Aa

Doanh nghiệp họ Vinachem bỏ quên kế hoạch thoái vốn Nhà nước

Thứ Bảy, 14/10/2017 - 06:01

Cổ phiếu các công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã đón nhiều đợt sóng tăng từ cuối năm 2016 sau khi tập đoàn này trình Chính phủ kế hoạch sắp xếp, đổi mới lại các doanh nghiệp trực thuộc. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có chuyển động rõ ràng về kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Im ắng kế hoạch thoái vốn

Số lượng công ty thành viên Vinachem đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán khá đông đảo, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bột giặt, hóa chất, săm lốp và phân bón. Giao dịch không quá sôi động, nhưng hầu hết các cổ phiếu trong “họ” Vinachem được giới đầu tư ưa thích, do có lịch sử trả cổ tức hàng năm cao, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ổn định.

Có những doanh nghiệp nắm giữ vị thế đầu ngành như CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC), CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), CTCP Cao su Sao Vàng (SRC) trong nhóm săm lốp; CTCP Bột giặt Lix (LIX), CTCP Bột giặt Net (NET), CTCP Bột giặt và hóa chất Đức Giang (DGC), CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam (VPS), CTCP Super Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS), CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Pin ắc quy miền Nam (PAC) trong nhóm bột giặt và hóa chất…

Cổ phiếu họ Vinachem được nhà đầu tư chú ý do thường trả cổ tức cao, hoạt động kinh doanh ổn định.

Cổ phiếu họ Vinachem được nhà đầu tư chú ý do thường trả cổ tức cao, hoạt động kinh doanh ổn định.

Theo Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, sau cổ phần hóa, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ giảm sở hữu Nhà nước xuống 51-65% vốn điều lệ. Dự kiến tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng trong nửa đầu năm 2019 và tiến hành niêm yết ngay trong năm 2019. Đồng thời, Vinachem cũng có kế hoạch thoái vốn tại một số công ty con, liên kết, qua đó giúp Tập đoàn có thêm nguồn thu hoạt động kinh doanh và cải thiện tình hình tài chính.

Cuối năm 2016, khi Vinachem trình lên Bộ Công thương Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trực thuộc, nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, qua đó, cải thiện chất lượng quản trị cũng như nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp này. Với kỳ vọng đó, diễn biến của đa số cổ phiếu “họ” Vinachem đã ghi nhận mức tăng giá khá tốt từ đó đến nay.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoại trừ một số thông tin đồn đoán, hay động thái chuẩn bị cho thoái vốn tại 2 công ty NET và PAC, thì ở các doanh nghiệp khác mà Vinachem đang sở hữu (hầu như trên 51-65% vốn) tới nay vẫn chưa có thêm thông tin gì mới.

NET, PAC có khả năng lỡ hẹn thoái vốn trong năm 2017

Giữa năm 2017, một thông tin lan truyền trên thị trường chứng khoán là Vinachem sẽ thoái vốn về dưới 51% tại NET ngay trong quý III năm nay, chậm nhất là trong quý IV và rằng, Vinachem đã xác định được đối tác chào mua và đang đàm phán thêm về giá chuyển nhượng. Theo đó, giá cổ phiếu NET đã tăng từ 27.000 đồng/cổ phiếu lên 31.000 đồng/cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư có xu hướng găm cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư mua trước và chờ thời, nhưng đến thời điểm hiện tại, có vẻ như diễn biến thương vụ thoái vốn không tích cực. Cổ phiếu NET giảm về lại vùng giá 27.500 đồng/cổ phiếu, thanh khoản cũng hạn chế hơn.

Trong khi đó, tại PAC, cuối tháng 8/2017, Hội đồng quản trị PAC trình Đại hội đồng cổ đông về việc lựa chọn Công ty TNHH Furukawa Battery (FB) là đối tác chiến lược theo hình thức xin ý kiến bằng văn bản. Hiện Vinachem đang sở hữu 51,43% vốn tại PAC và cử nhân sự giữ các vị trí quan trọng trong điều hành tại PAC. Do vậy, thông tin trên được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc thoái vốn và nâng thêm tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại này. Diễn biến cổ phiếu PAC cũng phản ánh kỳ vọng này khi tăng từ 45.600 đồng/cổ phiếu lên 52.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng hơn 15%.

Hiện PAC có thị phần khoảng 45%, là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất pin và ắc quy tại thị trường Việt Nam, các nhà máy mới đã hoàn thành việc nâng công suất và đang chạy hết công suất. Với vị thế đó, các nhà đầu tư nước ngoài như Furukawa Battery “nhòm ngó” PAC là điều dễ hiểu.

Được biết, cổ đông lớn này cũng đã bày tỏ mong muốn nắm quyền kiểm soát PAC. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng gần đây của nhà đầu tư, Vinachem vẫn chưa có động thái thoái vốn khỏi PAC. Hiện PAC đang lấy ý kiến cổ đông về việc hợp tác với Furukawa với tư cách là đối tác chiến lược trong việc chia sẻ công nghệ mới, cũng như thị trường xuất khẩu.

Theo một số chuyên gia, việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết của Vinachem có thể chỉ được hiện thực hóa từ năm 2018.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top