Chậm chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã khẳng định chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu và làm thay đổi nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Theo đó, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, bất động sản lại là ngành kinh tế đầu tàu của nền kinh tế nước ta. Đóng góp của ngành xây dựng, bất động sản trong GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11%. Những năm gần đây, thị trường bất động sản có những bước phát triển nhanh, đột phá, nhất là trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào phát triển thị trường.
Tại Diễn đàn bất động sản 2022: Proptech - xu hướng tất yếu của thị trường do báo Thanh niên tổ chức chiều 13/12, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, cùng với xu thế chung của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Đáng chú ý là có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã triển khai sử dụng các phần mềm hiện đại trong quản trị doanh nghiệp như quản lý dự án, quản lý thông tin khách hàng, quản lý sàn giao dịch qua đó giúp cho hiệu quả công việc cao hơn.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động, trong đó một số công ty, sàn giao dịch bất động sản đã ứng dụng rất tốt việc chuyển đổi số trong hoạt động giao dịch, môi giới bất động sản.
Đơn cử như công ty cổ phần Vinhomes nghiên cứu và cho ra mắt tính năng Trợ lý ảo tích hợp trên các ứng dụng giúp khách hàng tra cứu các thông tin dịch vụ và sản phẩm bất động sản dễ dàng hơn. Hay sàn giao dịch bất động sản Cen Land - sở hữu cơ sở dữ liệu và hệ thống định giá bất động sản online lớn với độ chính xác cao nhờ áp dụng các công nghệ và trí tuệ nhân tạo AI…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng thừa nhận vẫn còn những tồn tại, rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp bất động sản. Điển hình phải kể đến như hệ thống dữ liệu thông tin về thị trường bất động sản, đất đai, nhà ở còn thiếu đồng bộ; ứng dụng công nghệ thông tin từ Trung ương đến địa phương chưa được triển khai đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ cao còn thiếu…
“Để chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản thành công thì không chỉ có các nhà đầu tư, nhà phân phối bất động sản mà các doanh nghiệp từ các lĩnh vực có liên quan như: Vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế, kiến trúc, thiết kế cung cấp trang trí nội ngoại thất… đều phải chủ động, thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp trong thời gian tới để tiếp tục phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doạnh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Khắc Thế, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, trên thị trường bất động sản, thông tin về pháp lý, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thửa đất là rất quan trọng. Mặc dù pháp luật đã có quy định về việc tiếp cận và khai thác thông tin đất đai, đảm bảo minh bạch và kịp thời, nhưng trên thực tế, người dân, doanh nghiêp tiếp cận thông tin vẫn còn khó khăn, điều này là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tung tin đồn, thổi giá bất động sản, lừa đảo bán các “dự án ma” và nhiều hệ lụy khác.
“Khi ứng dụng chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu đất đai được chia sẻ và khai thác, người dân và các doanh nghiệp, tổ chức có thể truy cập tra cứu thông tin chính thống từ cơ quan quản lý trước khi quyết định mua một bất động sản, từ đó góp phần làm minh bạch, ổn định thị trường bất động sản, phát triển bền vững hơn”, ông Thế nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng chia sẻ, Proptech là xu hướng tất yếu, tốc độ chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp.
Theo chuyên gia này, trong tương lai, doanh nghiệp bất động sản “chậm chân” chuyển đổi số sẽ khó có chỗ đứng trên thương trường. Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động, nhanh chóng nắm bắt, có chiến lược chuyển đổi số để giành được vị thế cạnh tranh.
Cụ thể, trong ngắn hạn, chuyển đổi số là một khoản đầu tư để giúp doanh nghiệp phát triển về hạ tầng nội tại. Trong dài hạn, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có được một môi trường nhận thức, tư duy cách làm kiểu mới, có thể tiến nhanh, linh hoạt hơn, đem lại sản phẩm có giá trị cao hơn cho khách hàng, tối ưu được chi phí và gia tăng được doanh thu.
