Aa

"Cuộc trở lại" với phân khúc nhà ở xã hội của các doanh nghiệp bất động sản

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 14/05/2022 - 06:15

Trong bối cảnh thị trường lệch pha cung cầu, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ dần biến mất thì không ít doanh nghiệp bất động sản đã công bố sẽ tham gia phát triển phân khúc này.

Hàng loạt doanh nghiệp công bố chiến lược phát triển nhà ở xã hội

Thị trường nhà ở xã hội đang chứng kiến một tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp công bố chiến lược tham gia phân khúc này. Đơn cử như trong đại hội cổ đông thường niên của Vinhomes mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, trong 5 năm tới doanh nghiệp này sẽ tập trung xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội tập trung tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… trong đó, ưu tiên trước khu vực lân cận TP.HCM và Hà Nội.

Theo đó, các dự án nhà ở xã hội của Vinhomes sẽ mang thương hiệu Happy Home, quy mô mỗi dự án từ 50 - 60ha. Những dự án này nằm tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của Vinhomes. Dự kiến giá bán căn hộ Happy Home sẽ dao động từ 300 - 950 triệu đồng mỗi căn.

Vinhomes hứa hẹn sẽ giúp “nâng tầm” nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích trong các dự án Happy Home như: Công viên, khu vui chơi trẻ em, sân chơi thể thao…

Dù chưa rõ kế hoạch cụ thể của Vinhomes nhưng việc doanh nghiệp hàng đầu chuyên phát triển các dự án nhà ở cao cấp sẽ bắt tay vào làm nhà ở xã hội là tín hiệu tích cực cho thị trường. Trong bối cảnh, phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang ngày một khan hiếm thì kế hoạch của Vinhomes sẽ mang đến cơ hội an cư cho người lao động thu nhập thấp.

Tương tự, tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Viglacera cho hay, doanh nghiệp đặt kế hoạch chuẩn bị và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000ha khu công nghiệp, 200ha nhà ở trong giai đoạn 2022 - 2023. Trong đó, đầu tư phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đồng bộ với phát triển khu công nghiệp hiện có như: Nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Đồng Văn IV (Hà Nam), Phú Hà (Phú Thọ), Đông Mai và Hải Yên (Quảng Ninh)...

Cũng trong năm nay, Viglacera sẽ tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư phát triển các dự án mới, có thể kể đến nhà ở công nhân/nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương - Đông Anh (theo chương trình của UBND TP. Hà Nội); khu nhà ở xã hội khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ); khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình).

Thị trường nhà ở xã hội đang chứng kiến một tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp công bố chiến lược tham gia phân khúc này. Ảnh minh hoạ.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã “đánh tiếng” chung tay xây dựng nhà ở thu nhập thấp như CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh, CTCP Đồng Tâm (Đồng Tâm Group), CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành cũng đã bắt tay làm hàng triệu nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai.

Theo thông tin công bố, các doanh nghiệp trên sẽ xây dựng khoảng 100.000 căn với giá bán dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Mức giá có thể thấp hơn nếu doanh nghiệp nhận được các ưu đãi về tiền sử dụng đất, lãi suất...

Theo giới chuyên gia, những năm qua trong khi giá nhà tại các đô thị lớn vẫn tăng không ngừng nghỉ, nguồn cung nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội “nhỏ giọt” khiến giấc mơ có nhà ở đô thị của hàng triệu người vẫn bỏ ngỏ thì việc các doanh nghiệp đặt kế hoạch tham gia phát triển phân khúc này hứa hẹn sẽ giải được bài toán đã tồn tại bấy lâu.

Mặt khác, việc các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi tham gia làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội sẽ giúp người mua yên tâm hơn về chất lượng của dự án. Bởi những doanh nghiệp lớn đã có uy tín trên thị trường với nhiều dự án cao cấp thì khi làm nhà bình dân cũng sẽ chỉn chu và bài bản hơn.

Đầu tư nhà ở xã hội chỉ khó giai đoạn đầu, bởi do được nhiều ưu đãi nên việc thẩm định sẽ chặt chẽ hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, khi đã “qua ải” này, thì mọi thứ sẽ vào guồng quay.

