Aa

Doanh nghiệp địa ốc “dẫm chân nhau” đi săn quỹ đất

Thứ Bảy, 22/12/2018 - 03:23

Xu hướng dịch chuyển về vùng ven đã bắt đầu gia tăng từ năm 2017, bùng nổ trong năm 2018 và được dự báo sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019.

Cuộc chiến săn quỹ đất vùng ven sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019. Ảnh minh họa: internet

Cuộc chiến săn quỹ đất vùng ven sẽ khốc liệt hơn trong năm 2019. Ảnh minh họa: internet

Theo giới chuyên môn, đây là lựa chọn tất yếu của các doanh nghiệp khi thị trường TP.HCM gần như đã cạn quỹ đất để phát triển dự án mới. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đầu ngành đều chuyển hướng về tỉnh thay vì bám trụ ở thành phố.

Các tập đoàn lớn như Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Thủ Đức House, LDG Group, Phú Long… đều tuyên bố chiến lược năm 2019 sẽ ưu tiên săn quỹ đất đẹp để phát triển dự án ở các thị trường tỉnh quen thuộc như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết. Bên cạnh đó, các khu vực mới như Cần Thơ, Bà Rịa, Ninh Thuận, Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Lạt và Quãng Ngãi… cũng được chú trọng khai phá.

Nhìn nhận về xu hướng dịch chuyển của doanh nghiệp năm 2019, ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc LDG Group cho rằng, đây là dòng chảy không thể tránh khỏi của thị trường. Các chủ đầu tư và nhà phát triển bất động sản buộc phải đánh bắt xa bờ khi mà quỹ đất TP.HCM ngày càng hạn chế và giá ngày càng cao. Năm 2019 sẽ là năm bùng nổ phát triển bất động sản ở các thị trường tỉnh, không chỉ là các khu vực quen thuộc mà ở cả những thị trường chưa được khai phá trước đó.

Ông Khang cho biết, hiện nay việc tìm kiếm quỹ đất vùng ven cũng không còn là chuyện dễ dàng, các doanh nghiệp đang phải “dẫm chân nhau” đi săn quỹ đất đẹp. Yếu tố quỹ đất đang tác động trực tiếp đến việc tìm kiếm nguồn vốn phát triển của doanh nghiệp. Xu hướng huy động vốn được xem là chủ chốt và ổn định nhất hiện nay, có thể thay thế cho vốn ngân hàng là huy động qua sàn chứng khoán. Tuy nhiên, muốn huy động qua kênh này thì doanh nghiệp cũng phải chứng thực năng lực thông qua hoạt động của các dự án, lượng quỹ đất.

Với những doanh nghiệp phát triển dự án mới, xu hướng đổ về tỉnh là không thể tránh khỏi. Quỹ đất đẹp ở Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Phan Thiết, Vũng Tàu gần như đã được thâu tóm, người đến sau sẽ phải chấp nhận khai phá thị trường mới.

Ngoài ra, quỹ đất khan hiếm cũng tác động mạnh đến xu hướng M&A bất động sản của các doanh nghiệp trong nước với khối ngoại. Lợi thế hiện nay là Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư quốc tế, khối ngoại không tiếc tiền đổ vào các thị trường tiềm năng và doanh nghiệp uy tín. Tuy nhiên bài toán quỹ đất, vốn là lợi thế lớn nhất của khối nội cũng chính là khúc mắc lớn nhất trong hoạt động thu hút các thương vụ mua bán sáp nhập từ doanh nghiệp ngoại.

Nhận định về thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp khi phát triển dự án ở vùng ven, bà Hà Thị Thục Uyên - Giám đốc kinh doanh Công ty Công nghệ Bất động sản Rever cho rằng, khi đổ về vùng ven, doanh nghiệp có lợi thế là hưởng lợi lớn ở chính sách giãn dân của TP.HCM. Với chính sách này, bất động sản vùng ven sẽ có sự trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhờ lợi thế “sinh sau, nở muộn” của cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị ở các vùng ven cũng sẽ hiện đại hơn, phát triển hơn cơ sở hạ tầng già cỗi và hạn hẹp ở các khu trung tâm. Dễ thấy là nếu như trước đây ở vùng ven chủ yếu phát triển đất nền và giao dịch đất nền, thì hiện nay đã có nhiều dự án chung cư, nhiều khu đô thị phát triển ở các khu vực vùng ven. Giá đất, giá căn hộ ở khu vực vùng ven lại rẻ hơn nhiều so với khu vực trung tâm, trong khi tiện ích không hề thua kém thậm chí còn tốt hơn như Long An, Bình Dương thu hút nhiều người mua nhất là những người có nhu cầu ở thật.

Thêm vào đó, TP.HCM đã chính thức bỏ chính sách phải có hộ khẩu mới được làm việc ở bệnh viện, trường học trên địa bàn. Chính sách này tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân có thể mua đất ở Long An, Bình Dương, Đồng Nai mà vẫn có thể làm việc, học tập ở địa bàn thành phố. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở các tỉnh cũng đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nhiều ưu đãi nhằm kêu gọi và thu hút các chủ đầu tư góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt cũng không hề ít. Bà Uyên nhìn nhận, hiện nay hạ tầng giao thông của các tỉnh đã phát triển mạnh hơn nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu đồng bộ. Lợi thế chủ yếu tập trung ở những khu vực kết nối trực tiếp vào TP.HCM, còn lại vẫn khó khăn. Nhiều dự án hạ tầng đang triển khai ở tỉnh bị chậm tiến độ, nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thiện khiến doanh nghiệp triển khai dự án khó thu hút cư dân về sinh sống.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư bất động sản đang rất cần quỹ đất để thực hiện dự án và các tỉnh đều có chủ trương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện dự án như vướng mắc khâu đền bù giải tỏa, hay khi đền bù xong, đất lại bị tái chiếm...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top