Aa

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn giá rẻ

Thứ Bảy, 26/10/2019 - 06:10

Dù nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 khả quan hơn nhiều so với dự báo, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể tung ra các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp.

Đến nay đã có hơn 10 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3, đều tăng mạnh về cả thu nhập lãi thuần lẫn lợi nhuận trước thuế...

Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 13 tháng của các ngân hàng (Nguồn: SSI)

Ngân hàng “lội ngược” dự báo

Lợi nhuận hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019 của Vietcombank đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019. Với kết quả này, không có lý do gì để nghi ngờ Vietcombank sẽ vượt mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng của cả năm 2019.

Một ngân hàng khác cũng báo đột phá lợi nhuận quý 3 tăng trưởng khủng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2018 là HDBank. Theo đó, lũy kế 9 tháng 2019, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.400 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Với kết quả này, dự kiến các hệ số sinh lời trên tài sản (ROA) và sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của HDBank sẽ ở mức lần lượt đạt tới 1,7% và 20,2%.

Trong khi đó, các ngân hàng như Sacombank, LienVietPostBank... cũng đã rôm rả thông báo kết quả lợi nhuận và các chỉ số lạc quan.

Điều này được cho là khá trái ngược so với dự báo của một số tổ chức, định chế trước đây khi căn cứ trên tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chững lại trong quý 3 và room tín dụng của nhiều nhà băng gần chạm trần.

Dù các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất cho vay, nhưng đến nay chỉ một vài ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực ưu tiên.

Trước đó, trong một báo cáo thị trường tài chính, tiền tệ quý 3, Công ty Chứng khoán SSI cho biết lãi suất thực dương đang tăng. Cụ thể, CPI 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp hơn khá nhiều so với các năm trước, trong khi lãi suất huy động bình quân cao hơn, theo đó lãi suất thực dương tăng mạnh từ khoảng 3,4%/năm năm 2018 lên 4,8% trong 9 tháng 2019, giúp kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn. Điều đó có nghĩa ngân hàng đang phải trả lãi suất huy động cao hơn, trong khi lãi vay không có tín hiệu điều chỉnh tăng. Vì vậy, việc các tổ chức công bố báo cáo lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn trong quý 3 được cho là sự lội ngược dòng và cho thấy định hướng tăng thu từ phí dịch vụ của các nhà băng theo mô hình bán lẻ hiện đại đa năng, giảm phụ thuộc vào nghiệp vụ truyền thống, đã phát huy hiệu quả.

Vốn ưu đãi vẫn xa tầm với

Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, về tín dụng, tính đến 4/10/2019, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,64% - ngành ngân hàng vẫn còn dư địa hơn 5% trong 3 tháng cuối năm nay, chưa kể sẽ có nhiều tổ chức tín dụng có khả năng được “nới” room hoặc ưu tiên. “Với dư địa có thể xem là rộng rãi như vậy, về cơ bản, tín dụng sẽ được các nhà băng sẵn sàng đẩy mạnh hơn cho doanh nghiệp vào cuối năm nay và tạo đà cho kế hoạch năm sau”, ông Hoàn nhận định.

Tuy nhiên, ông Hoàn cho rằng, với tăng trưởng huy động đang khá tốt, lãi suất cho vay đang lại gần sát với trần lãi suất huy động, đặc biệt nhiều tổ chức tín dụng đã phát hành trái phiếu quy mô lớn, lãi suất cũng rất hấp dẫn… thì không phải ngân hàng nào cũng có thể cung ứng vốn tín dụng giá rẻ trong những tháng cuối năm nay đối với nhiều ngân hàng. Và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi của một số ngân hàng, vì các gói tín dụng này chỉ dành cho một số lĩnh vực ưu tiên.

Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngoại tệ trong nhóm được ưu tiên, ông Hoàn cũng lưu ý với các rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị sẵn kịch bản để đáo hạn hợp đồng vay, và việc tiếp cận vốn mới cũng không dễ dàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top