Hơn 2,87 tỷ USD vốn ngoại rót vào bất động sản trong 11 tháng
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì mức tăng mạnh, góp phần đưa mức tăng của 11 tháng lên mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay, tương ứng 14,8%.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục bám trụ ở vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư rót vào lĩnh vực này đạt hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư đăng ký nhưng con số này vẫn ghi nhận mức giảm tới 31,4% so với cùng kỳ.
Được biết, dự án được cấp phép mới đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 858,4 triệu USD, chiếm khoảng 5,2% tổng số. Hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 30,7% giá trị góp vốn.
Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng rơi vào trạng thái trầm lắng, hoạt động đầu tư trong nước gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài cũng trở nên cẩn trọng hơn.
Trên thực tế, bất kỳ doanh nghiệp nào khi đầu tư cũng phải đảm bảo rằng hoạt động đầu tư của mình mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao. Những hoạt động mua bán, chuyển nhượng, M&A bất động sản hiện là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm vì nhiều người cho rằng giá bất động sản vẫn có thể xuống thấp nữa và họ vẫn đang trông đợi vào quá trình tái cấu trúc của thị trường bất động sản. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư, họ cũng phải xem xét từ giá cả, nhu cầu đến tiềm năng phát triển…
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước những khó khăn của thị trường bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có sự quan tâm đặc biệt với hàng loạt chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Một khi thị trường bất động sản phục hồi, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả những nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ chú ý tới bất động sản. Từ đó, nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản sẽ tăng lên”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) cũng chỉ ra rằng, dòng vốn FDI vào bất động sản luôn dẫn đầu các lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất của Việt Nam. Giai đoạn 2016 - 2022, bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư sau lĩnh vực chế biến chế tạo, chiếm trung bình 11% vốn FDI đăng ký mới hằng năm.
“Dự kiến FDI bất động sản sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2023 - 2030 nhờ đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bất động sản; xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc, xu thế đô thị hóa và sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, VIRES dự báo.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam còn cho biết, luồng khách hàng đầu tư cá nhân của thị trường bất động sản là người nước ngoài hoặc Việt kiều được dự báo sẽ gia tăng trong giai đoạn 2022 - 2025, chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - xu hướng sở hữu “ngôi nhà thứ hai”.
"Dự kiến FDI bất động sản sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2023 - 2030 nhờ đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bất động sản; xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc, xu thế đô thị hóa và sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại".
Đặc biệt, quy mô người nước ngoài và Việt kiều vào Việt Nam mua nhà trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tập trung vào ba hướng chủ đạo:
Một là, những người nước ngoài đến và sinh sống, làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Số này chiếm một tỷ lệ không quá thấp trong tổng số những người nước ngoài vào Việt Nam. Một tỷ lệ nhất định trong số này là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Dự báo sau dịch Covid-19, giai đoạn 2022 - 2025 có khả năng nhóm này sẽ bùng phát khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và nền kinh tế đã thực sự xây dựng được thể chế kinh tế thị trường.
Hai là, nhóm người nước ngoài và Việt kiều đến và đi khỏi Việt Nam trong một khoảng thời gian nhưng có nhu cầu nhà ở tại Việt Nam (như là căn nhà thứ hai). Nhóm này chiếm tỷ lệ cao hơn.
Ba là, những người nước ngoài và Việt kiều đến và mua nhà tại Việt Nam như là một hoạt động kinh doanh. Đây là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất. Nhóm thứ hai và thứ ba dự báo trong những năm tới tiếp tục tăng trưởng do giai đoạn vừa qua Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, làm tăng niềm tin vào thị trường. Vì vậy, đã thu hút kiều bào chuyển tiền về nước tham gia đầu tư, tham gia sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá ngoại hối cũng có tác động tích cực trong việc thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Thu hút dòng tiền FDI tạo ra nguồn lực lớn cho sự phát triển thị trường bất động sản Việt Nam
Tại Tọa đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản”, TS. Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 ra đời, lũy kế đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 460 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có tổng vốn đầu tư đạt 69 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau công nghiệp chế biến chế tạo.
Theo TS. Ngô Công Thành, quá trình thu hút vốn nước ngoài ban đầu dù khó khăn nhưng đến nay nhìn lại, có thể thấy được dòng vốn ngoại đã mang lại rất nhiều lợi ích, động lực về thu hút dòng tiền, đồng thời kéo theo nhiều sự đổi mới và thay đổi hàng loạt luật.
Thứ nhất, việc thu hút dòng tiền FDI đã tạo ra nguồn lực lớn cho sự phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. Đơn cử, khu chế xuất Tân Thuận đầu tiên của Việt Nam hình thành vào năm 1991. Đến năm 1994, khi nghị quyết mới ra đời đã tạo ra các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), khu đô thị kiểu mẫu Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi).
Thứ hai, tạo ra phong cách mới về phát triển khu đô thị và những tòa khách sạn mới.
Thứ ba, tạo ra sức cạnh tranh giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, điển hình là người dân có những căn hộ đáng sống.
TS. Ngô Công Thành chia sẻ thêm, trước năm 2007, việc thu hút vốn FDI vào bất động sản được phân ngành thành 3 phân khúc gồm: Kinh doanh văn phòng và khu đô thị; hạ tầng khu công nghiệp; kinh doanh khách sạn du lịch. Qua nghiên cứu, chuyên gia nhìn nhận đến nay, dòng tiền nước ngoài chỉ mới chảy vào hạ tầng khu công nghiệp, khách sạn lưu trú, còn các khu đô thị chưa thu hút được nhiều dòng tiền từ nước ngoài, thậm chí có thể còn lỗ.
Do đó, để khơi thông được dòng tài chính vào lĩnh vực bất động sản sắp tới, TS. Ngô Công Thành kiến nghị, cần huy động được các nguồn lực, trong đó cần chú trọng đến vấn đề tính giá đất.
Đồng quan điểm, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.INVEST), Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng tốt dòng vốn FDI bởi dòng vốn này đang khá rẻ./.