Aa

Giảm nhiệt đô thị nhờ hệ thống cây xanh

Thứ Sáu, 10/07/2020 - 10:30

Trong những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. Hàng nghìn cây xanh đô thị đã góp phần làm giảm bức xạ mặt trời, chống bụi, tạo cảnh quan đẹp và phủ bóng râm mát.

Tháng 1/2019, chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh ở đường phố Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc (sớm hơn 2 năm so với thời hạn). Đến nay, thành phố Hà Nội đã có những thay đổi đáng kể, những con đường rộng lớn thiếu cây xanh đã được trồng bổ sung tạo cảnh quan đẹp và bóng mát cho đô thị.
Cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước có vai trò rất lớn để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Trong đó, cây xanh đường phố có vị trí hàng đầu vì diện tích mặt đường chiếm tỷ lệ không nhỏ trên bề mặt đô thị.
Chương trình trồng 1 triệu cây xanh đã làm thay đổi bộ mặt nhiều tuyến phố. Những tuyến phố cũ, cổ vốn mặc định chỉ có những cây cổ thụ xanh rợp bóng nhưng hiện tại dưới gốc cây đã được trồng thêm những thảm hoa, làm cho đường phố mang thêm nhiều màu sắc mới mẻ.
Những hàng cây đã sinh trưởng ổn định, tạo nên một diện mạo xanh mát cho các tuyến đường.
 Hệ thống cây xanh đô thị giúp cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm như: CO2, NO2, SO2, CO, khói bụi; cung cấp khí O2. Không chỉ vậy, cây xanh đô thị còn có vai trò lớn trong kiến trúc, trang trí cảnh quan...
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm bức xạ, giảm nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt đất, nhiệt độ của môi trường xung quanh.
 Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội đặt mục tiêu trồng thêm 600.000 cây xanh trên địa bàn. Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến ngày 30/6/2020, toàn thành phố đã trồng được hơn 1.581.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ.
Vốn nổi tiếng là thành phố xanh nên ngay cả vào những ngày nóng như thiêu đốt, nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, Thủ đô Hà Nội vẫn có những con đường rợp bóng cây râm mát.
Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị rất nghiêm trọng ở khí hậu nhiệt đới, khi mà các bề mặt xây dựng không được che nắng và không gian xanh không thể ngăn chặn ánh nắng mặt trời trực tiếp, cũng như hấp thụ bớt lượng nhiệt phát sinh từ các hoạt động đô thị (các công trình kiến trúc chạy máy điều hòa không khí và khí thải các phương tiện giao thông).
Trong cùng một điều kiện khí hậu và thời gian, nhiệt độ không khí sát mặt đường nhựa là 51 độ C, nhưng trên mặt cỏ chỉ là 38 độ C.
Hơn 100 cây phong lá đỏ lần đầu được đưa vào trồng thử nghiệm tại dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng nay đã xanh tốt. Đến thời điểm này, dù chưa chuyển màu như kỳ vọng, nhưng hàng cây phong lá đỏ trên tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh đã phát triển tốt, ổn định… Tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để thích nghi với thời tiết bản địa để sinh trưởng.
Với mục tiêu 1 triệu cây xanh/năm, sau 5 năm Hà Nội sẽ có ít nhất 15 - 20 triệu mét vuông cây xanh, đóng góp vào mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2030, tỷ lệ cây xanh của Hà Nội được nâng lên thành 10 - 12m2/người.
Cây xanh có thể hút được 30 – 80% bức xạ mặt trời chiếu tới tùy theo mức độ rậm rạp của lá. Cây càng có lá rậm rạp, tán lá to thì hút bức xạ càng nhiều vì tổng diện tích mặt lá hấp thụ, khuếch tán bức xạ và bốc hơi hút nhiệt càng lớn; 
Nhiều không gian xanh đang được nhân lên, đem đến những thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị cho Thủ đô Hà Nội cũng như góp phần cải thiện môi trường.
Một số cây được trồng bổ sung dù chưa tạo ra bóng mát đáng kể nhưng cũng đã phủ một màu xanh tươi mới lên nhiều tuyến phố ở Thủ đô.
Trong năm 2020, thành phố sẽ tập trung phát triển hệ thống cây xanh tầng thấp, xây dựng các giải pháp lựa chọn chủng loại cây trồng trong đô thị theo chức năng môi trường, phù hợp đặc điểm của không gian vị trí, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ, mỹ quan đô thị.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top