Aa

Nghị định 65 giúp khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Tư, 21/09/2022 - 13:30

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Giới phân tích cho rằng, nghị định này đã có rất nhiều thay đổi theo hướng chuẩn hóa và nâng cao điều kiện phát hành, sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, quy định về giám sát mục đích sử dụng vốn, minh bạch thông tin và vai trò của các tổ chức trung gian.

Từ đó, Nghị định 65 được cho là sẽ giúp khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh phát hành sụt giảm mạnh trong thời gian qua.

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) Nguyễn Nam Sơn và Nguyễn Dương Công Nguyên nhận định, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu để hướng đến phát triển bền vững. Nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có nhiều biến động trong ngắn hạn, liên quan đến việc rà soát lại mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp đã và đang phát hành.

Các hoạt động này sẽ là nền tảng cho việc phát triển bền vững của thị trường trái phiếu trong dài hạn. Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, tiềm năng phát triển của thị trường này vẫn rất lớn. Nếu so sánh với các nước trong cùng khu vực thì tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên GDP của Việt Nam hiện đang ở mức thấp với 15% (GDP đã điều chỉnh), trong khi Thái Lan đạt khoảng 97% hay Malaysia với 58%.

Việc ban hành nghị định mới này thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tồn tại nhiều rủi ro, bất cập, dẫn đến những trường hợp sai phạm trong thời gian qua.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nghị định mới thêm quy định về đảm bảo tính công khai và đưa ra những chuẩn mực và tăng cường các chế tài và biện pháp giám sát thực thi và tháo bỏ những ràng buộc bất hợp lý với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

TS. Vũ Tiến Lộc kỳ vọng, tất cả những biện pháp điều chỉnh sẽ tăng cường được vai trò quản lý của nhà nước để bảo vệ được các nhà đầu tư. Mặt khác vẫn tạo ra không gian cho sự phát triển của thị trường trái phiếu thời gian tới.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 8 tháng năm 2022 có 344 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá khoảng 211.300 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, kể từ năm 2005 khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu hoạt động, tổng giá trị phát hành tính đến đầu quý III/2022 đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 5.000 đợt phát hành, đóng vai trò quan trọng giúp cung ứng vốn cho nền kinh tế. Quy mô thị trường hiện đã tăng mạnh 140 lần lên khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 18,3% GDP và bằng 14,2% dư nợ tín dụng toàn ngành.

Đặc biệt, giai đoạn 2019-2021 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với số lượng phát hành tăng đột biến. Chỉ tính riêng 3 năm trên, giá trị phát hành lên đến gần 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng phát hành từ 2005-2022 khiến quy mô/GDP tăng từ mức 7,3% trong năm 2018 lên gần 18,9% trong năm 2021.

Việc ban hành khung pháp lý nhằm tăng trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, minh bạch và quy định rõ nhà đầu tư, cách xác định nhà đầu tư cá nhân để tham gia thị trường trái phiếu phát hành riêng lẻ là rất quan trọng, khi phương thức pháp hành riêng lẻ chiếm đến khoảng 90% các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế, phần lớn các doanh nghiệp lựa chọn phát hành theo hình thức phát hành riêng lẻ (tỷ lệ phát hành riêng lẻ thường đạt từ 85-95% tổng lượng phát hành) do để phát hành qua công chúng và quốc tế doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu khắt khe với chi phí cao hơn.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, khi một nghị định mới chính thức được ra đời thay thế cho nghị định cũ còn nhiều bất cập sẽ giúp cho thị trường giải quyết vấn đề thị trường pháp lý. Bởi trước đây, có một giai đoạn quá độ khi nghị định cũ chưa hiệu quả, trong khi nghị định mới chưa được ban hành. Do đó, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp suy giảm mạnh, đặc biệt là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Việc chính thức ban hành Nghị định 65 mang tính chất khơi thông lại về mặt pháp lý giúp doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định mới có thể thực hiện phát hành trái phiếu mới.

Đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có căn cứ pháp lý để có thể thực hiện xét duyệt các hồ sơ phát hành mới. “Tôi nghĩ rằng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có tính khơi thông hơn, trong thời gian tới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trở lại”, ông Ngọc nói.

Theo ông Ngọc, Nghị định 65 không hạn chế một cách cứng nhắc là chỉ cho phép phát hành trái phiếu để thực hiện dự án, mà nhiều mục đích khác đều được chấp thuận, quan trọng là đơn vị phát hành phải thông tin tới thị trường và tới nhà đầu tư một cách đầy đủ, rõ ràng mục đích phát hành.

Ngoài ra, việc sửa đổi mục đích sử dụng vốn không dễ dàng như trước. Thay vào đó, để sửa đổi mục đích sử dụng vốn phải được cơ quan quản lý chấp thuận, cộng với việc phải có hơn 65% trái chủ sở hữu trái phiếu đồng ý với việc sửa đổi.

Không như trước đây, doanh nghiệp đăng ký mục đích sử dụng vốn và phát hành trái phiếu nhưng đến khi thu được tiền lại thay đổi mục đích khác, với Nghị định 65 thì rõ ràng việc không dễ dàng như trước.

Bên cạnh đó, người đại diện sở hữu trái phiếu cũng tham gia vào quá trình kiểm soát mục đích sử dụng vốn của đơn vị phát hành và phải có báo cáo định kỳ đến cơ quan quản lý. Như vậy sẽ có thêm một đơn vị giám sát quá trình sử dụng vốn phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, điều kiện tham gia mua trái phiếu riêng lẻ phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, quy định mới hiện nay đã chặt chẽ hơn. Như trước đây chỉ cần chứng minh có số dư trên tài khoản từ 2 tỷ đồng trở lên. Nhưng theo quy định mới, nhà đầu tư cần chứng minh số dư tài khoản từ 2 tỷ đồng trở lên nhưng là số dư bình quân tối thiểu 180 ngày trước thời điểm tham gia mua trái phiếu. Đây là số dư bình quân, không phải số dư tại một thời điểm như quy định trước đây và do đó, điều kiện đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chặt chẽ hơn.

Yếu tố nữa là mệnh giá trái phiếu theo quy định trước đây là 100 nghìn đồng, nhưng theo quy định mới là 100 triệu đồng. Điều này giúp sàng lọc nhà đầu tư nhỏ. Việc thêm quy định này cho thấy Nghị định 65 đã chặt chẽ hơn nhiều so với trước đây và phải thực sự là những doanh nghiệp chất lượng thì mới phát hành hiệu quả. Quy định mới rõ ràng là không gây khó khăn cho doanh nghiệp tốt, nhưng lại hạn chế được rất nhiều rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư.

Theo ông Ngọc, Nghị định 65 có tác động tích cực và rất lớn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề vốn và thúc đẩy sự thay đổi tích cực của doanh nghiệp về minh bạch thông, đồng thời hạn chế rủi ro của nhà đầu tư...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top