Khó cho doanh nghiệp
Đại diện Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ cuối năm 2004. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và được UBND TP cấp giấy đỏ. Theo đó, Công ty đã đầu tư xây dựng hình thành nên khu đô thị mới Dragon City.
Tuy nhiên, cho đến nay tại phân khu 15 của dự án vẫn còn tồn tại một hộ dân chưa chịu di dời, thậm chí còn có hành vi cản trở doanh nghiệp làm dự án. Trước tình hình đó, Công ty Phú Long đề nghị TP.HCM và huyện Nhà Bè hỗ trợ giao đất đầy đủ để dự án được hoàn thiện.
Tương tự, ông Bùi Tiến Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng cho biết hiện doanh nghiệp đang đầu tư dự án khu liên hợp văn phòng - căn hộ - thương mại rộng hơn 5.000m2 tại khu vực giao lộ Tản Đà - Hàm Tử, quận 5. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp vướng nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền sẽ khó vượt qua.
"Trong 57 hộ dân được bồi thường tái định cư chỉ còn một hộ không chịu di dời và không có thái độ hợp tác. Hộ dân này không chấp nhận bồi thường theo phương án TP duyệt là khoảng 4 tỷ đồng mà đòi lên gần 30 tỷ đồng, tức tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng/m2" - ông Thắng cho biết.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông Đinh Văn Mười - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietcomreal cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại tình trạng quy định pháp lý của Việt Nam thay đổi liên tục và khả năng hồi tố của chính sách. Nhiều dự án đầu tư đến giai đoạn chuẩn bị bàn giao nhà rồi mà vẫn bị tạm dừng khiến nhà đầu tư hoang mang.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA thừa nhận theo phản ánh của các hội viên vẫn còn nhiều quy định, thủ tục về cấp phép đầu tư dự án bất động sản gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Những quy định mới như tạm ngưng cấp phép dự án mới ở trung tâm, tạm ngưng chuyển mục đích sử dụng đất một số dự án tại Q.Phú Nhuận gây hoang mang cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà, có thể gây khan hiếm nguồn cung dự án mới của TP.HCM trong những năm tới.
Không để doanh nghiệp chịu thiệt
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Xanh nhận định năm 2019, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nguy hiểm, nhất là doanh nghiệp có nguồn gốc đất công bởi nếu đấu giá, định giá lại, tiền sử dụng đất tăng thì khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định muốn được công nhận là chủ đầu tư thì đất phải là đất ở cũng gây khó cho doanh nghiệp vì còn lâu các dự án mới được triển khai.
Ông Đực dẫn chứng, dự án 5.000m2 tại quận 8 của công ty hiện gặp khó trong việc đóng tiền diện tích sử dụng đất tăng thêm (khoảng 125m2 do quy hoạch đường ngang qua dự án hẹp lại) để triển khai dự án. Lý do là phải chờ Sở Xây dựng TP yêu cầu thẩm định giá, chuyển các sở, đưa ra hội đồng xét duyệt. Ông Đực cho rằng phần diện tích này doanh nghiệp chỉ dùng làm công viên nên kiến nghị giải quyết thủ tục bằng cách đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn thừa nhận, hiện chỉ có khoảng 25% dự án xin cấp phép bảo đảm đất ở hợp pháp khi nộp hồ sơ. Còn lại 75% dự án là đất nông nghiệp, đất giải phóng mặt bằng, chuyên dùng, đất chưa chuyển mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính…. Theo ông Tuấn, những vướng mắc này TP đã 2 lần gửi văn bản lên Chính phủ, đã chuyển đến các bộ, ngành. Việc gỡ như thế nào còn theo trình tự thủ tục và phải sửa văn bản luật. Trong lúc chờ đợi, chủ đầu tư có đất ở hợp pháp cứ trình dự án để triển khai.
Trao đổi với các doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý các doanh nghiệp khi bắt đầu dự án cần làm chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật. Những dự án nào cơ quan nhà nước cho phép rồi thì TP sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp dự án đó. Trừ trường hợp sai sót thất thoát đất công, tài sản của Nhà nước có sự tiếp tay của doanh nghiệp thì sẽ xử lý theo pháp luật.
“Bên cạnh việc bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, TP sẽ nhận diện và xử lý các doanh nghiệp không lành mạnh trong lĩnh vực bất động sản vào thời gian tới" - ông Tuyến khẳng định.