Ngày 8/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại đây, vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi tiếp tục được đưa ra thảo luận.
Điều 89 Dự thảo Luật Đất đai quy định, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, “sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước, trong đó người dân là trung tâm. Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải tái định cư thì yêu cầu thực hiện tái định cư trước khi thu hồi đất. Đồng thời, phải đảm bảo được sinh kế cho người dân, hỗ trợ người dân trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất.
Cùng với đó, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa trong lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; điều tiết chênh lệch địa tô hợp lý, bảo đảm công khai, minh bạch. Song, thực tế nhiều năm qua, mức giá đền bù chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các khiếu nại, khiếu kiện về đất đai thời gian qua, đòi hỏi việc đưa ra mức giá đền bù tương xứng khi thu hồi đất là hết sức cần thiết.
Về vấn đề này, tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest) khẳng định, khi thu hồi đất đối với đất ở và đất thương mại dịch vụ, doanh nghiệp luôn thống nhất cần đền bù thoả đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định, nhằm đảm bảo đời sống của người dân không bị thua thiệt.
Song, ông Hiệp cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các vấn đề liên quan, sao cho đảm bảo công bằng cho người dân lẫn doanh nghiệp khi thực hiện dự án và không cản trở việc thực thi trong thực tế. Nhất là giá đền bù không thể thực hiện bằng phương pháp tự thoả thuận giữa từng hộ gia đình với chủ đầu tư, mà phải được thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng cần lưu ý, nếu dùng cụm từ “hộ gia đình” được giao đất khi thực hiện đền bù sẽ rất phức tạp, bởi nếu gia đình có nhiều người nhưng “không thống nhất” thì phải đi giải quyết với từng người. Do đó, việc giao đền bù cho chủ hộ hoặc đại diện của hộ gia đình sẽ hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đề nghị phân định rõ rệt giữa các loại đất bị thu hồi và bồi thường trong các điều khoản của Chương 7, tách bạch khái niệm đền bù giữa đất nông nghiệp và đất ở, đất thương mại.
Cụ thể, đất nông nghiệp là Nhà nước giao đất cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, trồng trọt không thu tiền sử dụng đất nên khi bị thu hồi chỉ được đền bù hoa màu và chi phí đã đầu tư vào đất theo quy định (trong hạn mức tại Điều 170, 171 và mức giá hoa màu tại thời điểm thu hồi đất và năng suất tính bằng vụ cao nhất trong 3 năm trước đó). Nhưng vấn đề là cần làm rõ đền bù hoa màu mấy vụ? Khung giá đền bù do chính quyền địa phương cấp huyện phê duyệt.
Ngoài ra, phải làm rõ những trường hợp đất nông nghiệp đã vài vụ không canh tác có được đền bù không? Trong đó, giá đền bù phải thấp hơn tiền sử dụng đất phải nộp vì chủ đầu tư còn phải đầu tư chi phí thực hiện nhiều thủ tục khác thì mới có thể sử dụng được đất nông nghiệp đó và tiền đền bù này sẽ được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử dụng.
Không chỉ vấn đề đền bù, việc tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi như thế nào để đảm bảo đời sống dân sinh cũng cần quy định chặt chẽ. Khoản 3 Điều 107 quy định đối với thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại thì người bị thu hồi đất được bố trí tái định cư tại chỗ nhưng theo ông Hiệp, không nên quy định về bố trí tái định cư tại chỗ, do khi thu hồi, người bị thu hồi đã được bồi thường theo giá sát với giá thị trường, phù hợp với bảng giá đất.
“Việc bố trí tái định cư phải thực hiện ở những nơi có quỹ đất dành cho việc tái định cư, nếu không có quỹ đất tái định cư thì việc tái định cư tại dự án phải theo thỏa thuận của các bên, không nên quy định bắt buộc gây khó khăn cho chủ đầu tư”, ông Hiệp kiến nghị.
Quan tâm đến điều kiện khu tái định cư tại khoản 2 Điều 106, ông Hiệp đề nghị quy định rõ thêm cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng khu tái định cư. Chỉ khi khu tái định cư đảm bảo các yêu cầu sử dụng, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân thì mới khuyến khích được người dân đồng thuận đến ở cũng như tránh lãng phí nguồn lực.
Đồng thời, theo ông Hiệp, Điều 110 quy định: “Trong trường hợp cần thiết, việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng …” là chưa đủ sức nặng. Thực tế, hầu hết các dự án, việc chậm tiến độ chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, để dự án được triển khai nhanh chóng, tránh kéo dài ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như chủ đầu tư, kiến nghị bắt buộc phải tách dự án riêng.
Điều 64 Dự thảo quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện phải lập từng năm căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt và căn cứ vào kế hoạch phát triển xã hội, kế hoạch đầu tư công của tỉnh, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, huyện... Tuy nhiên, chính quy định này gây nhiều ách tắc vì thông thường kế hoạch sử dụng đất hàng năm được tỉnh thông qua ngay sau kỳ họp đầu của HĐND tỉnh nên nếu sau đó do nhu cầu phát triển kinh tế hoặc yêu cầu của địa phương bổ sung dự án đều phải chờ lại kế hoạch sử dụng đất năm sau, kể cả các doanh nghiệp nếu các thủ tục chuẩn bị đầu tư không kịp kỳ họp đầu của HĐND đều phải chờ đợi mặc dù thực hiện đúng theo quy hoạch sử dụng đất đã được duyệt.
Theo quan điểm chúng tôi, đề nghị nên bỏ khâu lập kế hoạch sử dụng đất ở phạm vi cấp huyện để các địa phương và doanh nghiệp chủ động tiết kiệm được thời gian và cũng bớt đi một thủ tục hành chính cho việc triển khai đầu tư dự án đồng thời cũng tạo điều kiện cho các địa phương linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương mình.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest)