Aa

Doanh nghiệp kêu khó vì quy hoạch TP.HCM đánh đố nhà đầu tư

Thứ Năm, 01/11/2018 - 14:00

Đối tác nước ngoài khi xúc tiến đầu tư muốn biết các quy hoạch của thành phố bao giờ xong, nhưng thường không nhận được trả lời rõ ràng.

Hội thảo Quy hoạch đô thị TP.HCM – Thực tiễn và cơ hội đầu tư do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM và VTV24 tổ chức ngày 30/10 thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp địa ốc. Đây là cơ hội để giới đầu tư, phát triển bất động sản chất vấn trực diện lãnh đạo thành phố những vấn đề liên quan đến chất lượng quy hoạch, thời gian thực hiện và tính bền vững của quy hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Sinh - Giám đốc phát triển kinh doanh của IMM Group trình bày nỗi băn khoăn về tần suất thay đổi, điều chỉnh quy hoạch đột phá của TP.HCM. Ông bộc bạch, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường khiến doanh nghiệp bị động.

Đại diện IMM Group cho hay, các đối tác nước ngoài của công ty trong quá trình xúc tiến đầu tư thường hỏi cặn kẽ các quy hoạch của thành phố bao giờ xong? Tuy nhiên câu hỏi này chưa có lời đáp rõ ràng. “Rất khó thuyết phục khối ngoại tham gia các dự án đầu tư tại TP.HCM khi các quy hoạch của thành phố không rõ thời gian hoàn thành”, ông trần tình.

Một trong những câu hỏi trực diện doanh nghiệp chất vấn tại hội trường, nhận nhiều tràng vỗ tay hưởng ứng là: “Tuyến metro đầu tiên của Sài Gòn bao giờ xong? Con tôi cứ hỏi ba ơi chừng nào mình mới được đi metro? Là một nhà đầu tư am hiểu thành phố, tôi cũng không rõ bao giờ tuyến metro mới hoạt động”.

Lãnh đạo một doanh nghiệp khác trần tình muốn biết cụ thể quy hoạch ngầm của thành phố để đón cơ hội đầu tư nhưng thiếu thông tin. “TP.HCM có quy hoạch phát triển không gian ngầm hay chưa và nếu có thì bao giờ công bố?”, ông đặt câu hỏi.

Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

 Chủ tịch Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, Nguyễn Xuân Quang thì đưa ra nhận xét thẳng thắn là TP.HCM đang phải chi hàng nghìn tỷ đồng chỉ để giải quyết các vấn đề đô thị do quá khứ để lại. "Nếu có tầm nhìn dài, có toan tính trước và có quy hoạch tốt, thì đã không phải dùng quá nhiều ngân sách để khắc phục những hậu quả này”, ông Quang nêu ý kiến, đồng thời kỳ vọng trong giai đoạn mới, quy hoạch của thành phố sẽ có chất lượng cao hơn, tầm nhìn dài hơn, cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào các quy hoạch phát triển thành phố sẽ rộng mở hơn nhằm đưa đô thị này vào quỹ đạo phát triển bền vững.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận với doanh nghiệp: “Thành phố đứng trước nhiệm vụ khó khăn khi phải đáp ứng yêu cầu vừa phát triển nhanh vừa bền vững”.

Ông Tuyến giải thích, chính vì phải quy hoạch thành phố đáp ứng tốc độ phát triển đô thị quá nhanh đã để lại những hậu quả là kẹt xe, ngập nước, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo và chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Đây là những yếu kém ở cả khâu xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Mặt khác, quy hoạch của TP.HCM cũng vướng những hạn chế là còn chủ quan và thiếu kinh nghiệm nên chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân và doanh nghiệp. Ông chia sẻ một khiếm khuyết về quy hoạch phát triển giao thông của Sài Gòn. Đó là theo quy chuẩn, cứ một km đất phải quy hoạch 10 km đường thì hiện nay mới chỉ đạt một km đất có 2 km đường. Điều này cho thấy thành phố đang có tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị rất thấp.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp về việc quy hoạch TP.HCM không rõ đâu là hạn cuối, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới thành phố sẽ tính toán để giảm thiểu vấn đề này theo hướng chu kỳ quy hoạch 10 năm điều chỉnh một lần thay vì 5 năm như hiện nay.

Trả lời thắc mắc về tiến độ của tuyến metro mãi kéo dài, ngày về đích quá xa, ông Tuyến trấn an doanh nghiệp hãy tin tưởng thành phố đủ sức thực hiện công trình này theo tiến độ đề ra. Hiện nay công trường metro vẫn thi công, đã hoàn thành 70% dự án và thành phố luôn ý thức chuẩn bị nguồn vốn tạm ứng để hoàn thành tuyến giao thông này.

Phó chủ tịch UBND thành phố cũng xác nhận thêm với nhà đầu tư là TP.HCM đang từng bước nghiên cứu và thực hiện quy hoạch ngầm đô thị, bởi xét về quỹ đất và không gian đô thị, Sài Gòn đã phát triển gần kín.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top