Aa

Doanh nghiệp địa ốc chạy nước rút cho kế hoạch năm mới

Thứ Năm, 02/01/2020 - 06:27

Những ngày cuối năm 2019, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu có những kế hoạch đầu tư, giới thiệu dự án bất động sản mới ra thị trường, trong đó phần lớn nằm ở các tỉnh vùng ven với quy mô khá lớn.

Ảnh: Trọng Tín

Nhiều kế hoạch lớn

Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Seaholdings cho biết, chiến lược sắp tới của Seaholdings là tiếp tục nỗ lực để tạo ra những bước đột phá. Bên cạnh việc kiên trì đi theo những chiến lược đã được vạch ra trong những năm vừa qua, Seaholdings sẽ có những hướng phát triển phù hợp với tình hình mới của thị trường.

“Điểm nhấn của Seaholdings trong năm 2020 là ra mắt dự án ven sông The Pearl Riverside tọa lạc tại Bến lức (Long An) có quy mô gần 5 ha, gồm khoảng 250 sản phẩm là nhà phố liền kề, nhà phố song lập, biệt thự và thương mại”, ông Phương nói và cho biết thêm, song song với thị trường TP.HCM và Long An, Seaholdings sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sang các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai với những phân khúc như nhà phố thương mại, căn hộ trung cấp.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Corp cũng chuẩn bị khá kỹ cho thị trường năm 2020. Trong quý I/2020, Hưng Thịnh Corp dự kiến ra mắt dự án chung cư với gần 1.000 căn hộ tại Làng đại học Quốc gia TP.HCM tại thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Đồng thời, tập đoàn này cũng sẽ cho ra mắt thị trường dự án Grand Center Quy Nhon tại Bình Định với quy mô hơn 7.000 m2, bao gồm khu căn hộ và khu văn phòng. Đây là dự án thứ 2 của đơn vị này tại thị trường Bình Định sau Quy Nhon Melody. Theo đại diện Hưng Thịnh Corp, thị trường bất động sản Quy Nhơn đang trên đà phát triển, nhu cầu về chỗ ở của cư dân sinh sống tại đây đang tăng cao nên kỳ vọng sự phát triển của các dự án tại khu vực này là có cơ sở.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia cũng vừa công bố đã hoàn tất thủ tục để nhận chuyển nhượng 100% dự án 2.000 căn hộ quy mô 3,1 ha tại huyện Bình Chánh, TP.HCM và sẽ cho ra mắt thị trường vào đầu năm 2020. Cũng trong năm 2020, doanh nghiệp này cũng sẽ niêm yết 75 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho kế hoạch năm 2020. Ảnh: Lê Toàn

Một ông lớn khác trong làng địa ốc là Tập đoàn Novaland bên cạnh các dự án tại TP.HCM, cũng phát triển ra các thị trường nghỉ dưỡng nằm trong chiến lược lâu dài. Hiện doanh nghiệp này đang triển khai các dự án nghỉ dưỡng lớn như NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas.

Còn một số đơn vị như Phát Đạt, DRH Holdings, Phúc Khang… cũng lên kế hoạch khai phá mạnh thị trường các tỉnh lân cận TP.HCM trong các năm tới trước bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm. Trong đó, một số thị trường mới nổi như Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi… được các doanh nghiệp gọi tên khi nhìn về dài hạn, tiềm năng phát triển còn khá lớn.

Đan xen cơ hội và thách thức

Có thể thấy, thời điểm cuối năm 2019, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đã bắt đầu có những kế hoạch đầu tư, giới thiệu dự án bất động sản ra thị trường, trong đó phần lớn nằm ở các tỉnh vùng ven với quy mô khá lớn. Xu hướng này cũng đã xuất hiện trên thị trường bất động sản trong năm vừa qua. Động thái “đánh bắt xa bờ” đã hình thành trước bối cảnh quỹ đất tại TP.HCM đang dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc, trong đó có những “ông lớn” trong ngành đã lên kế hoạch tấn công mạnh thị trường tỉnh và dự báo đây sẽ trở thành một chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp này trong giai đoạn tới. Vì vậy, trong năm 2020, nhiều khả năng dòng tiền sẽ tiếp tục chảy về các thị trường lân cận, đặc biệt là tại những khu vực hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đã và đang được hoàn thiện hay sở hữu những tiềm năng lớn về du lịch nghỉ dưỡng.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, năm 2019, thị trường có một điểm nghẽn là mất cân đối cung - cầu nên năm 2020 tác động này tiếp tục diễn ra. Các doanh nghiệp phải đối mặt, củng cố và nắm bắt cơ hội tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, đầu tư thêm nguồn lực nắm bắt cơ hội, với các chiến lược dài hơn với tầm nhìn 10 năm trở nên mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững.

Cũng theo bà Hương, năm 2020 là năm thị trường bất động sản có sự sàng lọc mạnh. Các chủ đầu tư chịu nhiệt kém sẽ rời bỏ cuộc chơi và nhường lại sân chơi cho các chủ đầu tư có thương hiệu, nguồn lực và chiến lược phát triển bền vững dài hạn. Các dự án có tính pháp lý đầy đủ các chủ đầu tư có năng lực để triển khai dự án theo cam kết và chất lượng sản phẩm, dịch vụ kết hợp với hoàn thiện cảnh quan cảnh quan tiện ích sẽ được các nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn.

“Ngoài ra, dòng tiền đang dịch chuyển về vùng lân cận, nhà đầu tư sẽ gia tăng đầu tư vào những vùng đất mới, nhất là khu vực có tiềm năng thu hút khách du lịch. Hiện tại, có nhiều khu đô thị mới được hình thành, cơ sở tầng đảm bảo góp phần nâng cao bộ mặt đô thị địa phương, giảm tải áp lực ở thành phố lớn”, bà Hương nói.

Trong khi đó, chính sách siết tín dụng của Ngân hàng nhà nước cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp. Vì vậy, để “đối phó” với chính sách này, giới phân tích cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cần chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản trước mắt có gây áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó là áp lực lành mạnh, có tính tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng, nhằm phát triển thị trường bền vững.

“Việc siết tín dụng này sẽ có tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp cũng như thị trường nói chung bởi nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Bởi hiện nay, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản, nhưng mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nên thị trường chứng khoán chưa thực sự là kênh dẫn vốn cho địa ốc”, ông Châu phân tích và nói thêm, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng nhằm phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Nhận định về thị trường bất động sản 2020, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường bất động sản năm 2020 sẽ đứng trước những khó khăn và thách thức về chính sách, cơ chế. Tuy nhiên, đối với những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, có những kế hoạch ứng phó với sự biến động của thị trường và thanh khoản mang tính dài hơi thì sẽ phát triển.

“Năm 2020, doanh nghiệp cần phải minh bạch hơn, trong bối cảnh hội nhập 4.0, thị trường đang có sự điều chỉnh và có sự giám sát chặt chẽ từ Nhà nước. Đã đến lúc doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hơn, cần cơ cấu lại các mặt hàng, sản phẩm cho cân đối, phù hợp thị trường”, ông Lực nói và phân tích thêm, các doanh nghiệp phải chú trọng đa dạng hóa kênh huy động vốn, phát hành trái phiếu minh bạch. Cùng với đó là tích cực, chủ động theo dõi, phân tích và dự báo tình hình thị trường, chủ động tăng khả năng thích ứng, chống chịu rủi ro, cú sốc từ bên ngoài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top