Doanh nghiệp bất động sản đuối sức
Ghi nhận thực tế cho thấy, cuối tháng 7/2023, làn sóng các doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản vẫn tiếp tục xảy ra và đang có xu hướng tăng dần. Đơn cử ở TP Hồ Chí Minh, nhiều sàn giao dịch bất động sản đã tuyên bố ngừng hoạt động và giải thể như: Vieland, Goland, Kim Cúc Land, Hoàng Anh, DPV, Wonderland, Hiệp Long, Milestone Land,...
Giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp bất động sản ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, công ty ông đã giảm gần 80% nhân sự, chỉ giữ lại các vị trí trọng yếu. Tình hình kinh doanh ế ẩm khiến doanh nghiệp của ông phải ngừng hoạt động không thời hạn.
“Hiện tại, công ty chúng tôi không còn khả năng gồng gánh nên phải thông báo cho toàn thể nhân viên nghỉ việc và dừng hoạt động từ đầu tháng 7 vừa qua”, vị giám đốc này chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Tiến Đạt - Lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở ở TP Đà Nẵng cho biết, hơn 3 tháng nay, công ty anh liên tục bị mất tiền cọc vì không bán hết hàng cho các chủ đầu tư. Thêm vào đó là các khoản nợ ngân hàng phải trả, chi tiền trả lương cho nhân viên, thuê mặt bằng,...
“Với tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay, việc hàng loạt công ty bất động sản giải thể là điều rất bình thường. Riêng công ty tôi đã chạy quảng cáo bán hàng ròng rã 5 tháng trời nhưng chỉ bán được 3 căn hộ, lợi nhuận thu về không đủ để trả lương và chi phí vận hành. Lỗ chồng lỗ kéo dài khiến chúng tôi kiệt quệ, không còn sức để chống đỡ. Đến thời điểm hiện tại, công ty chúng tôi đã đóng cửa và ngừng hoạt động kinh doanh không thời hạn”, anh Đạt chia sẻ.
Tình thế ngày càng khó khăn
Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2023 có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp.
Trong quý I/2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm lần lượt 6,46%, 38,6% so với cùng kỳ năm 2022. Thậm chí, một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70-80%.
Về quy mô lao động, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với quý 2/2022.
Một số doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu. Khiến những doanh nghiệp này gần như ngừng hoạt động kinh doanh.
Các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đang đồng loạt rơi vào trạng thái “ngộp thở” trong thời gian dài, như “người sắp chết đuối”. Mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để có thể ngoi lên.
Động lực sống khiến các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng “vùng vẫy, quẫy đạp” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt.
Đưa ra dự báo về khả năng cầm cự của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới, báo cáo của VARS cho rằng, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được đến hết quý 3/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá, tình thế khó khăn hiện tại có doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguồn vốn chỉ là một khó khăn mới xuất hiện.
Theo vị chuyên gia của Savills Việt Nam, áp lực lớn nhất mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt là những vướng mắc pháp lý kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thành đầu ra của các sản phẩm bất động sản ngày càng cao ngất ngưởng. Cho nên, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp đồng bộ từ khơi thông vốn đến pháp lý mới tháo gỡ cục diện khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, trong mỗi giai đoạn khó khăn sẽ có những bài học khác nhau, rất khó để nói một điều gì đó rập khuôn. Ở thời điểm tại, sự linh hoạt và tầm nhìn sâu rộng về thị trường là yếu tố rất quan trọng. Tất cả các bên tham gia thị trường cần lắng nghe và quay trở lại các mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và cân đối dòng tiền để vượt qua khó khăn.
“Chúng ta không nên đóng khung theo một nguyên tắc thành công trước kia bởi trong giai đoạn đầy thử thách, thị trường sẽ có nhiều biến số”, ông Quốc Anh chia sẻ.