Trải qua chu kỳ đóng băng 2011 - 2013, thị trường bất động sản mới bắt đầu rục rịch ấm dần lên trong vài năm trở lại đây. Với hàng loạt các chính sách kích cầu, quá trình vận động của thị trường đã bắt đầu đi vào quỹ đạo bình ổn.
Bước sang giai đoạn năm 2016 – 2017, thị trường bất động sản đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ khi giao dịch ở các phân khúc diễn ra sôi động. Đặc biệt, sự xuất hiện của phân khúc condotel đã khiến thị trường bất động sản trở thành cuộc chơi đầy hấp dẫn các dòng tiền và khách hàng tham gia.
Cũng từ năm 2016 đến đầu năm 2018, phân khúc đất nền cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến, kéo theo tỷ suất lợi nhuận khổng lồ cho các nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia bất động sản, bởi sự kỳ vọng vào diễn biến tích cực của thị trường, hàng loạt công ty địa ốc đã ra đời. Báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2017 có 5.065 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới với tổng số vốn trên 388.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình một ngày có 14 doanh nghiệp bất động sản ra đời. Số vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp địa ốc là 77 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.
Cũng theo Cục Đăng ký kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2018 ghi nhận hơn 52.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo lĩnh vực hoạt động, nhóm ngành bất động sản tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký mới, lần lượt đạt 41% và 29%. Cụ thể, có 2.623 công ty địa ốc được thành lập với tổng vốn gần 150.000 tỷ đồng. Ước tính bình quân mỗi ngày nhóm ngành này ghi nhận thêm 17 doanh nghiệp thành lập.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia bất động sản, sự gia tăng của các công ty địa ốc trong thời điểm thị trường đang đi vào quỹ đạo bình ổn có thể là tín hiệu nhiều rủi ro.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, hiện nay, các công ty bất động sản đang mọc lên như nấm. Nếu trước đây, luật quy định chặt chẽ về sự ra đời của các sàn giao dịch như tiêu chuẩn ra sao, số lượng và trình độ nhân viên cũng phải đạt tiêu chuẩn nhất định thì từ năm 2014 trở lại đây, mọi quy định đều được nới lỏng.
“Để thành lập một sàn giao dịch bất động sản rất dễ, chỉ cần 3 – 4 người đã có thể chung nhau mở một sàn giao dịch. Nếu trước đây việc kiểm tra giám sát rất chặt chẽ và nghiêm khắc thì vài năm trở lại đây, công tác này gần như bị bỏ ngỏ. Số lượng công ty bất động sản ra đời quá nhiều đang tạo nên một sự hỗn loạn cho thị trường. Tất cả những gì quá đều sẽ không tốt. Nhưng nhìn thực tế, bây giờ ai cũng cũng đổ xô đi bán bất động sản, ai cũng cho rằng mình cũng có thể tự đi giao dịch và tạo ra một số lượng nhân viên môi giới “tạp” lớn”, ông Quyết phân tích.
Theo vị lãnh đạo Công ty Đất Xanh Miền Bắc, cách đây 3 năm, để bán được hàng, sàn giao dịch phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn: đầy đủ giấy tờ, có quảng cáo và quảng cáo phải đúng... Hiện nay, chỉ cần một nhà đầu tư cá nhân, một đơn vị giao dịch nhỏ đã có thể tự đăng ký bán hàng với chủ đầu tư.
Ông Quyết chia sẻ: “Nhiều nhân viên của tôi xin nghỉ việc cùng rủ nhau mở sàn giao dịch. Tuy nhiên, một số anh em chỉ “đếm cua trong lỗ” mà không tính trước rất nhiều vấn đề phát sinh khi mở một công ty. Đó là quyền lợi, chế độ cho người lao động, là một loạt các nghĩa vụ phải thực hiện, là chiến lược phát triển lâu dài của cả một công ty chứ không đơn thuần là những đồng lãi trước mắt”.
Đánh giá về tác động của sự ra đời ồ ạt của các công ty địa ốc, ông Quyết cho rằng, khi thị trường bất động sản trầm xuống thì buộc nhiều công ty phải giải thể. Một bộ phận phải chuyển nghề khác và hệ quả là tạo nên sự dư thừa trong xã hội.
Chưa kể, tác động của công ty bất động sản rơi vào hoàn cảnh khó khăn sẽ tạo nên hiệu ứng domino, ảnh hưởng đến tâm lý của những người tham gia thị trường bất động sản.
“Chắc chắn nếu có quá nhiều doanh nghiệp bất động sản được thành lập sẽ tạo ra sân chơi có quá nhiều đối thủ trong đó. Trong lĩnh vực bất động sản khi các đối thủ tạo ra sự cạnh tranh bằng rất nhiều phương pháp không chính thống sẽ đẩy giá lên và tạo ra nhu cầu ảo. Rồi rất nhiều doanh nghiệp vốn không có hoặc rất ít vốn để có thể hoạt động lành mạnh qua cách lôi kéo khách hàng và kinh doanh không chính thống sẽ tạo ra một thị trường hỗn loạn. Thành ra đây là điều các cơ quan chức năng khi cho phép các doanh nghiệp bất động sản đăng ký cần cẩn thận đưa ra các tiêu chí khắt khe hơn để hạn chế việc cấp phép tràn lan như vậy". TS. Nguyễn Trí Hiếu (Theo Trí thức trẻ) |