Báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây cho rằng, nhu cầu ở thực của người dân hiện nay đang rất lớn nên hoạt động mua bán nhà vẫn đang diễn ra, bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Đó là lý do bất động sản lại là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất trong mùa dịch Covid-19.
Nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng, bất động sản luôn được đánh giá là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận một cách nhanh nhất và bền vững nhất. Thậm chí, những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản lâu năm thì chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào bất động sản cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản khó có thể nằm ngoài diễn biến của thị trường chứng khoán và chỉ số Vn-Index. Tuần qua (từ ngày 16 - 20/3), nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh, nhưng đa phần các mã lớn trong ngành này đều diễn biến tiêu cực. Tâm lý nhà đầu tư vẫn chịu tác động nặng nề từ những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, diễn biến xấu của thị trường chứng khoán Mỹ cũng tác động đáng kể lên tâm lý nhà đầu tư.
Chốt tuần, VIC giảm đến 10,8% xuống 82.500 đồng/cp và lấy đi của VN-Index 9,66 điểm, VHM giảm 11,4% xuống 63.800 đồng/cp và cũng khiến chỉ số này mất đi 7,85 điểm. Trong khi, VRE giảm 15,7% xuống 20.400 đồng/cp và điểm số lấy đi của VN-Index là 2,5. Bên cạnh đó, NVL cũng giảm 3,8% và tác động đáng kể đến VN-Index. Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu khác như CRE (-17,3%), NVT (-14%), NLG (-13,56%), VRC (-10,9%).
Mới đây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vừa gửi thông điệp cho nhân viên về các đối sách trước cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra.
Trong đó, doanh nghiệp này sẽ lập một quỹ nội bộ để đầu tư cổ phiếu HBC, với sự tham gia của các thành viên công ty. Lãnh đạo HBC cho rằng, đây là cách tốt nhất để tăng niềm tin của cổ đông, các nhà đầu tư và nhân viên.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, giá cổ phiếu HBC sáng ngày 23/3 là 7.350 đồng/cp, tương đương 50% so với giá trị sổ sách và không phản ánh đúng giá trị thật của Hoà Bình. Nguyên nhân do tác động tâm lý của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và do nhiều cổ đông đã đầu tư vào cổ phiếu bằng tiền vay và thế chấp bởi chính cổ phiếu HBC đã bị buộc phải bán ra để trả nợ khi giá xuống quá thấp.
Ông Hải cho biết tổng giá trị tham gia dự thầu hiện đạt trên 26.000 tỷ đồng, bao gồm cả công nghiệp, hạ tầng và nước ngoài. Nếu Hòa Bình nâng cao được năng lực cạnh tranh bằng nhiều giải pháp, trong đó chú trọng chất lượng nguồn nhân lực thì giá trị trúng thầu sẽ vượt trên 50% giá trị dự thầu, tức trên 13.000 tỷ đồng.
Cùng chiến lược, HĐQT Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CII) phê duyệt phương án mua lại tối đa 14,67 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Giá mua không vượt qua 25.000 đồng/cp, tương đương giá mua lại cổ phiếu các đợt trước. Công ty hiện có 35,3 triệu cổ phiếu quỹ với giá mua 852 tỷ đồng.
Cổ phiếu CII đã giảm hơn 30% so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán theo diễn biến chung thị trường xuống 18.800 đồng/cổ phiếu ngày 23/3.
Công ty cho biết tình hình hoạt động kinh doanh và tiến độ thực hiện các dự án hiện hữu của CII đang có một số tiến triển thuận lợi. Mới đây, CII đã hoàn tất phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản. Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng với lãi suất 11%/năm. Vốn huy động để giải ngân cho các dự án lớn như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, mở rộng Xa Lộ Hà Nội.
Năm 2020, CII đánh giá kết quả kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào tiến độ cơ quan nhà nước phê duyệt các hồ sơ pháp lý dự án. Do đó, công ty đưa ra 2 phương án cho kế hoạch kinh doanh gồm thận trọng và khả quan.
Với phương án thận trọng, doanh thu mục tiêu đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 42% so với kết quả thực hiện năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 808 tỷ đồng, giảm 16%. Với phương án khả quan, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng lần lượt 61% và 68%, đạt 6.600 tỷ đồng và 1.608 tỷ đồng.
Năm 2019, công ty đạt doanh thu 1.819 tỷ đồng, giảm 33%; lãi sau thuế gấp gần 5 lần đạt 1.072 tỷ đồng nhờ bán khoản đầu tư tài chính, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư và phân bổ khoản hỗ trợ của Nhà nước.
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã DIG) cho biết sẽ triển khai phương án mua 15 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 4,7% vốn điều lệ với mục đích tối đa hóa lợi ích cổ đông và doanh nghiệp.
Hay như, Công ty Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI) chào mua công khai 18,9 triệu cổ phiếu, tương đương với 30% vốn để giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành và tăng lợi ích cho cổ đông. Giá chào mua công khai là 22.100 đồng/cp và có thể thay đổi theo quyết định của Chủ tịch HĐQT tại thời điểm đăng ký mua.
HĐQT Công ty Bất động sản và Đầu tư VRC (mã VCR) trình cổ đông phương án mua lại tối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, ứng 10 triệu cổ phiếu.
Với mục tiêu gia tăng khối lượng cổ phiếu quỹ, HĐQT Công ty Đạt Phương (mã DPG) đã thông qua phương án mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với khối lượng tối đa 1,5 triệu đơn vị, tương đương với 3,33% vốn điều lệ.