Aa

Doanh nghiệp bán lẻ điện máy giảm lợi nhuận

Thứ Sáu, 01/11/2019 - 06:06

Những năm gần đây, đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ điện máy có mức lợi nhuận ấn tượng. Nhưng, có vẻ như sức nóng đang giảm dần.

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với doanh thu 25.486 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận gộp thu về 4.904,5 tỷ đồng, tăng hơn 30% cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong kỳ doanh nghiệp này có khoản thu nhập lãi tiền gửi tăng đột biến do tiền gửi ngân hàng ngắn hạn dưới 3 tháng tăng lên 1.025 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, MWG đạt lãi ròng 855 tỷ đồng, tăng 30% so với mức 648 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với 2 quý đầu năm 2019 đạt 1.000 tỷ đồng mỗi quý thì lợi nhuận quý III này đã giảm tốc.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu 77.769 tỷ đồng, tăng 17% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lũy kế đạt 2.976 tỷ đồng tăng so với mức 2.187 tỷ đồng cùng kỳ 2018. So với kế hoạch kinh doanh đặt ra hồi đầu năm, 9 tháng đầu năm MWG  thực hiện 70 - 80%.

Lĩnh vực bán lẻ điện máy vẫn đem về lợi nhuận khủng cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh Internet

Hiện, tổng tài sản MWG đạt 32.353 tỷ đồng, tăng so với mức 28.122,5 tỷ đồng đầu năm. Hàng tồn 16.990 tỷ, chủ yếu giảm thiết bị điện tử và điện thoại di động. Nợ ở mức 21.064 tỷ đồng, tương đương hơn 65% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu MWG đạt 11.290 tỷ đồng. Cổ phiếu MWG hiện đang giao dịch tại mức 127.000 đồng/cổ phiếu, tăng 60%  so với đầu năm.

Cùng hoạt động trong thị trường điện máy bán lẻ, FPT Retail (FRT) cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Tuy vậy, đà tăng cũng có vẻ giảm nhiệt trong quý III vừa qua.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của FRT, doanh thu đạt 4.510 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận gộp thu về 555 tỷ đồng, tăng hơn 12%.

Trong kỳ, lãi tiền gửi của doanh nghiệp này tăng lên hơn 36 tỷ đồng nhưng lãi vay cũng tăng  lên 35 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của FRT đạt 72 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2018 (81 tỷ đồng), lợi nhuận quý III/2019 giảm 10%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FRT đạt 12.707 tỷ đồng doanh thu, 230 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh nghiệp hoàn thành 55% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Dù lợi nhuận của FRT vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ có vẻ giảm sút.

Tính đến thời điểm 30/9/2019, FRT ghi nhận 5.802 tỷ đồng tổng tài sản, tăng so với mức 5.168 tỷ đồng đầu kỳ. Đáng chú ý, khoản mục phải thu ngắn hạn chiếm hơn 1.189 tỷ đồng tài sản với phải thu hỗ trợ nhà cung cấp cho các chương trình quảng cáo, khuyến mại lên đến 534 tỷ đồng. Nợ phải trả FRT vào mức 4.476 tỷ đồng, tăng 470 tỷ đồng so với đầu kỳ. Vốn chủ là đạt 1.327 tỷ đồng.

Cùng lĩnh vực, Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (mã TAG) chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Tuy vậy, doanh nghiệp này đã báo lợi nhuận nhỏ giọt từ quý II/2019. Trước đó, TAG cho biết, doanh thu thuần quý II đạt hơn 33 tỷ đồng nhờ cấp quyền sử dụng thương hiệu cho Thế Giới Di Động thuê lại để kinh doanh chuỗi bán lẻ điện máy.

Sau khi trừ giá vốn cung cấp dịch vụ, công ty lỗ hơn 1 tỷ đồng. Hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê nên chi phí bán hàng và quản lý không đáng kể, chỉ xấp xỉ 100 triệu đồng.

Lãi tiền gửi ngân hàng giúp Trần Anh thoát lỗ kéo dài. Công ty báo lãi ròng quý II/2019 khoảng 1,3 tỷ đồng, khá hơn mức âm cùng kỳ.

Ban lãnh đạo Trần Anh đang cố thoát khỏi tình trạng thua lỗ nhiều quý. Ảnh Internet

Luỹ kế nửa đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của Trần Anh lần lượt là 70 tỷ đồng và 3 tỷ đồng. So với năm ngoái, con số này giảm gần 30 lần nhưng ban lãnh đạo khẳng định hoạt động kinh doanh đang trên đà khôi phục. Với mục tiêu lãi trước thuế năm nay 6 tỷ đồng, công ty kỳ vọng chấm dứt mạch thua lỗ năm thứ ba liên tiếp.

Chiến lược phát triển trong năm nay của Trần Anh vẫn là sử dụng lợi thế mặt bằng lớn để cho thuê lại hoặc hợp tác kinh doanh với Thế Giới Di Động và bên thứ ba khác, bảo đảm không chịu lỗ từ hoạt động này. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top