Aa

Doanh nghiệp bất động sản đang bị phân biệt đối xử trong chính sách thuế

Thứ Ba, 21/11/2017 - 06:01

Đó là quan điểm của ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần I diễn ra mới đây.

Theo đó, ông Đoàn Văn Bình cho biết, theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC, việc ghi nhận doanh thu bất động sản được áp dụng như hàng hóa thông thường khác.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực thu nộp ngân sách, lĩnh vực kinh doanh bất động sản lại bị coi là lĩnh vực đặc thù, phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giá trị và thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi ghi nhận doanh thu, trong khi các lĩnh vực khác thì nộp thuế cùng thời điểm ghi nhận doanh thu.

“Điều này không chỉ thể hiện sự phân biệt đối xử trong chính sách thuế giữa lĩnh vực kinh doanh bất động sản và lĩnh vực kinh doanh khác mà còn gây nhiều khó khăn, bất lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (khi đã phải ứng vốn rất nhiều trong quá trình đầu tư)”, ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, trong quy định về bù trừ thu nhập từ hoạt động kinh doanh bất động sản với thu nhập từ các hoạt động kinh doanh khác cũng có điểm bất hợp lý.

lĩnh vực kinh doanh bất động sản lại bị coi là lĩnh vực đặc thù, phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giá trị và thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi ghi nhận doanh thu...

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 thì: Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư… phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.

Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.

Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh doanh bất động sản lãi và hoạt động sản xuất kinh doanh khác lỗ thì chưa có quy định về việc bù trừ giữa lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản với lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

“Như vậy, trên thực tế có những doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh tổng thể lỗ (sau khi đã bù trừ thu nhập của cả hai hoạt động kinh doanh bất động sản và các hoạt động kinh doanh khác) nhưng vẫn phải nộp thuế trên khoản lãi của hoạt động kinh doanh bất động sản”, ông Bình nói.

Từ đó, Chủ tịch CEO Group đề xuất cho doanh nghiệp được bù trừ lãi giữa hoạt động bất động sản với lỗ của hoạt động kinh doanh khác.

Ngoài ra, ông Đoàn Văn Bình cũng đánh giá quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (nêu ra tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017) là không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Luật doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

“Quy định này khiến các doanh nghiệp e ngại khi vay vốn vì lợi nhuận không đủ bù đắp cho phần chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định này cũng gây khó khăn cho các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta”, ông Bình nhận xét.

Theo ông Bình, trong các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ sẽ có các hoạt động chính là đầu tư vào các công ty con thông qua việc góp vốn với tỷ lệ 51%. Công ty mẹ, với tiềm lực tài chính và uy tín của mình, sẽ là đầu mối huy động vốn vay từ các nguồn vốn trong nước và nước ngoài để cho vay lại các đơn vị thành viên.

Quy định của Nghị định 20 tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị nhà làm luật cân nhắc sửa đổi quy định này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top