Aa

Doanh nghiệp bất động sản không huy động được vốn vì khó khăn từ thị trường tài chính và trái phiếu

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Ba, 09/05/2023 - 14:19

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu rõ vấn đề này tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay (9/5).

Tâm lý chung trên thị trường e ngại, các giao dịch bị trì hoãn

Tại phiên, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022 nước ta đối diện với nhiều biến động nhanh, phức tạp, tiêu cực của tình hình thế giới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống cũng như vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế. Lãi suất cho vay cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, kênh huy động trái phiếu gần như đóng băng, thực hiện đầu tư công thấp hơn nhiều so với kế hoạch; tất cả các yếu tố này cộng hưởng càng làm nghẽn dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.

“Đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý sở hữu chéo, sở hữu vượt quy định trong lĩnh vực ngân hàng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng”, ông Thanh nêu.

Ông Vũ Hồng Thanh chỉ rõ, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng từ cuối Quý II/2022. Những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, các giao dịch bị trì hoãn.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong một số trường hợp còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao, dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; còn nhiều trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử; tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực.

Trong năm 2022, một số vấn đề văn hóa, xã hội, du lịch cần được quan tâm. Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực, dịch vụ, du lịch..., ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội trong thời điểm cuối năm. Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, y tế, phục vụ công tác điều trị của người bệnh gặp nhiều khó khăn. Du lịch quốc tế phục hồi chậm, “đi trước, về sau”, nước ta mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác, tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn còn điểm nghẽn, chất lượng, hiệu quả hoạt động du lịch còn bất cập.

Về tình hình thực hiện tế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Cụ thể, tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn. Tổng cầu yếu đã ảnh hưởng trực tiếp lên tổng cung của nền kinh tế. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận mức giảm.

chủ nhiệm ủy ban kinh tế vũ hồng thanh
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ những khó khăn cần được tháo gỡ của thị trường bất động sản. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông, thị trường xăng dầu đôi lúc còn điều hành, phối kết hợp chưa kịp thời, dẫn đến thiếu cục bộ, việc tăng giá điện gần đây cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Cùng với đó, nhiều vấn đề tồn tại từ lâu nhưng chậm được xử lý đã tạo ra những điểm nghẽn đối với nền kinh tế. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm. Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu. Giải ngân đầu tư công tuy cải thiện song vẫn chậm tạo áp lực lớn lên giải ngân, khả năng hoàn thành mục tiêu trong những quý còn lại của năm 2023.

Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao và tín dụng tăng trưởng thấp , cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sút vai trò huy động vốn cho nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật được quan tâm thực hiện nhưng công tác thực thi hiệu quả không đồng đều. Với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, hệ thống pháp luật đã được tích cực rà soát, hoàn thiện trong những năm qua. Đồng thời, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết với những chính sách chưa có tiền lệ để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Còn nhiều thách thức

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, vì vậy đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Thêm vào đó, cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Cần điều chuyển, sử dụng vốn linh hoạt, hạn chế phát hành trái phiếu Chính phủ khi chưa giải ngân được nguồn vốn huy động cũ. Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng đến hết 31/12/2023 cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng và dầu trên cơ sở diễn biến của giá xăng dầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Cần tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí phấn đấu giảm lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá phù hợp; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Triển khai, theo dõi chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Cần sớm triển khai chương trình giãn và hoãn nợ cho các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn. Ảnh minh họa: Reatimes.vn

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần khẩn trương thực hiện là đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia có tác động lan tỏa lớn. Cần theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19 các loại bệnh truyền nhiễm, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Đồng thời, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết để khai thác hiệu quả các thị trường. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển.

Ngoài ra, cần tập trung mọi nguồn lực khôi phục thị trường khách quốc tế, sớm bắt kịp đà tăng trưởng của du lịch thế giới. Phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá ở khác thị trường nguồn khác, nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top