Aa

Doanh nghiệp bất động sản: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Thứ Hai, 30/10/2023 - 15:39

Tình hình cấp tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thị trường bất động sản hết khó khăn.

Cần tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng đô thị, dự án phát triển nhà ở chiếm 266.248 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 310.099 tỷ đồng…

Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.

Cụ thể, NHNN liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 2,0% so với cuối năm 2022).

Ngay từ đầu năm, NHNN cũng đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước) và phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD).

Đồng thời, chỉ đạo xuyên suốt các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 của NHNN cũng quy định rõ các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để bảo đảm triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.

Tiếp đó, Công văn số 6936/NHNN-TD ngày 5/9/2023 của NHNN gửi các TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận hấp thụ vốn tín dụng, đã yêu cầu tích cực triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chủ động, nhanh chóng hướng dẫn, giải quyết các đề nghị vay vốn của chủ đầu tư dự án cũng như người mua nhà.

Tại buổi tọa đàm "Triển vọng thị trường bất động sản" do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, hai điểm nghẽn lớn của bất động sản là thể chế và hấp thụ vốn. Trong đó, điểm nghẽn thể chế đang được tháo gỡ, còn điểm nghẽn hấp thụ vốn thì vẫn đang gặp khó khăn.

Ông Lịch nhấn mạnh: "Thị trường bất động sản và thị trường tài chính tuy hai mà một, liên thông với nhau, hai mặt của một vấn đề. Cho nên doanh nghiệp phải biết "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tức lấy cái cái không thay đổi ứng phó với cái thay đổi".

"Cho đến nay mọi lĩnh vực đều dương trở lại, riêng lĩnh vực bất động sản đi từ âm nhiều đến âm ít", ông Lịch chia sẻ và dự báo, "năm 2024 kinh tế sẽ tốt hơn năm 2023" và "khả năng gãy đổ đối với thị trường bất động sản thì không nhưng để tạo được một sự sôi động như năm 2019 thì khó".

Xử lý các tồn tại của trái phiếu bất động sản

Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2023, đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cho đến nay mọi lĩnh vực đều dương trở lại, riêng lĩnh vực bất động sản đi từ âm nhiều đến âm ít. Ảnh: Bảo Tín

Một tín hiệu tích cực là ngày 19/7/2023, Bộ Tài chính đã tổ chức lễ khai trương và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Thị trường hiện nay có 455 mã trái phiếu (cả TPDN và TPCP) niêm yết. Tính đến ngày 15/9/2023, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành (56,9 nghìn tỷ đồng). Cơ cấu nhà đầu tư mua TPDN chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5,18%).

Quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước; bình quân 9 tháng đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24,1% so với bình quân năm 2022.

Lũy kế đến 31/8/2023, có 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6% tổng số). Trong đó, nhóm bất động sản với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%).

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để tiếp tục phát triển thị trường phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, trong thời gian tới, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách; tổ chức thị trường hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu, bảo đảm tính công khai, minh bạch cho thị trường.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu mạnh hoạt động kinh doanh, tăng cường liên doanh, liên kết, đặc biệt thêm nguồn sản phẩm nhà ở bình dân và đưa giá bán sát với giá trị thực. Bởi thị trường hiện nay, sản phẩm phục vụ cho đầu cơ và cho người thu nhập cao đang áp đảo. Khi nguồn tiền của doanh nghiệp tăng trở lại, khả năng xử lý các tồn tại của trái phiếu bất động sản đối với bản thân những doanh nghiệp đang phát hành sẽ có thêm lối thoát.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top