Aa

Doanh nghiệp bất động sản đứng trước thời cơ xoay chuyển về dòng vốn

Thứ Tư, 08/03/2023 - 06:08

Nghị định 08/2023/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức ban hành, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản xoay chuyển dòng vốn.

Những nút thắt cơ bản được tháo gỡ

Ngày 5/3, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế chính thức được Chính phủ ban hành, trong đó, nhiều "nút thắt" trói buộc doanh nghiệp về cơ bản đã được tháo gỡ.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, Nghị định 08 là tin vui đối với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản, khi giải tỏa được những khó khăn bị ràng buộc trước đó. Mặc dù Nghị định 65 không phải là nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, tuy nhiên những điều khoản khắt khe cũng bó buộc khiến nhiều doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu.

“Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi khi Nghị định 08 chính thức được ban hành, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp xoay chuyển về dòng vốn vì đây là nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng của doanh nghiệp. Đây cũng là căn cứ để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện đàm phán với các trái chủ, nhất là nhà đầu tư cá nhân về việc gia hạn nợ trong 2 năm hoặc được thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nghị định này cũng chú trọng bảo vệ nhà đầu tư cá nhân. Quan trọng hơn là tạo cơ sở để doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng ngồi xuống thương lượng nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho đôi bên. Trên tinh thần chia sẻ của trái chủ, doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh mới có dòng tiền trả nợ”, ông Điệp nói.

Nghị định 08 đã tháo gỡ nhiều nút thắt, mở ra cơ hội để doanh nghiệp bất động sản xoay chuyển về dòng vốn. (Ảnh: Reatimes)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Điệp, để đi đến thỏa thuận tốt đẹp cũng như có dòng tiền trả nợ sau 2 năm đòi hỏi sự thiện chí và nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Nếu không, mọi quy định cũng chỉ là bước lùi lại, chờ đợi tạm thời.

Đơn cử, Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp và trái chủ thỏa thuận đổi trái phiếu (cả gốc và lãi) lấy tài sản khác như: Căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, cổ phần, cổ phiếu… nhưng để đàm phán thành công, doanh nghiệp phải minh bạch thông tin và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để hoán đổi, cộng với giá cả ở mức chấp nhận được nhằm bảo đảm quyền lợi cho trái chủ.

“Các doanh nghiệp đã có được 2 năm quý giá để tái cơ cấu nợ nên phải rất nỗ lực để tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, làm sao để sau 2 năm có tiền thanh toán cho nhà đầu tư”, ông Điệp nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho biết, Nghị định 08 vừa ban hành vẫn giữ nội dung như đã trình bày ở dự thảo, trong đó doanh nghiệp chính thức được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa hai năm. Thực tế đây là việc nhiều doanh nghiệp đã làm, nhưng sẽ tốt hơn nếu có một quy định chuyên ngành rõ ràng để có căn cứ áp dụng.

Đồng thời, việc chuyển nợ xấu về tương lai cũng là cách làm hợp lý mà ngành ngân hàng đã làm. Tuy nhiên, ông Thuân lưu ý, sẽ cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát cụ thể với trái phiếu doanh nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư khi chờ đợi trong 2 năm.

Nghị định 08 cũng cho phép doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác, ví dụ như bất động sản nếu được nhà đầu tư chấp thuận. Mặc dù một số doanh nghiệp đã tiến hành thương lượng thanh toán nợ trái phiếu bằng bất động sản hay cổ phiếu, song theo ông Thuân, việc ban hành một quy định chuyên ngành rõ ràng sẽ là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ. Vấn đề là tài sản đó phải đầy đủ pháp lý và giá chuyển đổi hợp lý.

Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao uy tín

Nhiều chuyên gia nhận định, dù các quy định khắt khe đã tạm ngừng áp dụng thì doanh nghiệp vẫn phải chủ động nâng cao uy tín, minh bạch thông tin và nỗ lực tái cơ cấu mới đáp ứng được các điều kiện khi khởi động lại.

Tong thời gian hoãn thực thi một số điều khoản, doanh nghiệp cũng phải tự mình minh bạch thông tin, nâng cao uy tín, thận trọng trong việc phát hành trái phiếu. (Ảnh: Báo Đại đoàn kết)

Trong đó, việc hoãn xếp hạng tín nhiệm đang làm nảy sinh lo ngại về sự minh bạch trên thị trường, gây bất lợi cho nhà đầu tư là cá nhân với kiến thức về tài chính còn hạn chế. Do đó, ông Nguyễn Thế Điệp lưu ý, doanh nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện phù hợp để đáp ứng yêu cầu xếp hạng tín nhiệm. Nếu làm tốt xếp hạng tín nhiệm thì chỉ chuẩn hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao uy tín, niềm tin đối với thị trường trong nước mà còn có ý nghĩa khi phát hành ra quốc tế.

“Trong thời gian này, doanh nghiệp cũng phải chủ động minh bạch thông tin, nâng cao uy tín, thận trọng khi phát hành trái phiếu. Nếu không thì dù quy định có cởi mở đến mấy thì cũng khó thành công trong bối cảnh nhà đầu tư mất niềm tin nghiêm trọng như hiện nay”, ông Điệp nhận định.

Là đơn vị ủng hộ xếp hạng tín nhiệm, đại diện FiinRatings cho biết, hơi đáng tiếc khi Nghị định 08 hoãn xếp hạng tín nhiệm, bởi trong bối cảnh tâm lý của nhà đầu tư tiếp tục tiêu cực thì minh bạch thông tin là chìa khóa để lành mạnh hóa thị trường, khôi phục niềm tin và thúc đẩy nhà đầu tư trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Thuân, việc những nhà đầu tư tổ chức vẫn có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu họ muốn đầu tư, và một số doanh nghiệp cũng chủ động minh bạch thông tin cũng là điểm tích cực của thị trường thời điểm hiện tại. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động nâng cao uy tín hơn nữa, thông qua việc công khai thông tin và tự nguyện xếp hạng tín nhiệm, nhằm đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiến tới minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, Nghị định 08 cũng tạm ngưng định nghĩa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023. Theo ông Thuân, nhà đầu tư cá nhân có nhiều tiền tiết kiệm có thể trở lại thị trường nếu trái phiếu phát hành có chất lượng và minh bạch thông tin hơn, đồng thời lãi suất cũng phải đủ cao để bù đắp cho rủi ro mới hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.

“Nhìn chung, các quy định mới này cũng có giá trị tích cực và tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm xử lý vấn đề trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Còn việc khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu thì có lẽ phải cần thời gian và các giải pháp bổ sung tiếp theo”, ông Thuân nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top