Nợ nghi ngờ tăng 5 lần
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính bán niên hợp nhất đã soát xét. Báo cáo cho thấy, tiền gửi của Vietinbank tại Ngân hàng Nhà nước tính đến 30/6/2017 là 16.210 tỷ đồng tăng gần 2.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tiền gửi và cho vay các TCTD khác cũng tăng gần 13.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên 107.779 tỷ đồng. Nửa đầu năm, Vietinbank tăng kinh doanh chứng khoán, chi gần 10.000 tỷ đồng cho mục này.
Về nợ phải trả, Vietinbank có khoản nợ NHNN là 25.770 tỷ đồng, tăng so với mức 4.808 tỷ đồng hồi đầu năm. Tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác là 119.223 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng là 692.930 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả của Vietinbank tính đến hết tháng 6 là 975.300 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm báo cao, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 13.483,9 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 908 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 353 ty đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đạt gần 178 tỷ đồng (tăng so với mức 59,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước đó.
Lãi thuần từ hoạt động khác 6 tháng đầu năm 2017 gần gấp đôi cùng kỳ, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần đạt 559 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với mức 15 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 9.657 tỷ đồng. Sau khi trừ đi 4.843 tỷ đồng chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt 4.813,6 tỷ đồng, tăng 12,6% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Riêng về nợ cho vay của Vietinbank, tính đến 30/62017, nợ vay của Vietinbank là 730.050 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong đó nợ cần chú ý giảm còn 3.590 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn cũng giảm còn 833 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn là 3.497 tỷ đồng (giảm so với mức 3.819 tỷ đồng cùng kỳ). Riêng khoản nợ nghi ngờ của Vietinbank tăng đột biến từ 812 tỷ đồng hồi tháng 6/2016 lên 4.224 tỷ đồng, tăng 5,2 lần. Nợ nghi ngờ gồm các khoản được đánh giá có khả năng tổn thất cao như nợ quá hạn 181 – 360 ngày hoặc cơ cấu lại thời gian trả nợ lần đầu quá hạn 90 ngày. Khoản nợ nhóm 3 chưa thu hồi trong 30 - 60 kể từ ngày có quyết định thu hồi hoặc nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra. Với khoản nợ này, ngân hàng trích dự phòng 50%. Trong kỳ, ngân hàng trích lập thêm 651 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng. Theo đó, dự phòng rủi ro số dư là 5.545 tỷ đồng.
5.676 tỷ đồng tại Vinachem xếp vào khoản nợ nào?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới công bố, Vietinbank là một trong 4 ngân hàng cho Vinachem vay nợ nhiều nhất. Tính đến ngày 30/6/2017, Vinachem vay 5.674 tỷ đồng tại Vietinbank. Theo tờ Vietnamfinance, VietinBank được ví như “ngân hàng thân quen” của Vinachem khi cho tập đoàn này vay tới 35 khoản – số khoản vay cao nhất trong tất cả các chủ nợ. Ngoài các khoản vay đối với riêng VietinBank, Vinachem hiện cũng vay tới 2.659 tỷ đồng từ các chủ nợ do VietinBank làm đầu mối.
Điều đáng nói là ngoài khoản vay tại Vietinbank, Vinachem còn vay 15 ngân hàng khác nên tiền lãi tập đoàn này phải trả ngân hàng mỗi tháng lên tới 176 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ với một doanh nghiệp đang làm ăn ít khả quan và đang gánh khoản nợ khủng. Tính đến hết ngày 30/6/2017, nợ phải trả của Vinachem là 38.137 tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Riêng khoản nợ vay của tập đoàn là 29.165 tỷ đồng. Trong đó 11.404 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 17.761 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Với vốn chủ sở hữu 19.208 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinachem đến hết ngày 30/6/2017 lên tới 1,99 lần; tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên tới 1,52 lần.
Sau thời gian dài làm ăn thua lỗ, 6 tháng đầu năm 2017, Vinachem bắt đầu có lãi trở lại nhưng lợi nhuận khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế của Vinachem đạt gần 48 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ 203 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ không có, lỗ gần 193 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát đạt hơn 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu thị trường phân bón không nhanh chóng khởi sắc, Vinachem không cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ cho các ngân hàng của tập đoàn này khó có thể nói trước.
Theo một nguồn tin của Dân trí, Vinachem không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại các dự án (dự án nhà máy Đạm Ninh Bình và Dự án muối mỏ kali tại Lào). Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ. Do đó, nhiều khả năng khoản vay tại Vietinbank của Vinachem sẽ tạm thời "đóng băng".