Nâng cao thang điểm chuyển đổi số trong ngành bất động sản
Diễn đàn cũng ghi nhận quan điểm của các doanh nghiệp đang triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản. Theo đó, ông Bùi Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TNTech, Trưởng ban Công nghệ Tập đoàn TNG Holdings Vietnam chia sẻ, hiện nay nhà nhà, người người nhắc đến chuyển đổi số, nhưng thực tế chuyển đổi số như thế nào thì không nhiều người biết phải bắt đầu từ đâu. Dựa trên các mô hình đánh giá thang điểm trên thế giới, theo ông Khánh, hiện chúng ta mới được khoảng 1,6 điểm trong thang điểm 5, trong khi trung bình thế giới là 3,2, tức là “chúng ta rất xa so với mô hình chuyển đổi số bất động sản toàn cầu”.
Dù vậy, khi các doanh nghiệp bất động sản xác định được đang đứng ở đâu, họ sẽ biết đi về đâu. Câu hỏi đặt ra là làm sao quản lý được, minh bạch hoá để cung cấp thông tin cho khách hàng? Từ kinh nghiệm của TNG Holdings Vietnam, ông Khánh cho biết các dữ liệu sẽ được số hoá để công khai, minh bạch hoàn toàn cho khách hàng.
Còn ông Chu Quang Tú, Phó Tổng giám đốc Công nghệ và Sản phẩm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land chia sẻ, thực tế thói quen của người dân rất khó khăn để thay đổi khi bắt nhịp với việc chuyển đổi số trong bất động sản.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một doanh nghiệp ứng dụng rất nhiều sản phẩm công nghệ, theo ông Tú, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp mong muốn, nhu cầu sở hữu nhà, cho thuê nhà trở nên rõ ràng, tất cả doanh nghiệp, đại lý, khách hàng sẽ được tham gia vào cuộc chơi win - win.
Tại Diễn đàn, đa số các chuyên gia và doanh nghiệp cũng thống nhất quan điểm chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản cũng là một bài toán khó cần có sự quyết tâm của Bộ Xây dựng cũng như các các bộ, ban ngành có liên quan.
Trong đó, các bộ, ngành tạo ra hệ thống pháp luật, pháp lý để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp cùng đầu tư hạ tầng công nghệ để dễ dàng kết nối, liên thông với nhau.
“Bất động sản không chỉ là nhà ở, công trình xây dựng, đất đai... rất nhiều thông tin như quy hoạch, tài chính, thuế, nguồn cung, giao dịch… và cần thiết phải có hệ thống dữ liệu chung để các chủ thể khi tham gia vào đây đều có thể dễ dàng kết nối với nhau”, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định.
Kết thúc phiên Diễn đàn, các đại biểu thống nhất quan điểm đưa vào Kiến nghị: Cụ thể, các đại biểu đề nghị Bộ Công an cho phép và hỗ trợ truy cập vào hệ cơ sở dữ liệu cư dân, doanh nghiệp, bảo hiểm… để làm giàu dữ liệu và triển khai các sản phẩm bất động sản phù hợp tệp khách hàng.
Đề xuất Bộ Tài chính có hướng dẫn và hỗ trợ các giải pháp đầu tư phân tán, micro investment, DeFi, kết hợp giữa ngân hàng bảo hiểm, doanh nghiệp. Cho phép thí điểm các giải pháp kết hợp công nghệ với tài chính ngân hàng và bảo hiểm.
Đề nghị Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì tạo cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp trong lĩnh vực số và bất động sản xây dựng cơ chế xã hội hóa số hóa, hợp tác nghiên cứu, khai thác và chia sẻ dữ liệu trên khung cơ chế về cơ chế tài chính phù hợp quyền lợi mỗi bên.
Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đưa các tiêu chí về chuyển đổi số vào thẩm định, phê duyệt các dự án tạo tiện ích cho các nhà đầu tư tiếp cận và thuận tiện trong giao dịch bất động sản.
Đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông dòng vốn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản triển triển khai thực hiện, hoàn thành dự án dở dang, tạo nguồn cung và đẩy mạnh phát triển thị trường.
Những kiến nghị này sẽ được ban tổ chức Diễn đàn Bất động sản 2022: Proptech - Xu hướng tất yếu của thị trường chuyển tới Chính phủ và bộ, ngành, để lắng nghe, xử lý và giải quyết trong thời gian tới./.