Aa

Nhiều yếu tố thuận lợi, doanh nghiệp bất động sản tích cực tăng tốc

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 17/05/2022 - 06:15

Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, doanh nghiệp bất động sản cũng quay trở lại hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp báo lãi hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong quý đầu năm.

92% doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2022, kinh doanh bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 47,2%. Số doanh nghiệp kinh doanh quay trở lại hoạt động là 845 doanh nghiệp, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021. Trước nhiều động lực tăng trưởng, doanh nghiệp bất động sản cũng hướng đến các kế hoạch lạc quan để tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm 2022, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ dự án và mở rộng quỹ đất.

Tương tự, báo cáo từ Bộ Xây dựng mới đây cũng cho biết, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đang có sự phục hồi rõ nét. Đến thời điểm hiện tại khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động (so với quý IV/2021 là 400 sàn giao dịch), các sàn giao dịch chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.

Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường bất động sản vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức nhưng năm 2022 sẽ thêm nhiều tín hiệu khởi sắc hơn. Do đây là năm thứ ba sống chung với dịch Covid-19 nên tâm lý người dân dần thích nghi. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động giao dịch vẫn diễn ra, quan trọng hơn các sàn giao dịch bất động sản đã có kinh nghiệm và được sàng lọc qua tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn ở mức ổn định. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc “xoay trở” nguồn vốn hoạt động nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.942 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ của dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản; dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê 45.532 tỷ đồng (5,8%); dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất 33.335 tỷ đồng (4,3%); dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng 33.509 tỷ đồng (4,3%); dự án nhà hàng, khách sạn 57.898 tỷ đồng (7,4%); cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê 121.153 tỷ đồng (15,4%); cho vay mua quyền sử dụng đất 101.071 tỷ đồng (12,9%); dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác 203.339 tỷ đồng (25,9%).

Thị trường bất động sản vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức nhưng năm 2022 sẽ thêm nhiều tín hiệu khởi sắc hơn. (Ảnh minh hoạ)

Đa số doanh nghiệp có lãi trong quý đầu năm

Thống kê sơ bộ một số đơn vị tài chính chứng khoán cho hay, trong quý I/2022, đa số doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh và cho thấy đều có lãi. Trong đó, top 20 doanh nghiệp báo lãi lớn nhất vẫn là những “ông lớn” như Vinhomes, Novaland, Viglacera, Đất Xanh...

Cụ thể, doanh nghiệp báo lãi cao nhất toàn ngành là Vinhomes (VHM) với 4.725 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Theo công ty, khoản lãi này giảm do giảm lợi nhuận gộp của hoạt động chuyển nhượng bất động sản. 

Ngoài Vinhomes, hai doanh nghiệp khác là Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) cũng góp mặt trong nhóm này với lãi sau thuế lần lượt là 512 tỷ đồng và 378 tỷ đồng, giảm 41% và 52% so với cùng kỳ. 

Với Đất Xanh (DXG) lãi sau thuế đạt 408 tỷ đồng, giảm 43%. Doanh thu thuần của công ty cũng giảm 39% còn 1.792 tỷ đồng, giảm 39%, chủ yếu do giảm doanh thu từ bán căn hộ, đất nền và từ dịch vụ môi giới bất động sản. Đây cũng là những nguồn thu đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp trong quý. 

Đơn vị thành viên của Đất Xanh, Đất Xanh Services (DXS) cũng góp mặt trong nhóm lãi lớn quý I/2022 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 17% và 36% so với cùng kỳ.

Còn Novaland (NVL) cũng công bố con số đạt doanh thu thuần 1.046 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận thêm gần 1.270 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ sau khi hoàn tất thương vụ mua vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, chủ đầu tư của dự án Aqua Waterfront City. Theo đó, lãi sau thuế công ty tăng 49% so với cùng kỳ.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) ghi nhận kết quả kinh doanh quý đầu năm tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu lần lượt đạt 3.833 tỷ đồng, tăng 63% và lợi nhuận sau thuế đạt 752 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính cho kết quả tăng trưởng này là lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp với tổng doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Tương tự, Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) cũng vừa báo lãi kỷ lục trong quý I. Theo đó, doanh thu thuần của công ty tăng 60% lên hơn 1.673 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là gần 284 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Kết quả này là nhờ doanh nghiệp ghi nhận doanh thu các dợp đồng tại dự án KCN Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng. Theo đó, doanh thu dịch vụ khu công nghiệp quý này của IDICO tăng mạnh hơn 4 lần cùng kỳ lên hơn 769 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, quý I/2022 là giai đoạn để các doanh nghiệp quay lại đường đua, phục hồi các hoạt động ngay sau dịch. Tới quý II và quý III mới là thời điểm tăng tốc của thị trường bất động sản. Theo đó, kỳ vọng sẽ tạo được doanh thu đột biến trong cả năm 2022 cho các doanh nghiệp bất động sản.

Việc nới lỏng pháp lý và đẩy mạnh đầu tư công cũng được đánh giá là chất xúc tác trong trung và dài hạn cho ngành bất động sản. (Ảnh minh hoạ)

Bệ phóng cho doanh nghiệp bất động sản

Đối với câu chuyện chung của ngành, giới chuyên gia phân tích cho rằng, môi trường lãi suất thấp đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành bất động sản trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc nới lỏng pháp lý và đẩy mạnh đầu tư công cũng được đánh giá là chất xúc tác trong trung và dài hạn cho ngành bất động sản. Ngoài ra, lạm phát có biểu hiện lên cao càng tạo lực hút các dòng vốn vào kênh này, thay vì đổ vào chứng khoán hay vàng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, những doanh nghiệp quy mô lớn có rổ hàng dồi dào, mục tiêu doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lãi ròng chạm mốc kỷ lục không phải là bài toán khó.

Báo cáo phân tích Vietnamreport mới đây đã đưa ra những phân tích khá sắc nét về “nguy” và “cơ”, điểm mạnh và yếu của thị trường cũng như của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Đáng chú ý, đơn vị này cho hay, thứ nhất là các doanh nghiệp bất động sản lớn đã trải qua nhiều biến cố thị trường như khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 nên cũng đã có “bản lĩnh vững vàng”, tạo nền tảng cho việc vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều là các công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân nên rất năng động, uyển chuyển, linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động nhằm thích nghi với tình hình dịch bệnh. Các sáng tạo, đổi mới được thực hiện nhanh chóng giúp cộng đồng doanh nghiệp bất động sản sớm lấy lại trạng thái kinh doanh thuận lợi.

Thứ ba, nguồn vốn xã hội dành cho bất động sản là rất lớn và các doanh nghiệp bất động sản của Việt Nam có thể huy động nhanh chóng nếu có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đa số các công ty cổ phần huy động từ nguồn vốn cổ đông (qua phát hành thêm cổ phiếu) hoặc đi vay ngân hàng. Mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua đã giúp cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Nhận định về bệ đỡ cho doanh nghiệp bất động sản phục hồi, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu tương đối nhanh, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, để nắm bắt được cơ hội phát triển, các doanh nghiệp trong nước cần sẵn sàng chuẩn bị những kế hoạch, sẵn sàng thay đổi và thích ứng.

Theo đó, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra 4 gợi ý giải pháp đối với doanh nghiệp gồm: Tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, tăng năng suất, sử dụng mô hình 5R (Respond: Thích ứng, linh hoạt; Recover: Phục hồi càng nhanh càng tốt; Restructure: Tái cấu trúc; Re-invent: Đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số; Resilience: Tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu các cú sốc, gồm cả quản lý rủi ro)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top