như vậy là có rất nhiều các mô hình, vậy thì nhà quản lý phải xem xét xem họ dùng các mô hình nào.

Tuy nhiên đô thị xanh chỉ nên áp dụng ở các đô thị nhỏ hoặc trung bình, ở đó chúng ta có thể giữ gìn bảo tồn văn hóa bản địa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý. Khi các đô thị phát triển tốt rồi mới có thể bổ sung để xây dựng cho các đô thị lớn, nếu ngay bây giờ chúng ta đầu tư ngay cho đô thị lớn thì chúng ta không đủ lực.

Để phát triển một đô thị xanh, điều kiện tiên quyết chính là ngay trong công tác quy hoạch cần phải có những tiêu chí định tính và định lượng thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh và mặt nước hay trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân. Ngoài ra, cũng không bỏ qua việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, vai trò của ba bên gồm: nhà quản lý, nhà đầu tư, người dân được thụ hưởng cũng rất quan trọng. Đầu tiên là nhà quản lý, bởi có rất nhiều người phát biểu về công trình xanh, đô thị xanh nhưng họ lại không thể hiểu được thế nào là xanh, làm thế nào để có được xanh, cũng không có ý định yêu cầu bắt buộc phải làm xanh.

Ví dụ như ở Singapore, họ đã có quy hoạch đô thị xanh từ rất sớm, đã có những quy định chi tiết về xây dựng để bảo vệ cây xanh, vật liệu  tái chế và tổ chức không gian xanh phải như thế nào.

Thứ nữa là chủ đầu tư, khi nói đến xây dựng xanh họ lại e ngại vì phức tạp quá. Tính về hiệu quả kinh tế người ta cứ nói xây dựng công trình xanh là đắt hơn nhưng chưa hiểu đắt hơn cái gì, người ta chỉ nghĩ đến trang thiết bị mà chưa nghĩ đến là đắt hơn ở chỗ tận dụng vật liệu cũ, bảo tồn các công trình.

Ví như đập bỏ công trình nhưng phải giữ lại những vật liệu có thể dùng được, những viên gạch tốt, thanh thép tốt thì rõ ràng khó khăn hơn việc phá hủy toàn bộ. Đắt là đắt ở chỗ đó. Tuy nhiên họ chưa thấy rằng nếu tái chế vật liệu từ những ngôi nhà bị phá dỡ thì môi trường không phải hứng chịu những phế thải từ sự phá dỡ đó. Và việc sử dụng năng lượng tái chế chính là hạn chế đưa các loại rác thải ra ngoài môi trường

Còn người dân khi nói đến đô thị xanh hay công trình xanh thì chỉ có thể nghĩ đến việc lắp một tấm pin năng lượng mặt trời trên mái. Nhiều người tính ra rằng nếu dùng bình nóng lạnh bằng điện thì cũng với số tiền như thế và nếu sử dụng năng lượng mặt trời và vài năm thay pin một lần thì chi phí tính ra không chênh lệch nhau quá nhiều. Nhưng ở đây nếu tính đến tương lai, cái đắt này là trong thời điểm hiện tại còn ở tương lai thì đó chính là tiết kiệm năng lượng hóa thạch mà đó là bao gồm năng lương điện, dầu, xăng, không gây ô nhiễm môi trường, không phá hoại môi trường, con cháu chúng ta được hưởng.

Để phát triển xây dựng đô thị xanh tại Việt Nam, Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các văn bản pháp lý, các tiêu chí đạt đến đô thị xanh, ban hành các  văn bản hướng dẫn xây dựng và nâng cao nhận thức cho các đối tượng từ nhà quản lý, chủ đầu tư và người dân. Sớm có những định hướng, chiến lược cũng như quy hoạch đô thị xanh cho các đô  thị thí điểm và trên cơ sở đó đúc rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình ra các đô thị toàn quốc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top