Aa

Đô thị xanh kiến tạo chuẩn mực sống mới cho cư dân hiện đại

Thứ Bảy, 18/07/2020 - 08:00

Khái niệm “đô thị xanh” đang được nhắc đến như một tổng thể hài hòa của 3 yếu tố: Môi trường xanh - kinh tế xanh - xã hội xanh. Tại đó, cư dân được đảm bảo những điều kiện tốt nhất về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGCB), cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có khoảng 100 công trình xanh. Trong đó, có 24 công trình áp dụng theo bộ tiêu chuẩn LOTUS, trên 90 công trình theo bộ tiêu chuẩn LEED. Tuy nhiên, công trình xanh mới chỉ dừng ở cấp độ các dự án đơn lẻ, chưa có khu đô thị nào được công nhận là khu đô thị xanh đúng nghĩa.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho biết, khái niệm về đô thị xanh (Green Cities) không chỉ là tiết kiệm năng lượng. Nếu chỉ đến đó để ở, vui chơi thì lại phải vào nội đô, đi công viên cách đó cả chục km, đưa con đi học cũng thật xa thì không thể gọi là xanh được mặc dù không gian ở của họ là rất hài hòa, rất “xanh”.

Các nước châu Âu hiện đang áp dụng 7 tiêu chí đánh giá đô thị xanh về: Không gian, công trình, giao thông, công nghiệp, chất lượng môi trường đô thị, bảo tồn cảnh quan và cộng đồng dân cư.

Nói rõ hơn về khái niệm này, ông Nguyễn Xuân Hải - Uỷ viên Ban chấp hành, thành viên Ban Tư vấn, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nếu chỉ xét “đô thị xanh” theo tiêu chí khu đô thị được xây dựng với nhiều cây xanh và diện tích mặt nước thì chưa đủ.

Hiện tại, 7 tiêu chí đô thị xanh mà các nước châu Âu hiện đang áp dụng là: Không gian xanh (đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/đầu người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được được đảm bảo); Công trình xanh (Xanh hóa công trình, công trình dùng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường); Giao thông xanh (nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2. Sử dụng các phương tiện giao thông không thải khí độc); Công nghiệp xanh (Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế ô nhiễm); Chất lượng môi trường đô thị xanh (Môi trường không khí sạch, giảm rác thải, khói, bụi, độ ồn trong đô thị); Bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Xét về yếu tố lịch sử, KTS. GS. TSKH Nguyễn Thế Bá - nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam từng phát biểu: “Cây xanh Hà Nội cần được coi là di sản đô thị”. Trung tâm đô thị Thăng Long xưa để lại di sản đến bây giờ luôn có nhiều cây, đặc biệt trong kiến trúc văn hóa Việt luôn có các cây to, hồ nước ở khuôn viên các đình, chùa. Vì vậy quy hoạch đô thị Hà Nội luôn chú trọng tới quy hoạch cây xanh, mặt nước, mật độ xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các tiện ích hiện đại và năng  động.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top