Vốn đã có nguồn vay ưu đãi từ gói hỗ trợ hoặc từ ngân hàng, nhiệm vụ của chủ đầu tư là quản lý tốt dự án và đưa ra giá bán cùng chính sách hợp lý. Hơn nữa, nhu cầu về nhà ở xã hội lớn và ổn định nên so với các dự án nhà ở thương mại thì đầu tư vào dự án nhà ở xã hội hiện nay vẫn được coi là kênh đầu tư ít rủi ro hơn đối với các chủ đầu tư.

Các địa phương cũng chú trọng nhà ở cho người thu nhập thấp

Kể từ đầu năm nay, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã công bố kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại địa bàn, qua đó nhằm thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển. Đồng thời hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở để góp phần bảo đảm an sinh - xã hội...

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã công bố danh mục dự án có sử dụng đất cần tìm nhà đầu tư đối với dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Nam Ngạn, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 700 tỷ đồng với thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích 2,69ha, cung cấp khoảng 870 căn hộ để ở với tổng diện tích sàn khoảng 63.270m2, đáp ứng nhu cầu ở cho gần 3.000 người là công nhân làm việc trong khu công nghiệp xung quanh khu vực thực hiện dự án. Các hạng mục công trình thực hiện bao gồm: Nhà ở xã hội cao tầng, sân, đường nội bộ, cây xanh cảnh quan, hệ thống công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, bãi đỗ xe nằm trong phạm vi ranh giới dự án hoàn chỉnh, đồng bộ.

Tương tự, Hà Nội cũng ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2022 với mục tiêu xây dựng 8.419.000m2 sàn nhà ở. Trong đó sẽ có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội.

Nhu cầu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng bức thiết. Ảnh minh hoạ.

Còn UBND tỉnh Bình Dương cũng có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, địa phương này phấn đấu phát triển 1 triệu căn nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Theo UBND tỉnh, đây là mục tiêu rất quan trọng nên cần thiết phải xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Về quỹ đất ở giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến diện tích đất ở tăng thêm 1.600ha. Trong đó, quỹ đất dành để xây dựng các dự án nhà ở thương mại khoảng 613ha; xây dựng nhà dân tự xây khoảng 728ha; việc phát triển các dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội hơn 259ha. Theo kế hoạch, nguồn vốn sẽ cần khoảng 130.000 tỷ đồng. 

Trong đó, vốn dự kiến dành cho nhà ở thương mại vào khoảng 49.800 tỷ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng... Vốn dự kiến dành cho nhà dân tự xây vào khoảng 59.150 tỷ đồng do người dân tự xây dựng từ nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình. Còn vốn dành cho nhà ở xã hội, nhà tái định cư vào khoảng 21.050 tỷ đồng từ nguồn thu thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội, nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn vay từ quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, các tổ chức tín dụng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có tờ trình để UBND TP phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc vào khoảng 27m2 sàn/người. Trong đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 28m2 sàn/người và tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người.

Với hàng loạt những chuyển biến tích cực, giới chuyên gia kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm "sáng" với phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội. Thực trạng mất cân đối cung, cầu của thị trường sẽ dần được khắc phục trong năm nay và các năm tới.

Tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, các dự án bất động sản tại nhiều địa phương vẫn phát triển theo phong trào. Theo quy định trước kia, kế hoạch phát triển nhà ở thường mang tính “hình thức”, bởi có thể dễ điều chỉnh, thêm - bớt.

Từ đó dẫn đến việc ở một số địa phương, khi xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở thì rất tốt, nhưng việc thực hiện lại chưa đạt hiệu quả, dẫn tới tình trạng dư thừa một số phân khúc bất động sản, trong khi có những phân khúc lại thiếu. Đặc biệt là thiếu ở phân khúc bất động sản vừa túi tiền, dành cho người có thu nhập thấp.

Theo đó ông Khởi cho rằng, cần có kế hoạch và quy định rõ ràng để tránh tình trạng nhiều địa phương tự động điều chỉnh chương trình, phát triển tự phát các dự án bất động sản.

Đối với mô hình nhà ở xã hội, ông Khởi nói: “Cần xác định mô hình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tên gọi không quan trọng, mà quan trọng là việc xác định cách thức, nội hàm của sản phẩm. Sản phẩm nào cho thuê, sản phẩm nào vừa bán vừa cho thuê? Xác định rõ mô hình phát triển nhà ở do Nhà nước quy định như nhà ở cho công nhân phải có chế định riêng là gì, hay mô hình nhà ở cho người dân trong đô thị thì khác như thế nào… từ đó mới có thể xây dựng cho phù hợp”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top