Aa

Doanh nghiệp bất động sản mong được đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 06/08/2023 - 06:00

Điều mong mỏi của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại để doanh nghiệp tiếp tục duy trì các hoạt động vốn có.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,2% nhưng lại sụt giảm tới 17,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về sự tụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, trong 7 tháng qua, bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể lại tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, gồm 756 doanh nghiệp. 

Nhiều đánh giá cho rằng, thị trường bất động sản đã chuyển biến tốt hơn trong quý II/2023. Tuy nhiên, khó có thể đánh giá sức khoẻ thị trường bất động sản đã khởi sắc nếu nhìn vào những con số nói trên. Bởi thị trường sẽ không thể “khoẻ” nếu chủ thể chính là các doanh nghiệp vẫn còn “yếu và rất yếu”. 

Theo giới chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là cần thêm “thuốc” cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục. Nên lắng nghe doanh nghiệp đang cần gì, mong gì để tháo gỡ triệt để những vướng mắc mà họ đang gặp phải.

Doanh nghiệp mong được nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc

Trên thực tế, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản chiều ngày 3/8, các “ông lớn” bất động sản đã có cơ hội trình bày những khó khăn đang gặp phải, cùng những mong muốn được tháo gỡ thời gian tới. 

Phát biểu tại Hội nghi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Nguyễn Đình Trung cho biết, đã gửi nhiều kiến nghị đến Thủ tướng và Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục pháp lý cho dự án đến công đoạn cuối cùng, đặc biệt là giấy phép xây dựng. Doanh nghiệp này mong rằng, các cơ quan ban ngành từ Chính phủ đến các tỉnh thành có giải pháp hỗ trợ, đặt mục tiêu doanh nghiệp sớm được cấp phép xây dựng. 

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Cũng theo ông Trung, hiện chủ đầu tư chỉ được tiếp cận vốn vay ngân hàng khi đã hoàn tất thủ tục đất đai và thủ tục xây dựng dự án. Nhưng với quy trình thủ tục hiện nay sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước trong ngắn hạn cần điều chỉnh điều kiện cho vay linh hoạt theo từng giai đoạn như dự án. Vấn đề này rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp, ngân hàng, người tiêu dùng luân chuyển dòng tiền, tạo thanh khoản, tạo ra công ăn việc làm, tăng chi tiêu của người dân. 

Có cùng quan điểm, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland cũng kiến nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho toàn bộ dự án trên cả nước trong thời gian ngắn nhất, thông suốt từ địa phương đến Chính phủ, Quốc hội. 

Đặc biệt là làm rõ hơn kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để cán bộ địa phương có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm an tâm quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sáng tạo đột phá góp phần cho một nước Việt Nam phát triển.

Cùng với đó, lãnh đạo Novaland cũng kiến nghị, cần bảo đảm pháp lý cho kinh tế tư nhân yên tâm phát triển, không hình sự hóa kinh tế trên cơ sở ban hành các văn bản pháp lý; không phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. 

Đồng thời, có chính sách khuyến khích hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở những vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đô thị xanh giúp giảm phát thải, giúp phát triển địa phương tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân; góp phần vào an sinh xã hội.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Với lĩnh vực bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, Chủ tịch HĐQT Sun Group Đặng Minh Trường đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và mở rộng danh sách được miễn thị thực cho các thị trường như châu Âu, Ấn Độ. Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy tăng cường cấp thêm các "slot" chuyến bay quốc tế để đưa khách thị trường trọng điểm về Việt Nam.

“Chính phủ nên tăng cường phân cấp thẩm quyền hơn nữa hoặc kiến nghị Quốc hội phân cấp thẩm quyền đối với các lĩnh vực, thí điểm ở một số địa phương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trong lĩnh vực xây dựng, phân cấp thẩm quyền về thiết kế cơ sở, điều chỉnh quy hoạch cục bộ… và tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, cấp phép đối với lĩnh vực bất động sản”, ông Trường nói. 

Khó khăn thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó cần giải quyết

Có thể thấy, rất nhiều những đề xuất được các doanh nghiệp đầu ngành bất động sản đưa ra, nhưng tựu chung lại là tất cả đều mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là những mong muốn chính đáng. Bởi các doanh nghiệp hiện nay đang vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là đứng trước nguy cơ sụp đổ. 

Theo ông Đính, thời gian qua, Chính phủ đã rất rốt ráo trong việc hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục nhưng các chính sách dường như đang có tác dụng trấn an tinh thần là chủ yếu. Trong khi đó, điều thực sự cần hiện nay là việc tổ chức thực hiện chính sách phải đi vào thực tế, được đẩy nhanh tiến độ và sớm có hiệu quả. 

Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, cơ quan các cấp hơn lúc nào hết cần bắt tay vào giải quyết triệt để những khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hồi phục, thị trường địa ốc mới phục hồi. 

“Lúc này phải đi tận nơi, đến tận dự án của từng doanh nghiệp để hiểu rõ vì sao họ khó khăn, nguyên nhân khó khăn là gì, để từ đó nhanh chóng có phương án xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Nhận thấy khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản còn chậm, tại Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã chỉ ra, hầu hết vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương, chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng... Các địa phương đang tích cực giải quyết, song việc tháo gỡ vướng mắc còn nhiều khó khăn do quá trình thực hiện nhiều dự án kéo dài. Pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, nên các vướng mắc rất khó tháo gỡ.

Đáng chú ý, cán bộ, công chức có tâm lý sợ sai, nên đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm, không dám đề xuất, quyết định. Do đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ nên quán triệt đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top